Ngăn chặn cách hành xử 'côn đồ' trong học sinh
Liên tiếp trong tháng 3-2025 tại Đồng Nai và một số tỉnh, thành trên cả nước xảy ra nhiều vụ học sinh bị bạn đánh hội đồng phải nhập viện điều trị. Tình trạng trên đã làm dấy lên nỗi lo về xu hướng bạo lực trong lứa tuổi thanh, thiếu niên, học sinh.

Hình ảnh nam sinh ở thành phố Biên Hòa bị đánh hội đồng phải nhập viện ngày 27-3. Ảnh: cắt từ clip
Để hạn chế thấp nhất các vụ việc đau lòng liên quan đến bạo lực trong lứa tuổi học sinh có thể xảy ra, cần sự phối hợp trách nhiệm từ nhiều phía, nhất là trong việc giáo dục, quản lý học sinh từ gia đình và nhà trường.
Giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực
Xuất phát từ những mâu thuẫn nhỏ trong sinh hoạt, giao tiếp hoặc mâu thuẫn tình cảm…, thay vì trao đổi để hóa giải hiểu lầm, không ít học sinh đã chọn cách giải quyết bằng việc đánh nhau dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.
Chỉ vì mâu thuẫn tình cảm cá nhân nên P.B.N. (16 tuổi, ngụ thành phố Biên Hòa) cùng một số thanh, thiếu niên khác đã tìm gặp em N.M.T. (17 tuổi, học sinh lớp 10, tạm trú phường Tân Hòa, thành phố Biên Hòa) để đánh. Trưa 27-3, khi nhóm của P.B.N. phát hiện em N.M.T. đang đi bộ trên tuyến đường hẻm ở khu phố 4A, phường Tân Hòa thì cầm theo gậy xông vào tấn công vào đầu khiến em N.M.T. ngã gục xuống đường bất tỉnh. Nạn nhân sau đó được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất để cấp cứu trong tình trạng bị chấn thương sọ não. Ngày 29-3, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã ra quyết định tạm giữ hình sự P.B.N. và 4 đối tượng tham gia đánh em N.M.T.
Mới đây, trên mạng xã hội lại tiếp tục xuất hiện một clip nghi là học sinh của Trường THCS-THPT Bàu Hàm (xã Bàu Hàm, huyện Trảng Bom) bị một nhóm thanh niên “đánh hội đồng”. Vụ việc đang được cơ quan chức năng làm rõ.
Trước đó, ngày 25-3 một nữ sinh lớp 11 tại thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An) bị “đàn chị” cùng trường hẹn ra ngoài nói chuyện, rồi đánh hội đồng phải nhập viện điều trị. Giữa tháng 3-2025, một nam sinh lớp 7 Trường trung học cơ sở Nghĩa Trung (huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) bị 2 học sinh lớp 8 cùng trường đánh tới tấp vì ghen tuông.
Những vụ việc nêu trên chỉ là một số trong nhiều vụ bạo lực, ẩu đả cố ý gây thương tích trong lứa tuổi học sinh đã xảy ra trong thời gian gần đây khiến ai cũng cảm thấy xót xa. Qua các vụ việc cho thấy, tình trạng bạo lực học đường hiện nay thật sự rất đáng báo động. Không chỉ gia tăng về số lượng mà tính chất còn ngày càng nghiêm trọng và nguy hiểm, gây lo lắng, bức xúc trong dư luận.
Bình luận trên Facebook Báo Đồng Nai dưới các thông tin về vụ việc em N.M.T. bị đánh nhập viện, nhiều bạn đọc (BĐ) cho biết rất bức xúc và lo lắng trước tình trạng hành xử côn đồ của một số thanh, thiếu niên hiện nay. “Thật buồn khi các cháu nông nổi thiếu suy nghĩ” - tài khoản Facebook Sao Mai viết. “Nhìn thấy cháu bị đánh xót thương lắm” - tài khoản Facebook Kiều Bùi Thi bình luận. Tài khoản Facebook Duy Nguyen đề nghị: “Cần xứ lý nghiêm khắc, mang tính răn đe, hiện tượng đáng lo ngại này hiện hữu khắp nơi ngoài cổng trường học”.
Còn tài khoản Facebook Luky Luke viết: “Một mạng người quý giá biết bao. Chấn thương sọ não để lại bao gánh nặng cho xã hội và gia đình. Pháp luật phải thật nghiêm minh và công bằng cho người bị hại”. “Làm tới nơi để làm gương cho những ai chuẩn bị đi đánh người khác” - tài khoản Pham Loan đề xuất.
Nâng cao trách nhiệm gia đình, nhà trường
Để xảy ra các vụ ứng xử không đúng chuẩn mực trong học sinh, sinh viên trách nhiệm thuộc về gia đình, nhà trường và xã hội trong công tác giáo dục, quản lý. Ở gia đình, nhà trường, các em chưa được quan tâm, giáo dục đúng mực. Bên cạnh đó, mạng xã hội ngày càng phát triển, các em được tiếp cận nhiều nguồn thông tin và những hình ảnh bạo lực khiến các em học cách hành xử, ứng xử theo xu hướng gia tăng bạo lực.
Điều đáng lo hiện nay là lý do dẫn đến các vụ học sinh đánh nhau rất đơn giản, thậm chí chỉ vì xuất phát từ chuyện va chạm trong lúc các em học sinh chơi đùa giờ ra chơi, nói xấu nhau, ghen tuông, thậm chí có cả lý do nhìn thấy “không vừa mắt”… cũng có thể khiến cho “máu côn đồ” nổi lên. Không ít vụ đã gây hậu quả nghiêm trọng, để lại sự thiệt thòi, đau đớn về thể xác và tinh thần cho học sinh và gia đình.
Vụ em N.M.T. bị đánh hội đồng vừa qua thể hiện tính côn đồ, hung hãn của các thanh, thiếu niên tham gia đánh nhau. Dù không hề có mâu thuẫn, thù hằn với nạn nhân nhưng một số thanh, thiếu niên vẫn có thể hùa theo bạn bè, xuống tay đánh người khác không thương tiếc.
“Có thể nói, bạo lực học đường là một vấn nạn nhức nhối đối với ngành giáo dục, có thể xảy ra trong mọi lứa tuổi học sinh. Chúng ta cần nâng cao trách nhiệm của gia đình, nhà trường trong việc giáo dục nhận thức, kỹ năng sống, kỹ năng ứng xử cho các em để ngăn chặn những hành vi bạo lực học đường” - cô Trịnh Thị Tươi, giáo viên một trường trung học cơ sở ở huyện Thống Nhất chia sẻ.
Theo cô Trịnh Thị Tươi, việc phối hợp giữa nhà trường và gia đình trong quản lý, giáo dục học sinh là rất cần thiết. Khi có thông tin 2 chiều sẽ kịp thời hỗ trợ giúp các em giải quyết các vướng mắc trong học tập, cuộc sống, có biện pháp giáo dục, ngăn chặn kịp thời đối với học sinh có nguy cơ dẫn đến bạo lực… Bên cạnh đó, bản thân mỗi học sinh cần tích cực rèn luyện kỹ năng sống, có lối sống lành mạnh, ứng xử văn hóa, chấp hành tốt nội quy trường, lớp, quy định của pháp luật.
Nhiều ý kiến BĐ cho rằng, cần có biện pháp giáo dục mạnh hơn nữa mới đủ sức răn đe để những sự việc đau lòng như vậy không tái diễn.
Kim Liễu
Tiến sĩ tâm lý LÊ MINH CÔNG, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và hỗ trợ sức khỏe tinh thần, Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh):
Định hướng cho trẻ cách ứng xử, các kỹ năng và kinh nghiệm sống cần thiết
Nguyên nhân dẫn đến bạo lực học đường là do các phương pháp giáo dục về văn hóa ứng xử trong nhà trường, gia đình chưa đáp ứng kịp yêu cầu của sự phát triển, đặc biệt trong bối cảnh bùng nổ công nghệ số. Học sinh ngày nay dễ tiếp cận và bị ảnh hưởng trực tiếp từ các thông tin xấu, độc, bạo lực trên internet, đặc biệt trên mạng xã hội, game online.
Để hạn chế tình trạng trên, mỗi gia đình cần có sự quan tâm, chia sẻ với con các vấn đề xung quanh trường lớp; đồng thời, định hướng cho trẻ cách ứng xử, các kỹ năng và kinh nghiệm sống cần thiết, giúp cho trẻ tự bảo vệ bản thân khỏi các nguy cơ bạo lực học đường. Đặc biệt, gia đình, nhà trường cần quan tâm đến các nội dung trẻ tiếp cận trên mạng xã hội, hướng các em xem các chương trình lành mạnh, tích cực. Ở góc độ nhà trường, cần xây dựng những bộ quy tắc ứng xử, chương trình, hoạt động trải nghiệm cho học sinh giao tiếp, thực hành, ứng xử với nhau trong trường học cũng như trên không gian mạng…
Ông ĐỖ HUY KHÁNH, Phó giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo:
Tăng cường chấn chỉnh công tác giáo dục, quản lý học sinh
Sở Giáo dục và đào tạo đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh tiếp tục chấn chỉnh công tác giáo dục và quản lý học sinh để phòng ngừa các hành vi bạo lực học đường, vi phạm pháp luật.
Theo đó, sở yêu cầu các cơ sở giáo dục nghiêm túc tăng cường công tác quản lý, giáo dục pháp luật cho học sinh, học viên và sinh viên. Các cơ sở giáo dục tiếp tục rà soát, củng cố và phát huy hiệu quả vai trò của Tổ Tư vấn tâm lý trong nhà trường; đồng thời tăng cường giáo dục, hướng dẫn kỹ năng xử lý, ứng phó với các tình huống dẫn đến bạo lực học đường. Tổ chức cho học sinh, học viên, sinh viên ký cam kết không vi phạm pháp luật, vi phạm an toàn giao thông, không thực hiện hành vi bạo lực học đường và không quay, phát tán clip bạo lực trên mạng xã hội…
Nhà trường kịp thời triển khai nhiều biện pháp nắm bắt tâm lý, điều kiện hoàn cảnh gia đình của học sinh, nhất là những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt để có các biện pháp quản lý, giáo dục phù hợp, hiệu quả. Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa gắn với thực hiện nội quy, quy chế để xây dựng kỷ cương, nền nếp trong nhà trường. Kiên quyết phối hợp xử lý nghiêm theo quy định pháp luật với các hành vi vi phạm nội quy, vi phạm pháp luật để làm gương, răn đe.