Cơ sở GD đào tạo đặc thù: Khó động viên giảng viên nâng cao trình độ

Giảng viên các cơ sở giáo dục đại học đào tạo đặc thù thiên về thực hành là chủ yếu, ít chú trọng công tác nghiên cứu nên khó vận động thầy cô nâng cao trình độ.

Các giảng viên Đại học Công nghệ Rajamangala (Thái Lan) thực hành vẽ lụa tại Xưởng thực hành lụa, Khoa Mỹ thuật tạo hình của Trường Đại học Nghệ thuật, Đại học Huế. Ảnh: NTCC

Các giảng viên Đại học Công nghệ Rajamangala (Thái Lan) thực hành vẽ lụa tại Xưởng thực hành lụa, Khoa Mỹ thuật tạo hình của Trường Đại học Nghệ thuật, Đại học Huế. Ảnh: NTCC

Vì vậy, các trường khó đáp ứng tiêu chí tỷ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ theo chuẩn cơ sở giáo dục đại học.

Khó khăn của ngành đặc thù

ThS Nguyễn Quang Phát - Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Nghệ thuật, Đại học Huế cho biết: “Hiện, nhà trường cơ bản đáp ứng được điều kiện về đội ngũ tiến sĩ đứng ngành. Giảng viên của trường hiện có 1 phó giáo sư, 2 tiến sĩ; 2 giảng viên vừa bảo vệ tiến sĩ thành công; 3 nghiên cứu sinh; 1 đầu vào nghiên cứu sinh.

Như vậy, đối chiếu với tiêu chí 2.3 về tỷ lệ giảng viên toàn thời gian có trình độ tiến sĩ của Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT (Thông tư 01) về chuẩn cơ sở giáo dục đại học đối với các trường đào tạo ngành đặc thù thì tạm thời nhà trường đảm bảo theo quy định”.

Mục tiêu của Trường Đại học Nghệ thuật, Đại học Huế từ nay đến năm 2030 là ổn định quy mô đào tạo khoảng 700 người học hệ đại học chính quy. Mở đào tạo sau đại học ngành Lý luận và phương pháp dạy học bộ môn Mỹ thuật, ngành Quản lý Bảo tồn nghệ thuật di sản (thí điểm) và mở ngành đào tạo đại học Bảo tồn và phục chế nghệ thuật di sản.

Bảo đảm trên 15% cán bộ giảng dạy có trình độ tiến sĩ; 90% cán bộ quản lý và cán bộ phục vụ được đào tạo chuẩn hóa chuyên môn, nghiệp vụ, nhà trường sẽ động viên giảng viên tiếp tục đi học để đáp ứng yêu cầu.

Tuy nhiên, với đặc thù 90% giảng viên giảng dạy thực hành, việc động viên các giảng viên làm tiến sĩ là vấn đề khó khăn. Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Đại học Nghệ thuật, Đại học Huế phân tích: “Ngành nghệ thuật thường chú trọng vào kỹ năng thực hành và kinh nghiệm sáng tạo hơn học thuật lý thuyết.

Nhiều giảng viên là nghệ sĩ giỏi, có tiếng về mặt chuyên môn trong trường hiện nay chỉ mới có trình độ thạc sĩ. Các giảng viên lựa chọn phấn đấu sáng tạo ra những tác phẩm và sản phẩm nghệ thuật phục vụ kinh nghiệm cho giảng dạy và nhu cầu của xã hội… Tôi nghĩ giảng viên lựa chọn như vậy cũng là hướng đi đúng với ngành đặc thù về đào tạo tài năng nghệ thuật từ xưa đến nay.

Việc yêu cầu làm nghiên cứu sinh để đạt chuẩn tiến sĩ có thể không hoàn toàn phù hợp với nhu cầu thực tế của ngành, gây khó khăn trong tuyển dụng và đào tạo. Tuy nhiên, nhà trường vẫn động viên thầy cô, nếu đã là nghệ sĩ tài năng mà được trau dồi thêm học hàm, học vị thì đó là kết quả mĩ mãn đối với nghệ sĩ làm giảng viên”.

Hiện, Trường Đại học Nghệ thuật, Đại học Huế áp dụng chính sách hỗ trợ 50 triệu đồng/giảng viên làm nghiên cứu sinh. Ngoài ra, nhà trường nỗ lực kết hợp với các cơ sở đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài để gửi giảng viên đi làm tiến sĩ đúng ngành. Đây là nỗ lực để nhà trường đáp ứng được số lượng và chất lượng nguồn nhân lực trong bối cảnh hội nhập hiện nay nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.

Tuy nhiên, việc nâng số lượng giảng viên có trình độ tiến sĩ vẫn đối mặt với một số thách thức lớn. Theo phân tích của ThS Nguyễn Quang Phát, khó khăn lớn nhất là thiếu cơ sở đào tạo chuyên sâu về nghệ thuật. Hiện, số lượng cơ sở đào tạo tiến sĩ trong lĩnh vực nghệ thuật còn hạn chế. Các chương trình tiến sĩ thường tập trung ở Hà Nội, TPHCM, khu vực miền Trung như Huế chưa có cơ sở nào đủ điều kiện đào tạo trình độ này.

Việc gửi giảng viên đi đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài như Nhật Bản, Pháp, Hàn Quốc… đòi hỏi kinh phí cao và điều kiện khắt khe cả về trình độ ngoại ngữ giảng viên cũng như học bổng. Hiện tại, chính sách đào tạo theo Đề án 89 về Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019 - 2030, riêng đối với ngành Nghệ thuật chưa ban hành danh mục trường quốc tế cho giảng viên theo học được cấp học bổng.

 Trường Đại học Nghệ thuật, Đại học Huế phối hợp với Viện Goethe Hà Nội tổ chức buổi giao lưu, trao đổi học thuật dành cho giảng viên và sinh viên. Ảnh: NTCC

Trường Đại học Nghệ thuật, Đại học Huế phối hợp với Viện Goethe Hà Nội tổ chức buổi giao lưu, trao đổi học thuật dành cho giảng viên và sinh viên. Ảnh: NTCC

Nỗ lực đáp ứng chuẩn quy định

TS Hoàng Ngọc Long - quyền Giám đốc Nhạc viện TPHCM cho biết, thu hút giảng viên trình độ tiến sĩ tham gia giảng dạy bao giờ cũng khó khăn với nhiều cơ sở đào tạo, các cơ sở đào tạo có ngành đặc thù là nghệ thuật như Nhạc viện TPHCM thì khó khăn càng lớn.

“Những người có trình độ tiến sĩ âm nhạc không nhiều, đầu vào cũng khó. Hằng năm, Nhạc viện TPHCM thu hút được giảng viên tiến sĩ đầu vào nhưng ít và đã đáp ứng được tiêu chuẩn quy định”, ông Long nói.

Còn theo PGS.TS Châu Vĩnh Huy - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thể dục thể thao TPHCM, trường vẫn tuyển đủ giảng viên đáp ứng quy định. Theo đó, nhà trường sắp xếp linh hoạt thời khóa biểu giảng dạy để các thầy cô có thể chủ động hơn. “Thầy cô ở trường có thể giảng dạy ở nhiều nơi do được tạo điều kiện linh hoạt giờ giấc, còn lại các điều kiện khác nhà trường vẫn đảm bảo theo quy định, quy chế”, PGS.TS Châu Vĩnh Huy nói thêm.

Tại Trường Đại học Nguyễn Tất Thành, chiến lược phát triển vẫn kiên trì để thực hiện mục tiêu đáp ứng chuẩn đội ngũ theo Thông tư 01. Tuy nhiên, theo TS Trần Ái Cầm - Hiệu trưởng nhà trường, nếu xét theo Thông tư 01 có một số điểm gây khó khăn chung đối với nhiều cơ sở giáo dục đào tạo. Nhưng khi Chính phủ, Nhà nước đã đưa ra các quy định đồng thời có hỗ trợ để các trường triển khai. “Hiện nay, việc hỗ trợ cho các trường công và tư như nhau nên các trường phải nỗ lực đáp ứng”, TS Trần Ái Cầm nói thêm.

Trong khi đó, đại diện Trường Đại học Công nghệ TPHCM (HUTECH) cho hay, trường tích cực đưa ra các chính sách đãi ngộ để thu hút giảng viên trình độ tiến sĩ không chỉ cho khối ngành Nghệ thuật mà các ngành đào tạo hiện có của trường.

Đối với giảng viên trình độ thạc sĩ, HUTECH khuyến khích, đầu tư cho thầy cô học tập nâng cao trình độ. Ví như, tạo điều kiện thuận lợi để thầy cô đi học thông qua giảm giờ dạy chính khóa và thời lượng nghiên cứu khoa học, hỗ trợ chi phí… theo quy định đã ban hành.

Khó giữ chân giảng viên trình độ cao

Hiện, Trường Đại học Nghệ thuật, Đại học Huế chưa đào tạo trình độ thạc sĩ và tiến sĩ. Nhà trường đã và đang xây dựng lộ trình cụ thể để triển khai đào tạo sau đại học, với các mốc thời gian cụ thể. Trong đó, từ năm 2025 - 2027 được xác định là giai đoạn chuẩn bị, công tác đánh giá cơ sở đào tạo dự kiến hoàn thành trong năm 2025.

Nhà trường đã xây dựng chương trình đào tạo thạc sĩ ngành Sư phạm Mỹ thuật, xây dựng tiếp chương trình đào tạo thạc sĩ Mỹ thuật ứng dụng. Xây dựng chương trình liên kết đào tạo thạc sĩ, trong đó, giai đoạn đầu tận dụng đội ngũ giảng viên và kinh nghiệm từ các trường tại Thái Lan, Hàn Quốc và đẩy mạnh xây dựng đội ngũ phó giáo sư đáp ứng chuẩn đứng ngành đào tạo thạc sĩ. Từ năm 2028 - 2030 có thể tuyển sinh trình độ thạc sĩ.

Tuy nhiên, theo ThS Nguyễn Quang Phát, nhà trường khó giữ chân giảng viên trình độ cao. Đến nay, có 4 giảng viên Trường Đại học Nghệ thuật, Đại học Huế sau khi đạt trình độ tiến sĩ chuyển sang làm việc tại các trường đại học tư thục - nơi có chính sách thu hút, mức thu nhập cao, môi trường nghiên cứu hiện đại.

Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nghệ thuật, Đại học Huế cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng “chảy máu chất xám” giảng viên trình độ cao là chế độ đãi ngộ chưa đủ hấp dẫn, dẫn đến việc họ tìm kiếm cơ hội ở nơi khác.

Trong khi đó, số lượng tiến sĩ trong lĩnh vực mỹ thuật tại Việt Nam còn hạn chế vì chỉ có 2 nơi đào tạo ngành tiến sĩ lý luận Mỹ thuật. Các giảng viên trình độ tiến sĩ thường tập trung tại thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, dẫn đến khó khăn trong việc thu hút họ về công tác tại trường.

“Đào tạo một giảng viên trình độ tiến sĩ đòi hỏi nguồn kinh phí lớn, bao gồm cả học phí, sinh hoạt phí, nghiên cứu. Chưa kể thời gian dài, thường là 3 - 5 năm, có khi lên đến 6 năm. Với ngân sách hạn chế của một đơn vị công lập, quy mô tuyển sinh vừa phải, nhà trường chỉ có thể hỗ trợ một phần nhỏ kinh phí cho nghiên cứu sinh. Đây cũng là lý do khó có thể động viên giảng viên làm tiến sĩ”. - ThS Nguyễn Quang Phát - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Nghệ thuật, Đại học Huế

Hà Nguyên - Quốc Hải

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/co-so-gd-dao-tao-dac-thu-kho-dong-vien-giang-vien-nang-cao-trinh-do-post725936.html
Zalo