Cơ hội nào cho sinh viên Việt Nam muốn học STEM tại Mỹ?
Đại diện Đại học Kentucky và Đại học Cincinnati (Mỹ) phân tích những lợi thế, hạn chế của sinh viên Việt Nam khi theo đuổi các ngành học trong lĩnh vực STEM và khoa học cơ bản.

Khoa học cơ bản, STEM (Khoa học - Công nghệ - Kỹ thuật - Toán) là những lĩnh vực được Chính phủ và các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam chú trọng đẩy mạnh trong thời gian qua. Các trường đồng loạt mở ngành, đầu tư cơ sở vật chất để nâng cao chất lượng đào tạo, đón đầu xu hướng "khát" nhân lực.
Không riêng Việt Nam, khoa học cơ bản và STEM cũng được quan tâm ở các nước phát triển, ví dụ như Mỹ.
Mới đây, trong khuôn khổ chương trình Hợp tác Học thuật Quốc tế (IAPP), các trường đại học Mỹ đã cùng đại học Việt Nam thảo luận về công tác đào tạo lĩnh vực này. Qua đó, Tri Thức - Znews cũng có dịp trao đổi chủ đề này cùng bà Oxana Prokhorova, Giám đốc phụ trách Hợp tác toàn cầu và Doanh nghiệp (Đại học Cincinnati) và ông Timothy Barnes, Giám đốc điều hành về Quan hệ đối tác và Nghiên cứu quốc tế (Đại học Kentucky).
Lực lượng lao động cần thay đổi nhanh hơn công nghệ
- Sau khi thăm các trường đại học Việt Nam, ông/bà đánh giá thế nào về chất lượng và triển vọng tương lai của giáo dục đại học tại Việt Nam?
- Bà Oxana Prokhorova: Trước hết, tôi nghĩ tất cả chúng tôi đều rất ấn tượng với giáo dục tại Việt Nam, với năng lượng, sức sống của sinh viên và các các em sẵn sàng học tập chăm chỉ. Chúng tôi cũng rất ấn tượng với sự kỷ luật, cống hiến của sinh viên và cả giảng viên, ban quản lý các trường đại học. Các chương trình đào tạo tại đại học của Việt Nam cũng có sự kết nối với nhu cầu thực tế của ngành công nghiệp, nhiều trường cũng có phòng thí nghiệm rất ấn tượng.
- Ông Timothy Barnes: Còn tôi rất ấn tượng với sự năng động của hệ thống giáo dục đại học và cả hệ thống nghiên cứu. Đặc biệt, tôi ấn tượng với cách các trường nhanh chóng phát triển và đưa ra các chương trình học mới để phù hợp với nhu cầu mới nổi của ngành công nghiệp cũng như sự thay đổi của công nghệ. Tôi thấy chúng tôi có thể học hỏi rất nhiều từ điều này.
- Theo ông/bà, hệ thống giáo dục đại học Việt Nam có những điểm mạnh nào và đâu là điều cần cải thiện?
- Bà Oxana Prokhorova: Như chúng ta thấy trong số những nền giáo dục ở các nước đang phát triển, Việt Nam có khả năng nghiên cứu khoa học rất mạnh. Tuy nhiên, khả năng xác định vấn đề và việc sử dụng các bộ kỹ năng để tìm ra giải pháp để triển khai là điều còn thiếu. Cá nhân tôi thấy rằng sinh viên Việt Nam có thể cải thiện điều này khi học tập ở Mỹ vì nền giáo dục Mỹ có tính ứng dụng thực tế khá cao.
- Ông Timothy Barnes: Nhìn chung, giáo dục đại học đã có sự chuyển dịch, chú trọng đến việc chuẩn bị cho lực lượng lao động. Không riêng Mỹ hay Việt Nam, với các quốc gia, lực lượng lao động cần thay đổi nhanh hơn so với công nghệ.
Vì vậy, chúng tôi muốn sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể tiếp tục học và chúng tôi muốn hỗ trợ các em trong việc này.
Tôi cũng nghĩ rằng trong thời hiện đại, việc này rất quan trọng bởi hầu hết sinh viên đều chuyển nghề nhiều lần sau khi ra trường. Các bạn sẽ không làm cho một công ty ôtô và ở đó mãi mãi, những ngày đó đã qua rồi. Ở thời điểm này, các chúng ta cần có chính là sự thích nghi.

Ông Timothy Barnes đánh giá sinh viên Việt Nam có nhiều tiềm năng để theo đuổi STEM và khoa học cơ bản. Ảnh: Phương Lâm.
Việt Nam cần chú trọng hơn về đào tạo STEM
- Khoa học cơ bản đóng vai trò quan trọng như thế nào đối với sự phát triển lâu dài của một quốc gia. Việt Nam cần phát triển lĩnh vực này như thế nào và có thể học được những gì từ mô hình giáo dục hàng đầu tại Mỹ?
- Bà Oxana Prokhorova: Khoa học cơ bản rất quan trọng vì sự phát triển của các công cụ, ứng dụng cũng bắt nguồn từ kiến thức khoa học cơ bản. Tuy nhiên, ở giai đoạn này, việc học cách áp dụng những công cụ đã có cho lực lượng lao động sẽ quan trọng hơn nhiều.
Việt Nam đã làm rất tốt và là quốc gia dẫn đầu khu vực về khoa học cơ bản, thậm chí công tác giáo dục ở bậc THPT về toán học, vật lý, hóa học cũng rất nổi bật. Do đó, tôi nghĩ rằng Việt Nam cần chú trọng hơn nữa đến các công cụ ứng dụng và cũng cần trang bị cho học sinh, sinh viên bộ kỹ năng để học cách hoạt động trong môi trường toàn cầu.
- Ông Timothy Barnes: Nếu nói về việc học hỏi từ đại học Mỹ, tôi nghĩ rằng các trường ở Mỹ ngày càng phát triển vì đưa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu tiên tiến vào ngay năm đầu của chương trình đại học.
Ví dụ ở Đại học Kentucky, chúng tôi cho sinh viên trải nghiệm nghiên cứu ngay từ học kỳ đầu tiên - khi các em mới 18 tuổi. Chúng tôi cũng có xu hướng đảo ngược chương trình giảng dạy. Thay vì cho sinh viên ngồi trong giảng đường trong 2 năm đầu rồi mới chuyển sang phòng thí nghiệm, chúng tôi cho các em học tập, thực hành kết hợp ngay từ đầu để sinh viên hiểu được "vòng đời" của nghiên cứu.
- Dựa trên kinh nghiệm của ông/bà, sinh viên Việt Nam có những đặc điểm nổi trội nào để theo đuổi giáo dục STEM?
- Bà Oxana Prokhorova: Nhiều sinh viên Việt Nam đã đến học tại trường của chúng tôi, các bạn đều là những cá nhân rất xuất sắc. Sinh viên Việt Nam kỷ luật cao, quyết tâm và cũng có khả năng "phục hồi" rất tốt vì du học còn đòi hỏi nhiều khía cạnh về mặt tâm lý bởi sống xa nhà và phải sử dụng ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ.
Dù vậy, các bạn vẫn học rất tốt, nhiều bạn còn nhận được học bổng toàn phần từ các trường đại học hàng đầu, ưu tú tại Mỹ. Việt Nam có thể tự hào vì đã giúp sinh viên trang bị rất tốt trước khi du học.
- Ông Timothy Barnes: Còn tôi bị ấn tượng bởi năng lượng và sự sáng tạo của sinh viên Việt Nam, và cả khả năng tiếng Anh của các bạn. Tôi từng nghĩ đây là rào cản, nhưng sinh viên Việt Nam lại trang bị kỹ năng ngoại ngữ rất tốt để du học.
15 năm trước, tôi từng đến thăm TP.HCM và rất ấn tượng với những kiến thức nền tảng của học sinh sau khi tốt nghiệp trung học, đặc biệt là Vật lý và Toán. Tôi thấy rằng truyền thống này vẫn được duy trì và rất giúp ích cho sinh viên Việt Nam khi học STEM.

Bà Oxana Prokhorova thẳng thắn chỉ ra những thách thức sinh viên Việt Nam có thể gặp phải khi tham gia chương trình giáo dục STEM ở nước ngoài. Ảnh: Phương Lâm.
Rất nhiều cơ hội hợp tác, du học Mỹ
- Vậy sinh viên Việt Nam thường gặp những thách thức nào khi tham gia chương trình giáo dục STEM nâng cao ở nước ngoài?
- Bà Oxana Prokhorova: Thách thức đầu tiên sẽ là ngoại ngữ. Tiếng Anh càng tốt, khả năng học tập thành công của sinh viên càng cao và càng ít căng thẳng. Bởi vì nếu có thể thoải mái sử dụng tiếng Anh, sinh viên sẽ càng kết nối dễ dàng và tạo ra môi trường ngập tràn sự hỗ trợ. Điều này cũng giúp việc học tập, nghiên cứu trở nên dễ dàng hơn.
Thứ hai, nếu chỉ có kiến thức thôi thì chưa đủ mà sinh viên cần biết cách xác định vấn đề, phân tích và đưa ra giải pháp cho vấn đề đó. Sinh viên Việt Nam có thể đối mặt với những thách thức nêu trên bởi nền giáo dục nước ngoài chủ yếu dành cho việc học cách thu thập và nắm chắc kiến thức.
- Ông Timothy Barnes: Tôi muốn nói rằng một trong những thách thức tiềm ẩn chính là học theo nhóm và học theo các dự án, hoạt động nhóm ở sinh viên đại học. Các bạn cần học cách hòa nhập, thích nghi và làm việc trong một nhóm - thường là nhóm đa văn hóa, đa quốc tịch.
Vì vậy, nếu muốn tham gia chương trình đào tạo về STEM tại Mỹ, sinh viên Việt Nam cần học cách làm việc với sinh viên từ khắp nơi trên thế giới và biết cách điều hướng không gian làm việc để đạt kết quả tốt nhất.
- Các trường đại học tại Mỹ sẽ cung cấp những lợi ích đặc biệt nào dành cho sinh viên Việt Nam - những người muốn theo đuổi STEM trong đào tạo học thuật, nghiên cứu và phát triển nghề nghiệp?
- Bà Oxana Prokhorova: Trước tiên, sinh viên sẽ được hưởng lợi từ một trong những điều cơ bản nhất của giáo dục STEM tại Mỹ, chính là các hệ thống học tập sáng tạo và có thể áp dụng vào môi trường làm việc.
Sinh viên cũng sẽ nhận được cơ hội làm việc, nghiên cứu toàn cầu bởi chúng tôi có mạng lưới kết nối với các tổ chức trên toàn thế giới. Bên cạnh đó, phòng thí nghiệm tại các trường đại học cũng được tập đoàn, công ty lớn tài trợ thiết bị, giúp sinh viên được học tập, nghiên cứu trong môi trường hiện đại.
- Ông Timothy Barnes: Giáo dục STEM ở bậc đại học tại Mỹ có sự kết nối rất hài hòa giữa các kỳ thực tập thực tế và chương trình giáo dục hợp tác, đặc biệt là tại các trường kỹ thuật.
Còn đối với giáo dục sau đại học, các giảng viên cố vấn làm rất tốt vai trò của mình. Bản thân tôi cũng là một phụ huynh, có con gái đang học thạc sĩ kỹ thuật, tôi thấy giảng viên rất tận tâm trong việc dẫn dắt người trẻ trở thành các nhà nghiên cứu, theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu và xuất bản các bài báo khoa học.
Về cơ bản, những nỗ lực của họ cho thấy việc trở thành nhà nghiên cứu đang trở thành một văn hóa có giá trị. Tôi tin rằng các sinh viên Việt Nam khi theo học tại Mỹ cũng sẽ nhận được những giá trị tốt đẹp như vậy.
- Theo ông/bà, mô hình hợp tác nào sẽ mang lại hiệu quả tốt nhất cho sự phát triển STEM tại Việt Nam?
- Bà Oxana Prokhorova: Tôi nghĩ rằng mô hình hợp tác nghiên cứu rất phù hợp vì nó cho phép các giảng viên, nhà nghiên cứu trẻ ở Việt Nam đến Mỹ để hợp tác và ngược lại. Mô hình này cũng cho phép nhà nghiên cứu, giảng viên một lần nữa tiếp xúc với môi trường nghiên cứu phát triển với nhiều thiết bị công nghệ tiên tiến để áp dụng tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, những thỏa thuận về đào tạo bằng kép cũng mang lại lợi ích, đặc biệt với người theo đuổi chương trình thạc sĩ, tiến sĩ. Họ có thể học cách trở thành những người dẫn đầu về kỹ thuật khi trở về Việt Nam và áp dụng những điều họ được học.
- Ông Timothy Barnes: Tôi cũng tin rằng đối STEM, chìa khóa chính là đầu tư vào giảng viên trước tiên, ngay cả khi đó chỉ là đầu tư ngắn hạn.
Hiện, tôi thấy có 2 mô hình sẽ mang lại hiệu quả đối với giáo dục STEM tại Việt Nam. Thứ nhất là cử giảng viên đến Mỹ học tập trong một học kỳ (4-6 tháng) nhằm tạo mạng lưới nghiên cứu và phát triển hợp tác, đồng thời tìm hiểu văn hóa học thuật tại Mỹ hoặc các quốc gia khác.
Thứ hai là tổ chức chương trình kéo dài trong 2 tuần với quy mô khoảng 10 giảng viên. Trong 2 tuần đó, các giảng viên sẽ được gặp gỡ, kết nối với nhà tài trợ, các doanh nghiệp để thảo luận về một số chủ đề nhất định.
Trong lĩnh vực STEM, sự kết nối giữa các nhà giáo dục thực sự rất quan trọng vì nó tạo nên những "cây cầu" bền vững. Sinh viên cũng quan trọng, nhưng để thúc đẩy cả một quốc gia và giải quyết những câu hỏi lớn hơn, chúng ta vẫn cần sự kết nối giữa những người dạy học.
- Bà Oxana Prokhorova: Ngoài ra, chúng ta có thể bắt đầu bằng việc kết nối 2 giảng viên/giáo sư. Mỗi người sẽ dẫn dắt nhóm sinh viên để cùng làm việc, giải quyết vấn đề chung. Điều này cho phép sinh viên được hợp tác, học hỏi và tiếp xúc văn hóa học tập của nước bạn mà không tốn kém chi phí, thời gian đi lại giữa các nước.
Thông thường, trong lớp học, sinh viên được dạy cách đưa ra giải pháp đúng đắn nhưng không được dạy cách xác định vấn đề. Những chương trình hợp tác như vậy sẽ rất hữu ích cho sinh viên.
Ngoài ra, tôi cũng muốn đề cập đến những chương trình du học ngắn hạn, chương trình học tập trong kỳ nghỉ hè và đặc biệt là cơ hội thực tập trong phòng thí nghiệm.
Chúng tôi rất muốn gửi sinh viên đến Việt Nam để giao lưu và cùng làm nghiên cứu. Họ không tham gia học tập trên lớp, nhưng sẽ cùng làm việc trong phòng thí nghiệm, hợp tác với khoa, giảng viên, giáo sư và sinh viên. Việt Nam cũng có thể làm điều tương tự với các trường đại học tại Mỹ khi đã đủ nguồn lực và kinh tế.