'ĐƯA TRƯỜNG HỌC ĐẾN THÍ SINH' NĂM 2025 TẠI TP HCM: Giải đáp cặn kẽ, thấu đáo

Học sinh các trường đặt hàng loạt câu hỏi khó về các vấn đề thời sự có thể ảnh hưởng đến những ngành nghề khiến ban tư vấn bất ngờ

Ngày 5-4, chương trình "Đưa trường học đến thí sinh" lần 24 - năm 2025 do Báo Người Lao Động tổ chức với sự phối hợp của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM và Đài Truyền hình TP HCM đã diễn ra tại Trường THPT Tân Bình (quận Tân Phú - TP HCM) với sự tham gia của gần 2.000 học sinh thuộc 15 trường THPT trên địa bàn cùng sự tham gia tư vấn của 11 chuyên gia đến từ các trường ĐH, CĐ tại TP HCM.

Nhiều câu hỏi mang tính thời sự

Từ 6 giờ, học sinh các trường THPT trên địa bàn đã nô nức đến Trường THPT Tân Bình để được tư vấn về chọn nghề, chọn ngành, chọn trường.

Ngay đầu chương trình, rất nhiều câu hỏi của học sinh đề cập nhiều lĩnh vực đã được gửi cho ban tổ chức, trong đó có những vấn đề thời sự về kinh tế, chính trị, về tác động của công nghệ đến ngành học, cũng như chính sách học bổng…

Toàn cảnh buổi tư vấn tại Trường THPT Tân Bình, quận Tân Phú, TP HCM

Toàn cảnh buổi tư vấn tại Trường THPT Tân Bình, quận Tân Phú, TP HCM

Cả sân trường ồ lên khi em Phan Thái Xuân Nghi, Trường THPT Trần Phú, đặt câu hỏi về việc Mỹ áp dụng đánh thuế 46% liệu có ảnh hưởng đến các ngành nghề, trong đó có ngành logistics tại Việt Nam? TS Lê Trung Đạo, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing, cho rằng mối quan tâm chính của chính quyền Mỹ đương nhiệm là sự mất cân bằng lớn trong cán cân thương mại giữa Mỹ và các quốc gia khác. Việc Việt Nam bị áp mức thuế 46%, chắc chắn sẽ tạo ra những thách thức và làm giảm lợi thế cạnh tranh so với các quốc gia khác. Ông cho biết Nhà nước Việt Nam đang tích cực và chủ động triển khai các biện pháp để thích ứng với vấn đề này nên học sinh cần bình tĩnh.

Học sinh TP HCM tự tin đặt câu hỏi với ban tư vấn.Ảnh: QUANG LIÊM

Học sinh TP HCM tự tin đặt câu hỏi với ban tư vấn.Ảnh: QUANG LIÊM

Chia sẻ với một học sinh Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền về việc trí tuệ nhân tạo có thể thay thế con người, trong đó có lĩnh vực cơ khí, PGS-TS Bùi Hoài Thắng, Trưởng Phòng Đào tạo - Trường ĐH Bách khoa TP HCM, nhìn nhận: Nhìn tổng thể, ở bất kỳ thời kỳ nào thì ngành kỹ thuật cơ khí cũng có vị trí riêng trong phát triển kinh tế - xã hội.AI có thay thế kỹ thuật cơ khí hay không? Câu trả lời chắc chắn là không. Các bạn phải hiểu là thời kỳ này bắt buộc phải biết dùng AI để hỗ trợ cho công việc, ai không biết dùng AI sẽ bị tụt hậu.

Liên quan câu hỏi của học sinh về các ngành học liên quan đến công nghệ 4.0, TS Trần Thanh Thưởng, Trưởng Phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên - Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, cho biết trường đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, trong đó khối kỹ thuật công nghệ là thế mạnh của nhà trường. Mới đây, trong quy hoạch mạng lưới Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM là 1 trong 5 cơ sở đào tạo trọng điểm về kỹ thuật và công nghệ trong cả nước.

Tư vấn sâu từng ngành học

Ngành tâm lý học cũng được nhiều học sinh quan tâm, đặt câu hỏi với ban tư vấn. Giải đáp thắc mắc về sự khác nhau trong đào tạo ngành này ở các trường, TS Phan Thị Cẩm Giang, chuyên gia tham vấn tâm lý, Trưởng ngành Tâm lý học - Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, cho biết ngành tâm lý học có nguyên lý chung, có chăng là khác nhau ở định hướng chuyên ngành như tư vấn tâm lý học đường, làm việc tại bệnh viện, tại các tổ chức phi chính phủ... tùy cơ sở đào tạo, sinh viên được định hướng thành các chuyên ngành khác nhau.

Ngành marketing cũng được nhiều học sinh quan tâm và đặt ra nhiều câu hỏi với ban tư vấn. TS Lê Xuân Trường, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP HCM, cho biết marketing là ngành có sự cạnh tranh cao từ đầu vào lẫn cơ hội việc làm. Do vậy, trường đặc biệt quan tâm trang bị cho sinh viên về kiến thức lẫn kỹ năng để khi ra trường có thể cạnh tranh tốt về cơ hội việc làm.

ThS Nguyễn Kiều Oanh, Phó trưởng Khoa Công nghệ thông tin - Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn, cho biết năm 2025, trường có đào tạo chuyên sâu về ngành marketing. Học ngành này, người học có thể làm ở nhiều vị trí như: Chuyên viên nghiên cứu thị trường, chăm sóc khách hàng, quảng cáo, quan hệ công chúng, phát triển và quản trị thương hiệu tại các doanh nghiệp; cán bộ nghiên cứu hoạch định chiến lược marketing, quản lý tổ chức kế hoạch marketing, tổ chức thực hiện các hoạt động quan hệ khách hàng tại các công ty chuyên về truyền thông, tổ chức sự kiện, quảng cáo...

Liên quan đến thắc mắc của học sinh về ngành ngôn ngữ Trung Quốc, ThS Chung Quốc Phong, Trưởng Phòng Tuyển sinh - Trường ĐH Ngoại ngữ Tin học TP HCM, cho biết ngôn ngữ Trung Quốc là 1 trong 4 ngành ngôn ngữ đang được trường tổ chức đào tạo. Với ngành ngôn ngữ Trung, như trường hợp học sinh đã có nền tảng là chứng chỉ HSK5 thì có lợi thế khi đi vào chuyên ngành như tiếng Trung thương mại, tiếng Trung du lịch.

Chia sẻ chi tiết về ngành kinh doanh quốc tế, PGS-TS Nguyễn Văn Thụy, Trưởng Phòng Tuyển sinh và Truyền thông - Trường ĐH Ngân hàng TP HCM, cho biết ngành học này phát triển từ nền tảng của ngành kinh tế quốc tế. Năm 2025, trường dự kiến tuyển sinh song song cả 2 ngành kinh tế quốc tế và kinh doanh quốc tế với 4 chương trình đào tạo đa dạng: Chương trình chuẩn, chương trình tiếng Anh bán phần, chương trình tiếng Anh toàn phần và chương trình liên kết quốc tế.

Một ngành cũng được quan tâm là quan hệ công chúng. Theo TS Nguyễn Thanh Phương, Trưởng Ngành Quản trị Doanh nghiệp và Công nghệ, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, trường có đào tạo ngành này theo 4 phương thức xét tuyển, trong đó có xét học bạ, cơ hội việc làm rộng mở.

Học sinh cũng băn khoăn về lựa chọn cùng lúc 2 chương trình Luật và ngôn ngữ Anh. ThS Vũ Đình Lê, Phó trưởng Phòng Phụ trách Phòng Tư vấn tuyển sinh - Trường ĐH Luật TP HCM, giải đáp: "Thí sinh chỉ có thể trúng tuyển vào 1 ngành nên tốt nhất là chọn ngành mình yêu thích, sau đó học chương trình 2 với điều kiện là sau năm học đầu tiên, tùy thuộc vào năng lực học tập, sinh viên có thể học liên thông một ngành khác. Sinh viên sẽ hoàn thành và tốt nghiệp ngành ngôn ngữ Anh trước, sau đó sẽ tiếp tục học để nhận bằng cử nhân luật".

Trả lời câu hỏi về việc có nên chọn học hệ CĐ, cô Nguyễn Thị Mộng Lành, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh Trường CĐ Bách khoa Sài Gòn, cho biết chương trình CĐ giúp học sinh rút ngắn đáng kể thời gian đào tạo (khoảng 2,5 năm) và tối ưu hóa chi phí học tập. Đặc biệt, sinh viên sau khi tốt nghiệp hoàn toàn có thể vừa đi làm vừa học liên thông lên ĐH.

Chọn đúng nghề là đầu tư thông minh

Tại chương trình, bà Huỳnh Lê Như Trang, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP HCM, cho biết việc lựa chọn nghề nghiệp và trường học không chỉ là một quyết định cá nhân mà còn là sự đầu tư cho tương lai của mỗi em. Vì vậy, cần trang bị cho các em những kiến thức đầy đủ, tạo điều kiện để các em tự tin đưa ra quyết định, lựa chọn chính xác. "Báo Người Lao Động phối hợp với Sở GD-ĐT tổ chức chương trình "Đưa trường học đến thí sinh" năm 2025 nhằm định hướng nghề nghiệp, giúp học sinh đưa ra những lựa chọn phù hợp với bản thân trong tương lai. Chương trình đã hỗ trợ, trang bị cho các em nhiều thông tin bổ ích để tạo động lực, sự tự tin bước vào kỳ thi tuyển sinh 2025 với nhiều cơ hội học tập mới" - bà Trang khẳng định.

Trân trọng cảm ơn sự đồng hành của các đơn vị: Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền, Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM (HD Bank), Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn Sungroup, Công ty CP Uniben. Và các đơn vị hỗ trợ: Trường ĐH Tài chính - Marketing, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, Trường ĐH Luật TP HCM, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, Trường ĐH Mở TP HCM, Trường ĐH Ngân hàng TP HCM, Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP HCM, Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn, Trường CĐ Bách khoa Sài Gòn.

Huy Lân - Huế Xuân

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/dua-truong-hoc-den-thi-sinh-nam-2025-tai-tp-hcm-giai-dap-can-ke-thau-dao-196250405204358132.htm
Zalo