Trường phổ thông ủng hộ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2026 sau bế giảng 2 tuần
Theo lãnh đạo trường phổ thông, đề xuất thi tốt nghiệp THPT từ năm 2026 sau khi bế giảng 2 tuần là phù hợp khi Thông tư 29 đang được áp dụng hiệu quả.
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại buổi làm việc với Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh về quản lý dạy thêm, học thêm, từ năm sau, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông có thể diễn ra sau bế giảng năm học 2 tuần, để thầy và trò ý thức việc học chính khóa, còn các gia đình bớt gánh thêm chi phí ôn thi.
Đề xuất này nhận được sự ủng hộ từ nhiều trường trung học phổ thông, nhất là trong bối cảnh Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT về dạy thêm, học thêm đang phát huy hiệu quả.
Phù hợp với quy định của Thông tư 29
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Trần Hữu Phước - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Chí Thanh (tỉnh Đắk Lắk) cho biết, đề xuất điều chỉnh lịch thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2026 diễn ra sau bế giảng năm học 2 tuần là hợp lý.
Điều này giúp học sinh và giáo viên nâng cao ý thức về chất lượng dạy và học chính khóa thay vì tâm lý chủ quan, chậm rãi rồi dồn ép ôn tập căng thẳng vào tháng cuối trước kỳ thi.
Bên cạnh đó, hiện nay, theo Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT, khi kết thúc năm học, việc dạy thêm trong nhà trường không được phép tổ chức. Do đó, nếu thời gian từ lúc kết thúc năm học đến lúc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông dài, học sinh muốn ôn tập thêm sẽ tự tìm lớp học ở trung tâm bên ngoài. Như vậy, sẽ gây tốn kém chi phí cho phụ huynh, đồng thời không phải trung tâm nào cũng đảm bảo chất lượng giảng dạy.
Trong khi đó, mục tiêu của giáo dục không phải là tìm kiếm giải pháp hay nguồn kinh phí để duy trì việc dạy thêm, học thêm, mà là nâng cao chất lượng dạy và học ngay trong giờ chính khóa, giúp học sinh tiếp thu kiến thức một cách hiệu quả và bền vững.
Mặt khác, sau khi kết thúc năm học, một số học sinh lớp 12 chỉ thi tốt nghiệp trung học phổ thông để phục vụ xét tốt nghiệp, không có định hướng học đại học nên các em dành thời gian nghỉ để đi làm thêm, vui chơi, thay vì tập trung ôn tập. Điều này khiến học sinh dễ quên kiến thức, ảnh hưởng đến kết quả thi của các em nói riêng và chất lượng dạy học của nhà trường nói chung.
Khi đẩy lịch thi lên sớm, học sinh sẽ chủ động hơn trong quá trình ôn tập, hạn chế tình trạng học sinh bỏ trống thời gian sau khi kết thúc năm học mà không có sự hướng dẫn bài bản.
Theo khung kế hoạch năm học của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học kết thúc trước ngày 31/5. Với khối 12, các địa phương kết thúc năm học vào khoảng 15-20/5. Như vậy, nếu lịch thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2026 được đẩy lên sớm như đề xuất, sau khi hoàn thành chương trình, học sinh sẽ còn khoảng 20 ngày để ôn tập và chuẩn bị cho kỳ thi. Khoảng thời gian này cũng vừa đủ để các em ôn tập, hệ thống lại kiến thức đã học và chuẩn bị tâm lý bước vào kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Thầy Trần Hữu Phước - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Nguyễn Chí Thanh (tỉnh Đắk Lắk). (Ảnh NVCC)
Theo thầy Trần Hữu Phước, nếu từ năm 2026 lịch thi tốt nghiệp trung học phổ thông được đẩy lên sớm hơn, nhà trường sẽ chủ động điều chỉnh chương trình học, tạo điều kiện để học sinh tập trung vào các môn thi, giúp việc học tập diễn ra một cách khoa học và hiệu quả hơn. Khi cả giáo viên, học sinh cùng dồn lực dạy học và ôn tập trong suốt năm học, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ diễn ra suôn sẻ, đạt kết quả cao, đồng thời tránh tình trạng học sinh sao nhãng, quên kiến thức trong giai đoạn sau khi kết thúc năm học.
Ngoài ra, hiện nay, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 thường diễn ra trước kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Điều này dẫn đến bất cập là học sinh lớp 12 chưa tốt nghiệp nên nhà trường vẫn phải hoàn tất nhiều thủ tục và giấy tờ quan trọng, trong khi đó, các trường vẫn phải tập trung chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Nếu lịch thi tốt nghiệp trung học phổ thông đẩy lên sớm và lịch thi vào lớp 10 diễn ra sau sẽ phù hợp hơn, vì khi đó nhà trường đã gần như hoàn tất các thủ tục cuối cùng cho học sinh lớp 12 và chỉ tập trung cho công tác tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 cũng như chào đón học sinh khóa mới.
Đồng tình với quan điểm trên, thầy Cao Thanh Bảo - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hà Huy Tập (thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An) bày tỏ: “Lịch thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2025 như Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố là hợp lý bởi đây là năm đầu tiên học sinh lớp 12 sẽ thi theo chương trình giáo dục phổ thông 2018. Vì vậy, các em cần nhiều thời gian hơn để làm quen với ma trận đề thi và cách thức đánh giá mới so với những năm trước.
Còn từ năm 2026, đề xuất điều chỉnh lịch thi tốt nghiệp trung học phổ thông sớm hơn, diễn ra sau bế giảng năm học 2 tuần là rất phù hợp.
Như những năm học trước, sau khi kết thúc chương trình học, học sinh có khoảng hơn 1 tháng để ôn tập. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh và học sinh lo lắng rằng sau khi hoàn thành chương trình học tại trường, các em sẽ quên kiến thức hoặc không chủ động ôn tập nên đưa học sinh đi học thêm. Điều này dẫn đến việc học sinh phải phụ thuộc vào các lớp học ngoài giờ để củng cố kiến thức, mặc dù những kiến thức đó đã được học tại trường.
Mặt khác, hiện nay, trường học trên cả nước đang thực hiện Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT, nhà trường không tổ chức dạy thêm sau khi kết thúc năm học. Vì vậy, để giúp học sinh ôn tập hiệu quả, nhà trường chủ động triển khai việc ôn luyện ngay trong năm học. Điều này không chỉ giúp học sinh có thời gian ôn tập đúng lúc, mà còn tránh tình trạng học sinh phải học ngoài giờ hoặc thiếu sự chủ động trong việc tự học.
Ngoài ra, nếu việc ôn tập diễn ra sau khi hoàn thành chương trình chính khóa, giáo viên sẽ phải dạy thừa giờ, gây khó khăn cho nhà trường trong việc sắp xếp kế hoạch giảng dạy.
Trước thực tế đó, đề xuất điều chỉnh lịch thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ năm 2026 sớm hơn không chỉ giúp các trường chủ động hơn trongkế hoạch giảng dạy mà còn đảm bảo thời gian ôn tập hiệu quả cho học sinh”.
Theo thầy Cao Thanh Bảo, thời gian kết thúc chương trình đến khi thi tốt nghiệp trung học phổ thông kéo dài có thể ảnh hưởng đến kết quả thi của một số học sinh, đặc biệt là những em chỉ mong muốn xét tốt nghiệp. Bên cạnh đó, đối với một bộ phận học sinh thiếu chủ động, sau khi hoàn thành chương trình học, việc không còn được giám sát chặt chẽ như trong trường lớp có thể dẫn đến khả năng ôn tập bị giảm.
Đồng thời, cũng cần lưu ý lịch thi tuyển sinh vào lớp 10 thường được địa phương tổ chức vào đầu hoặc giữa tháng 6. Vì vậy, nếu tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông sớm hơn cần có sự cân nhắc lùi lịch thi vào lớp 10 để tránh chồng chéo giữa 2 kỳ thi, gây áp lực cho các trường.

Thầy Cao Thanh Bảo - Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hà Huy Tập (thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An). (Ảnh website nhà trường)
Giúp giáo viên và học sinh tập trung vào giờ học chính khóa
Theo Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Hà Huy Tập, nhà trường thường xây dựng chương trình học hoàn thành trước ngày 30/5.Do đó, nếu tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông sớm sau khi kết thúc năm học khoảng 2 tuần, các em vẫn có đủ thời gian hệ thống kiến thức.
Đối với học sinh lớp 11, nhà trường đã định hướng các em học tập theo lựa chọn và năng lực của bản thân. Sắp tới, nhà trường thực hiện khảo sát cuối năm cho học sinh lớp 11 giúp các em xác định rõ năng lực trong các môn học và xem xét chuyển tổ hợp môn cho học sinh nếu các em có nguyện vọng.
Bên cạnh đó, nhà trường cũng đã sắp xếp để triển khai ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo các nhóm môn lựa chọn của học sinh trong năm học tới. Thêm vào đó, các bài kiểm tra giữa kỳ và cuối kỳ được thiết kế với dạng câu hỏi theo định hướng của đề thi tham khảo đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, giúp học sinh làm quen với cấu trúc đề thi.
Thầy Cao Thanh Bảo cũng bày tỏ mong muốn nếu đề xuất đẩy lịch thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2026 lên sớm hơn được áp dụng, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sớm có thông báo, hướng dẫn cụ thể để thầy cô và học sinh có sự chuẩn bị từ sớm, từ xa nhằm đạt hiệu quả cao nhất.
Trong khi đó, em Nguyễn Hồng Nhung, học sinh lớp 11 Văn 1, Trường Trung học phổ thông Chuyên Lương Văn Tụy (tỉnh Ninh Bình) bày tỏ: "Đề xuất tổ chứckỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông sớm hơn từ năm 2026 đặt ra thách thức nhưng cũng mang đến những cơ hội nhất định cho học sinh. Thời gian ôn tập rút ngắn hơn, chúng em cần kế hoạch học tập hợp lý hơn để hệ thống hóa kiến thức hiệu quả.
Song, việc thi sớm hơn khoảng 2 tuần có thể giúp chúng em giữ được nhịp độ học tập liên tục, tránh tâm lý trì trệ sau khi kết thúc chương trình lớp 12. Bên cạnh đó, việc thi sớm cũng khuyến khích chúng em tập trung hơn vào giờ học chính khóa, không còn tâm lý đợi tháng cuối ôn vẫn kịp.
Nếu đề xuất thay đổi lịch thi tốt nghiệp trung học phổ thông được thực hiện, em dự định sẽ thay đổi phương pháp học bằng cách lập kế hoạch ôn tập ngay từ đầu năm, phân chia thời gian hợp lý giữa các môn học và tham gia tích cực những buổi ôn tập do nhà trường tổ chức, nhằm đảm bảo không bỏ sót bất kỳ kiến thức quan trọng nào".

Hồng Nhung ôn tập kiến thức khi về nhà. Ảnh: NVCC
Về phía phụ huynh học sinh, chị Đào Thị Phương Oanh, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh (có con đang học lớp 11) cho hay: "Tôi rất ủng hộ đề xuất tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông sớm hơn từ năm 2026.
Thứ nhất, thời điểm cuối tháng 6 thời tiết nắng nóng gay gắt, các em thi trong điều kiện mệt mỏi, dễ ảnh hưởng đến sức khỏe và kết quả làm bài. Nếu kỳ thi được tổ chức sớm hơn, khi thời tiết còn chưa quá oi bức, học sinh có thể giữ được sự tỉnh táo và tập trung tốt hơn.
Thứ hai, tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông sớm cũng giúp gia đình tiết kiệm một phần chi phí học thêm cho con. Ngoài ra, đây cũng là động lực để học sinh tập trung hơn vào thời gian học tập trong năm học, thay vì ỷ lại vào các lớp học thêm, học ôn ở ngoài trung tâm.
Thứ ba, với những học sinh có định hướng du học như con tôi, việc đẩy kỳ thi lên sớm giúp con có thêm thời gian hoàn thiện hồ sơ, chuẩn bị cho kế hoạch học tập ở nước ngoài.
Tôi mong Bộ Giáo dục và Đào tạo cân nhắc kỹ lưỡng phương án này. Miễn là đảm bảo được chất lượng, an toàn và công bằng thì tổ chức thi sớm là hoàn toàn hợp lý và có lợi cho nhiều bên".