Nhà nước đưa ra chuẩn tối thiểu, còn xét công nhận GS, PGS hãy trao cho CSGDĐH

Cần trao quyền cho cơ sở giáo dục đại học trong việc xây dựng bộ tiêu chí riêng để xét bổ nhiệm chức danh GS, PGS dựa trên chuẩn tối thiểu của Nhà nước.

Bộ Giáo dục và Đào tạo có công văn 687/BGDĐT-NGCBQLGD gửi đến các cơ sở giáo dục đại học; các viện hàn lâm và viện nghiên cứu được phép đào tạo trình độ tiến sĩ, yêu cầu báo cáo tình hình triển khai thực hiện Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg quy định tiêu chuẩn, thủ tục xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư; thủ tục xét hủy bỏ công nhận chức danh và miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư.

Trong bối cảnh hệ thống giáo dục đại học Việt Nam đang từng bước tiệm cận các chuẩn mực quốc tế, việc nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên, đặc biệt là giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư, đóng vai trò then chốt. Song, trong quá trình triển khai, nhiều ý kiến từ các cơ sở đào tạo, đặc biệt trong ngành Vật lý – một lĩnh vực có tính đặc thù cao cho rằng bên cạnh những kết quả đã đạt được, Quyết định 37 cần tiếp tục được rà soát, điều chỉnh để phù hợp hơn với thực tiễn nghiên cứu và giảng dạy chuyên sâu.

7 thuận lợi khi trường đại học tự công nhận, bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Văn Châu - Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực chia sẻ, việc xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư không chỉ là một cột mốc quan trọng trong sự nghiệp giảng dạy, mà còn mở ra nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp, đồng thời tăng cường uy tín và đóng góp vào sự nghiệp đào tạo, nghiên cứu khoa học của trường.

So với trước đó, những điểm mới tại Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg ra đời từ năm 2018 đến nay được đánh giá đã có nhiều cải tiến, đổi mới, góp phần nâng cao chất lượng của công tác giảng dạy và nghiên cứu; giúp quá trình xét chuẩn chức danh được minh bạch hơn; tạo động lực thúc đẩy đội ngũ giảng viên không ngừng cập nhật kiến thức, hoàn thiện năng lực chuyên môn; xây dựng môi trường học thuật chuyên nghiệp, hiệu quả, năng động, sáng tạo và hội nhập.

Các giảng viên khi phấn đấu đạt tiêu chuẩn học hàm buộc phải chủ động tham gia vào những hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học có chiều sâu, qua đó tạo ra những chuyển biến tích cực cho chất lượng của cơ sở giáo dục.

 Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Văn Châu - Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực. Ảnh: NVCC.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Văn Châu - Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực. Ảnh: NVCC.

Đối với công tác đào tạo, khi giảng viên đáp ứng các tiêu chuẩn cao hơn về học thuật, sinh viên sẽ được tiếp cận với kiến thức cập nhật, chuyên sâu và mang tính thực tiễn cao. Chất lượng giảng dạy sẽ được nâng cao nhờ đội ngũ giảng viên có chuyên môn vững vàng và phương pháp giảng dạy hiện đại. Ngoài ra, giảng viên thực hiện nghiên cứu khoa học sẽ có thể hướng dẫn sinh viên tham gia các dự án nghiên cứu, giúp người học không chỉ học lý thuyết mà còn thực hành thực tế. Điều này góp phần giúp công tác đào tạo được gắn với hoạt động thực tiễn và nghiên cứu khoa học.

Đối với công tác nghiên cứu khoa học, các yêu cầu chặt chẽ hơn về công bố quốc tế là một trong những điểm thay đổi có tác động mạnh mẽ. Điều này không chỉ giúp tăng số lượng và chất lượng các đề tài nghiên cứu, công trình khoa học, mà còn góp phần nâng cao uy tín và chỉ số xếp hạng của các trường đại học trên bản đồ học thuật trong nước và quốc tế.

Đồng thời, đây cũng là cú hích quan trọng trong việc hình thành và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, tạo điều kiện mở rộng hợp tác giữa cơ sở đào tạo với các viện nghiên cứu, doanh nghiệp, có thêm cơ hội tiếp cận các nguồn tài trợ từ quỹ nghiên cứu trong và ngoài nước – một yếu tố quan trọng để đảm bảo tính bền vững và đổi mới trong hoạt động khoa học.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy, đội ngũ giáo sư, phó giáo sư trong ngành Vật lý tại Việt Nam đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt về số lượng và chưa có sự phân bố hợp lý giữa các cơ sở đào tạo. Là một trong những ngành khoa học cơ bản nền tảng, ngành Vật lý có vai trò quan trọng trong công cuộc phát triển khoa học – công nghệ, nhưng lại đang gặp thách thức lớn về nhân lực chất lượng cao.

Do đặc thù của ngành yêu cầu cao về năng lực nghiên cứu trong khi môi trường làm việc chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi để phát triển sự nghiệp học thuật lâu dài, vì vậy, nhiều giảng viên có tiềm năng lại lựa chọn chuyển hướng sang các lĩnh vực ứng dụng theo thị hiếu của xã hội hoặc công tác ở nước ngoài do chính sách đãi ngộ, cơ hội nghề nghiệp và điều kiện nghiên cứu tốt hơn. Sự thiếu vắng đội ngũ giảng viên đầu ngành không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đào tạo mà còn làm chậm lại quá trình phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, suy giảm sức cạnh tranh học thuật của nước ta trong lĩnh vực khoa học cơ bản.

Để khắc phục tình trạng thiếu giáo sư, phó giáo sư trong các ngành Vật lý và thu hút giảng viên xuất sắc, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Văn Châu cho rằng, cần có sự điều chỉnh linh hoạt trong các tiêu chí xét công nhận chức danh, chú trọng vào năng lực thực tế và thành tích nghiên cứu, mở rộng hợp tác quốc tế, đồng thời cải thiện môi trường làm việc và chính sách đãi ngộ cho giảng viên.

 Ảnh minh họa: Trường Đại học Điện lực.

Ảnh minh họa: Trường Đại học Điện lực.

Theo quan điểm của Hiệu trưởng Trường Đại học Điện lực, nếu Nhà nước chỉ đưa ra tiêu chí, tiêu chuẩn chung về quy trình xét công nhận và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư, còn các trường đại học tự thực hiện việc xem xét và bổ nhiệm tùy theo yêu cầu của từng cơ sở đào tạo, điều này sẽ tạo ra môi trường linh hoạt, sáng tạo và đáp ứng đúng nhu cầu đặc thù của từng cơ sở giáo dục. Đồng thời, cũng giúp giảng viên có thể phát huy hết khả năng trong công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học, mà không gặp phải sự bất tiện hay gò bó về các tiêu chuẩn và quy trình hành chính.

Chỉ ra những thuận lợi khi trường đại học tự xét và bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư, thầy Châu nêu:

Thứ nhất, tạo sự linh hoạt và phù hợp với đặc thù của từng trường. Mỗi trường đại học có một đặc thù riêng về chương trình đào tạo, ngành nghề, lĩnh vực nghiên cứu và đối tượng sinh viên. Việc để trường đại học tự xem xét công nhận và bổ nhiệm sẽ giúp các cơ sở giáo dục linh hoạt hơn trong việc đánh giá các ứng viên theo yêu cầu thực tế của mình.

Thứ hai, khuyến khích giảng viên phát triển toàn diện.Giảng viên sẽ không bị áp lực phải hoàn thành một số lượng giờ giảng dạy cụ thể nếu không phải là ưu tiên của trường, và thầy cô có thể dành nhiều thời gian hơn cho nghiên cứu, công bố quốc tế, hoặc các hoạt động khác có giá trị cao đối với sự nghiệp của mình.

Thứ ba, tăng cường tính chủ động và sáng tạo trong giảng dạy và nghiên cứu.Việc trường đại học tự quyết định các tiêu chí xét bổ nhiệm có thể thúc đẩy sự chủ động, sáng tạo của giảng viên trong cả hai mặt công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Giảng viên sẽ có cơ hội để tập trung vào các lĩnh vực nghiên cứu chuyên sâu, đồng thời cũng có thể thử nghiệm các phương pháp giảng dạy sáng tạo hơn, mang lại hiệu quả tốt hơn cho sinh viên.

Thứ tư, giảm bớt gánh nặng hành chính và tăng tính minh bạch.Điều này sẽ làm giảm bớt sự lo lắng, tâm lý mệt mỏi cho giảng viên trong việc chuẩn bị hồ sơ, báo cáo thành tích, giúp thầy cô tập trung vào công việc chuyên môn hơn.

Thứ năm, khuyến khích phát triển chất lượng giảng dạy và nghiên cứu gắn liền với nhu cầu thực tiễn.Mỗi trường có thể căn cứ vào yêu cầu thực tế của ngành, lĩnh vực đào tạo và yêu cầu xã hội để quyết định tiêu chí xét công nhận. Điều này có thể thúc đẩy các trường đại học tập trung vào việc cải thiện chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và có thể gắn liền với nhu cầu phát triển của xã hội, thay vì chỉ tuân theo một bộ tiêu chuẩn chung chung không phản ánh đúng đặc thù của từng trường.

Thứ sáu, giảm bớt căng thẳng cho giảng viên khi cân bằng giữa giảng dạy và nghiên cứu. Việc có thể linh hoạt trong công tác giảng dạy và nghiên cứu sẽ giúp giảng viên cân bằng giữa việc truyền đạt kiến thức cho sinh viên và công bố kết quả nghiên cứu.

Thứ bảy, tạo cơ hội phát triển nghề nghiệp cho giảng viên. Khi trường đại học có quyền tự quyết, giảng viên có thể cụ thể hóa hơn việc thăng tiến nghề nghiệp vì thầy cô sẽ có những cơ hội phù hợp với năng lực và thành tích cá nhân, thay vì tuân theo một khuôn mẫu chung. Điều này tạo ra sự công bằng và thúc đẩy sự cống hiến của giảng viên cho sự nghiệp giáo dục.

Để thực hiện được điều này, Nhà nước đưa ra các tiêu chí tối thiểu, nhưng không can thiệp vào công tác bổ nhiệm, các trường có trách nhiệm giải trình và có thể nâng cao tiêu chuẩn hơn mức tối thiểu; phải có cơ chế kiểm định, giám sát và minh bạch hóa quy trình bổ nhiệm, tránh phát sinh tiêu cực, chạy học hàm không theo năng lực thực sự dẫn đến chất lượng không đồng đều. Nếu thực hiện đúng cách, mô hình này sẽ nâng cao chất lượng giáo dục đại học, thúc đẩy cạnh tranh, tạo động lực phát triển đội ngũ giảng viên.

Cơ chế cần linh động hơn và bổ sung thêm một số yêu cầu theo thông lệ quốc tế

Cùng chia sẻ về vấn đề này, đại diện Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cho hay, đối với tiến sĩ trẻ ở nước ngoài về công tác giảng dạy, khi xét chức danh giáo sư, phó giáo sư thường gặp hai khó khăn chính. Một là thâm niên công tác và hướng dẫn thạc sĩ. Nếu căn cứ theo tiêu chuẩn của Quyết định 37, thâm niên công tác phải đạt tối thiểu 6 năm, tính đủ số tháng, kể từ lúc ký hợp đồng chính thức. Hai là nếu như không đạt tiêu chuẩn cứng 6 năm thì phải chấp thuận gấp đôi điểm bài báo khoa học.

Đối với tiêu chuẩn xét duyệt các chức danh giáo sư, phó giáo sư; vị đại diện nêu ý kiến đề xuất ở điểm c, Khoản 2, Điều 4 của Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg có một số vấn đề chưa phù hợp với thực tiễn như yêu cầu thời gian tham gia giảng dạy khá dài; việc tính điểm công trình theo số lượng bài báo khoa học, số lượng tác giả còn điểm bất hợp lý; chưa quan tâm nhiều đến yếu tố đặc thù của ngành, lĩnh vực.

 Ảnh minh họa: Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Ảnh minh họa: Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, nội dung xét chọn, đánh giá chưa định lượng một số tiêu chí khoa học theo thông lệ quốc tế như kinh phí đề tài, dự án mà ứng viên mang về cho đơn vị; các hoạt động học thuật như tham gia hội đồng biên tập, chủ trì tổ chức hội thảo, hội nghị quốc tế; công trình khoa học đóng góp xây dựng, phản biện chính sách cho Đảng và Nhà nước;...

Cách thức tổ chức hiện nay có thể khiến một số cơ sở giáo dục đại học rơi vào thế bị động trong việc định hình chiến lược phát triển chương trình đào tạo và nghiên cứu mới. Việc những ngành đặc thù, ngành khoa học cơ bản thiếu vắng giáo sư đầu ngành cũng đang dần trở thành nguy cơ hiện hữu.

Ở bình diện khác, số lượng công bố quốc tế trên các tạp chí khoa học quốc tế vốn để khẳng định khả năng thăng tiến học thuật, thì có thể dẫn đến xu hướng thương mại hóa công tác xuất bản. Những tạp chí không đảm bảo độ uy tín, thiếu kiểm định xuất hiện dày đặc hơn, khiến niềm tin của xã hội đối với giáo dục đại học có thể bị xói mòn bởi sự méo mó của chính hệ thống đánh giá.

Trước đề xuất nên cho phép các trường đại học tự bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư, đại diện Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh ủng hộ và cho rằng đây là hướng đi đúng để tăng cường tự chủ đại học và hội nhập với nền giáo dục quốc tế. Song, tiêu chuẩn xét bổ nhiệm giáo sư, phó giáo sư phải bám theo tiêu chí chung mà Nhà nước đặt ra nhưng linh động, uyển chuyển hơn, thậm chí bổ sung thêm một số yêu cầu theo thông lệ quốc tế như đóng góp về tài chính cho đơn vị, đóng góp chính sách cho cộng đồng, tham gia các mạng lưới khoa học trong nước và quốc tế.

 Ảnh minh họa: Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Ảnh minh họa: Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Đồng tình với ý kiến trên, giảng viên ngành Vật lý của một trường đại học tại khu vực miền Bắc cho rằng, trong những năm gần đây, tiêu chí xét công nhận chức danh giáo sư, phó giáo sư đã có bước tiến rõ nét khi quan tâm tới các công trình khoa học quốc tế có uy tín, không chỉ về số lượng mà cả chất lượng. So với trước kia, hệ thống tiêu chuẩn hiện hành đã được cụ thể hóa một cách minh bạch, tường minh hơn, từ danh mục các tạp chí khoa học trong nước và quốc tế, nhà xuất bản, sách chuyên khảo, sách tham khảo, cho đến thang điểm được quy định rõ ràng.

Tuy nhiên, sau hơn 5 năm triển khai Quyết định số 37/2018/QĐ-TTg và Quyết định số 25/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đã đến lúc cần có sự rà soát, điều chỉnh để phù hợp hơn với thực tiễn đang biến động. Từ đó, cần cân nhắc trao quyền cho các cơ sở giáo dục đại học trong việc xây dựng bộ tiêu chí riêng để xét bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư sao cho phù hợp với đặc thù từng ngành, phù hợp với định hướng phát triển và nhu cầu thực tiễn của từng trường.

Bởi lẽ, chính các trường đại học là nơi trực tiếp sử dụng và chi trả thu nhập cho đội ngũ này, nên việc gắn với cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và minh bạch giải trình là điều tất yếu. Còn vai trò của Hội đồng Giáo sư Nhà nước vẫn tiếp tục giữ nhiệm vụ định hướng, tham mưu trong công tác quản lý, đồng thời ban hành các hướng dẫn mang tính khung để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong toàn hệ thống giáo dục đại học.

Diệu Dương

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/nha-nuoc-dua-ra-chuan-toi-thieu-con-xet-cong-nhan-gs-pgs-hay-trao-cho-csgddh-post250383.gd
Zalo