Nên tạc tượng Bà Triệu thay vì dựng tượng Phật lớn ở núi Nưa

Núi Nưa không chỉ là vùng đất tâm linh mà còn là căn cứ khởi nghĩa của Bà Triệu. Việc dựng tượng bà ở đây là cách gìn giữ lịch sử và tạo nên điểm nhấn văn hóa riêng biệt.

Núi Nưa, huyện Triệu Sơn (Thanh Hóa), từ lâu đã là một địa danh linh thiêng gắn với truyền thuyết huyệt đạo quốc gia, nơi người dân khắp mọi miền tìm về cầu quốc thái dân an. Nhưng vượt lên trên yếu tố tâm linh, núi Nưa còn là vùng đất lịch sử thiêng liêng, nơi nữ anh hùng Triệu Thị Trinh phất cờ khởi nghĩa chống quân xâm lược Ngô từ thế kỷ thứ III.

Vậy nên, khi có ý tưởng xây dựng một bức tượng Phật, được cho là lớn nhất thế giới, trên đỉnh núi Nưa, nhiều người không khỏi băn khoăn: Liệu chúng ta có đang dần quên đi bản sắc riêng của vùng đất này? Và rằng, tại sao không chọn tạc tượng Bà Triệu, người con gái kiêu hùng của xứ Thanh, để tôn vinh chính lịch sử hào hùng nơi đây?

 "Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ đâu chịu cúi đầu làm tỳ thiếp người ta"- Triệu Thị Trinh.

"Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ đâu chịu cúi đầu làm tỳ thiếp người ta"- Triệu Thị Trinh.

Trong vài năm trở lại đây, du lịch tâm linh phát triển mạnh mẽ, đặc biệt tại những vùng đất có bề dày văn hóa và huyền thoại như Thanh Hóa. Với sự đầu tư của các tập đoàn lớn như Sungroup, núi Nưa đang dần trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, có quy hoạch, có cảnh quan và kỳ vọng vươn tầm quốc tế. Đó là điều tích cực.

Nhưng khi đề cập đến kế hoạch xây dựng một tượng Phật khổng lồ tại đây, nhiều tiếng nói đã lên tiếng đề nghị cần cẩn trọng xem xét lại, không phải để phủ nhận tâm linh Phật giáo, mà để bảo vệ tính nguyên gốc và đặc thù văn hóa của chính địa danh này.

Núi Nưa không phải là một "nơi trống" để đặt vào bất kỳ biểu tượng tâm linh phổ quát nào. Đây là vùng đất đã in dấu chân của một trong những nhân vật vĩ đại và truyền cảm hứng bậc nhất trong lịch sử Việt Nam, Triệu Thị Trinh. Tên bà gắn liền với hình ảnh người con gái “cưỡi voi đánh cồng”, một mình phất cờ khởi nghĩa khi mới hơn hai mươi tuổi, với lời tuyên ngôn được hậu thế ngưỡng vọng: "Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ, chứ đâu chịu cúi đầu làm tỳ thiếp người ta".

Những lời ấy không chỉ là tiếng lòng của một cá nhân, mà là tiếng vọng của cả một dân tộc đang bị giày xéo bởi ngoại bang. Bà Triệu không chỉ là một nữ tướng, mà là biểu tượng của lòng yêu nước, khí phách và tinh thần độc lập sớm bừng lên giữa thời kỳ Bắc thuộc đen tối. Việc bà chọn núi Nưa làm căn cứ khởi nghĩa không phải ngẫu nhiên, mà bởi vùng đất này hội đủ linh khí và thế đất chiến lược. Chính vì vậy, nếu phải chọn một biểu tượng xứng đáng để tạc tượng nơi đây, thì không ai khác hơn Bà Triệu-người đã làm nên hồn cốt và lịch sử cho vùng đất này.

 Phối cảnh dự án Huyền tích Am Tiên tôn vinh giá trị văn hóa lịch sử

Phối cảnh dự án Huyền tích Am Tiên tôn vinh giá trị văn hóa lịch sử

Không thể phủ nhận rằng, việc dựng tượng Phật tại các danh thắng tâm linh như chùa Tam Chúc, Bái Đính hay Yên Tử đã góp phần thu hút du khách, lan tỏa tinh thần từ bi và hòa bình. Tuy nhiên, khi xu hướng xây tượng Phật lớn trở thành “khuôn mẫu” lặp lại ở nhiều nơi, thì nguy cơ làm phai nhạt bản sắc địa phương là điều có thật. Nếu chỗ nào cũng có chùa to, tượng lớn, thì núi Nưa cũng sẽ chẳng khác bao nhiêu so với các khu du lịch tâm linh khác. Còn nếu nơi đây chọn con đường riêng – tạc tượng Bà Triệu trên đỉnh núi từng ghi dấu bước chân bà – thì núi Nưa sẽ mang một bản sắc không trộn lẫn, trở thành điểm nhấn độc đáo vừa linh thiêng vừa giàu giá trị lịch sử.

Tạc tượng Bà Triệu không đơn thuần là một hành động tưởng niệm. Đó còn là cách chúng ta khơi dậy và truyền cảm hứng về tinh thần yêu nước, về nữ quyền, về ý chí kiên cường và khát vọng tự do của người Việt. Giữa thời đại mà các biểu tượng nữ giới đang ngày càng được tôn vinh, thì hình ảnh Bà Triệu càng có giá trị mạnh mẽ và bền bỉ. Tượng đài ấy, nếu được xây dựng tại nơi bà khởi nghĩa, sẽ là sự kết nối thiêng liêng giữa quá khứ và hiện tại, giữa văn hóa và tín ngưỡng, giữa lịch sử và du lịch.

Chúng ta đang sống trong một thời đại mà du lịch không chỉ là giải trí, mà còn là cách kể chuyện về văn hóa và con người. Du khách không chỉ đến để chụp ảnh với những pho tượng khổng lồ, mà còn để lắng nghe những câu chuyện thật sự chạm đến trái tim. Và câu chuyện của Bà Triệu – một người phụ nữ trẻ tuổi dám đứng lên chống kẻ thù mạnh gấp bội, dám khước từ cuộc sống an phận để giành lại tự do cho dân tộc – chắc chắn sẽ là một câu chuyện như thế.

Thanh Hóa từ lâu vẫn được coi là vùng đất địa linh nhân kiệt. Bên cạnh Lê Lợi, Mai An Tiêm, Hàm Rồng hay Lam Kinh, thì Bà Triệu chính là niềm tự hào không thể thiếu. Dựng tượng bà nơi núi Nưa không chỉ là một cách trả nghĩa lịch sử, mà còn là lời khẳng định mạnh mẽ bản sắc và cốt cách xứ Thanh. Chúng ta không nhất thiết phải chạy đua để có “tượng Phật lớn nhất thế giới”, mà hãy có công trình thể hiện rõ nhất tinh thần Việt Nam – và Bà Triệu chính là hiện thân tiêu biểu cho tinh thần ấy.

Trong dòng chảy phát triển du lịch hiện đại, sự đầu tư của doanh nghiệp là cần thiết. Nhưng hơn ai hết, chính quyền và người dân địa phương cần có tiếng nói, cần chủ động định hình bản sắc cho quê hương mình. Một công trình văn hóa nếu chỉ mang giá trị vật chất và tâm linh chung chung thì rất dễ bị lãng quên. Nhưng nếu nó gắn liền với lịch sử, với niềm tự hào dân tộc, thì sẽ tồn tại lâu dài trong tâm khảm con người.

Hãy để Núi Nưa không chỉ là nơi linh thiêng để cầu an, mà còn là nơi để nhắc nhớ về một người phụ nữ Việt từng dám “đạp luồng sóng dữ”, khơi dậy tinh thần tự chủ cho muôn đời sau. Hãy để tượng Bà Triệu sừng sững giữa trời xanh, như một lời nhắc nhở không chỉ về quá khứ, mà cả về tương lai mà chúng ta muốn xây dựng – một tương lai không quên cội nguồn.

Lê Thọ Bình

Lê Thọ Bình

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/nen-tac-tuong-ba-trieu-thay-vi-dung-tuong-phat-lon-o-nui-nua-post185330.html?utm_source=web_vt&utm_medium=home_tinmoi_vt&utm_campaign=click_tinmoi
Zalo