Nâng tầm giải quyết tranh chấp trong các dự án xây dựng
Ngày 10/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) và Hội Pháp luật xây dựng Việt Nam (SCLVN) phối hợp tổ chức Hội thảo Trọng tài xây dựng quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh - HICAC 2025.

Quang cảnh hội thảo.
Với chủ đề "Nâng cao chuẩn mực: Nâng tầm chất lượng giải quyết tranh chấp trong các dự án xây dựng tại Việt Nam - Kết nối kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn trong nước", Hội thảo HICAC 2025 quy tụ gần 40 diễn giả tại phiên toàn thể, cùng 8 phiên chuyên môn và nhiều nội dung báo cáo chuyên sâu đến từ các chuyên gia quốc tế và trong nước.
Qua đó, giúp toàn thể các đại biểu tham dự hội thảo cùng tìm hiểu phân tích thực tiễn giải quyết tranh chấp xây dựng tại Việt Nam; đồng thời học hỏi những cơ chế, mô hình hiệu quả từ quốc tế để có thể vận dụng phù hợp với điều kiện đặc thù trong nước.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Luân, Trưởng Ban kiểm tra, Hội pháp luật xây dựng Việt Nam, Giảng viên Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cho biết, trong bối cảnh ngành xây dựng Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, hội nhập sâu rộng vào dòng chảy toàn cầu, các vấn đề pháp lý liên quan, đặc biệt là giải quyết tranh chấp, ngày càng có vai trò quan trọng.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Luân phát biểu tại hội thảo.
Tranh chấp trong xây dựng không chỉ là hệ quả của những xung đột về hợp đồng hay kỹ thuật, mà còn tác động sâu rộng đến mối quan hệ hợp tác giữa các bên, ảnh hưởng tới tiến độ, chất lượng và uy tín của toàn bộ dự án.
Việc giải quyết tranh chấp hiệu quả, do đó đã trở thành một yếu tố cấu thành quan trọng của môi trường pháp lý ổn định, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư và bảo đảm sự phát triển bền vững của ngành.
Trong khi đó, Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Thành viên Hội đồng trung tâm, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cho rằng, thị trường xây dựng Việt Nam đang ấm dần lên, hòa cùng dòng chảy FDI đang quay trở lại khu vực.
Tốc độ tăng trưởng ngành xây dựng hiện nay đạt từ 6-10% mỗi năm, một con số đáng ghi nhận, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, đằng sau sự tăng trưởng đó vẫn là những thách thức hiện hữu. Sự gia tăng tranh chấp trong lĩnh vực xây dựng cho thấy những bất cập về thể chế, về năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và cả sự thiếu vững chắc trong hành lang pháp lý, đặc biệt khi nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu rộng.

Các đại biểu tham dự hội thảo.
Cũng theo Luật sư Trần Hữu Huỳnh, hội thảo sẽ mang lại nhiều điểm nhìn mới, nhiều sáng kiến thiết thực, góp phần nâng tầm chất lượng giải quyết tranh chấp xây dựng, không chỉ để xử lý những xung đột đã có, mà quan trọng hơn là giảm thiểu tranh chấp trong tương lai, tạo dựng một môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh và bền vững hơn cho Việt Nam.
Tại hội thảo, các chuyên gia, diễn giả tập trung thảo luận các nội dung về xu hướng hiện tại trong giải quyết tranh chấp thay thế (ADR) cho các dự án xây dựng; tranh chấp phát sinh từ các dự án xây dựng tại Việt Nam - nhận diện thách thức và đề xuất giải pháp nhằm nâng tầm chất lượng giải quyết; phòng ngừa tranh chấp trong các dự án xây dựng…