Chứng khoán BIDV: Tăng trưởng tài sản thần tốc, 3 tháng thêm 3.000 tỷ đồng
Ông Nguyễn Duy Viễn, Tổng giám đốc Chứng khoán BIDV cho biết, đại hội diễn ra trong bối chiến tranh thương mại xảy ra, điều này sẽ đánh dấu sự thay đổi trật tự kinh tế thế giới, ảnh hưởng tới các nền kinh tế có tỷ trọng xuất khẩu lớn trong đó có Việt Nam...

Sáng 18/4, Công ty Cổ phần Chứng khoán BIDV (mã chứng khoán: BSC) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 với nhiều nội dung đáng chú ý liên quan đến định hướng tăng trưởng và chiến lược tài chính trong năm tới.
Một trong những mục tiêu trọng tâm được BSC đề ra là nâng mức lợi nhuận trước thuế năm 2025 lên 560 tỷ đồng, tương ứng mức tăng khoảng 9% so với kết quả đạt được trong năm 2024.
Cùng với định hướng tăng trưởng, công ty cũng thông qua kế hoạch phát hành khoảng 22,3 triệu cổ phiếu để chi trả cổ tức và tăng vốn điều lệ. Số lượng này tương đương 10% lượng cổ phiếu đang lưu hành, với tỷ lệ thực hiện quyền là 10%. Tính theo mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu, tổng giá trị phát hành dự kiến đạt 223 tỷ đồng. Sau đợt phát hành, vốn điều lệ của BSC sẽ tăng lên mức 2.453 tỷ đồng.
Bên cạnh các kế hoạch tài chính, Đại hội đồng cổ đông cũng tiến hành miễn nhiệm và bầu bổ sung nhân sự tham gia Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2021 – 2026. Cụ thể, bà Kang Hee Joung đã xin rút khỏi vị trí thành viên Ban Kiểm soát vì lý do cá nhân. Thay thế là ông Cho Sung Jae (người Hàn Quốc).
Nhìn lại năm 2024, BSC tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ổn định trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động. Lợi nhuận trước thuế của công ty đạt 515,6 tỷ đồng, tăng nhẹ 1% so với năm 2023. Đóng góp tích cực cho kết quả này là sự vận hành hiệu quả của ba mảng kinh doanh cốt lõi: môi giới, cho vay ký quỹ và tự doanh. Đặc biệt, đây là năm thứ ba liên tiếp BSC ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế vượt mốc 500 tỷ đồng.
Hiệu quả sử dụng vốn của BSC cũng tiếp tục được cải thiện, với tỷ lệ sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 8,5%/năm. Tính đến ngày 31/12/2024, tổng tài sản của công ty đã lên tới 10.315 tỷ đồng, tăng 24% so với cuối năm trước.

Nội dung được đưa ra trong báo cáo của ông Nguyễn Duy Viễn,Thành viên Hội đồng quản trị, kiêm Tổng giám đốc Chứng khoán BIDV
Ảnh hưởng của chính sách thuế quan đến các doanh nghiệp và Chứng khoán BIDV ? Chứng khoán BIDVchuẩn bị như thế nào để ứng phó?
Theo ông Ngô Văn Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Chứng khoán BIDV, chính sách thuế mới từ Mỹ có thể ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 70% kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam. Nhưng đáng chú ý hơn, điều mà thị trường khó lường hơn chính là "rủi ro vòng hai" – những hệ lụy lan tỏa đến thị trường lao động, tỷ giá, sức tiêu dùng, và cả dòng vốn FDI có thể rút khỏi Việt Nam. Những yếu tố này, nếu không được kiểm soát, có thể khiến GDP suy giảm đáng kể.
Mặc dù xu hướng thị trường vẫn đang phụ thuộc lớn vào kết quả đàm phán thương mại giữa các cường quốc, nhưng một điều chắc chắn là tâm lý nhà đầu tư sẽ bị tác động mạnh mẽ, đặc biệt là trên thị trường tài chính và chứng khoán. Trước nguy cơ này, việc chuẩn bị kỹ lưỡng không chỉ giúp ổn định hoạt động kinh doanh mà còn tạo đà tăng trưởng dài hạn.
Theo ông Dũng, thị trường chứng khoán Việt Nam dự kiến được nâng hạng, đây là cú hích tâm lý tích cực, cơ hội để thu hút dòng vốn mới từ các nhà đầu tư tổ chức. Để chuẩn bị cho việc này, BSC đã và đang tiến hành phân tích sâu các tác động từ chính sách thuế đến từng ngành hàng và doanh nghiệp cụ thể.
Dựa trên các dữ liệu đó, công ty xây dựng các báo cáo khuyến nghị đầu tư phù hợp, đồng thời tư vấn cho khách hàng cá nhân và tổ chức những phương án ứng phó hiệu quả nhất. “Chúng tôi hiểu rằng, chỉ những bản tin có chiều sâu, chính xác và giàu hàm lượng phân tích mới giữ chân được nhà đầu tư trong giai đoạn nhiều biến động như hiện nay,” ông nói.
BSC còn chú trọng nâng cao năng lực phân tích phục vụ cho mảng tự doanh – hiện chiếm khoảng 30% doanh thu của công ty. Việc đánh giá định giá cổ phiếu một cách khoa học giúp công ty chủ động hơn trong danh mục đầu tư, hạn chế rủi ro và tối ưu hóa lợi nhuận. Song song đó, BSC cũng tiến hành cải tổ quản trị nội bộ, phân bổ nguồn lực hợp lý hơn để phục vụ chiến lược kinh doanh trong giai đoạn sắp tới.
Thị trường nâng hạng, BSC đã chuẩn bị gì và kỳ vọng như thế nào?
Ông Nguyễn Duy Viễn, Thành viên Hội đồng quản trị, kiêm Tổng giám đốc Chứng khoán BIDV khẳng định: “Chưa bao giờ cơ hội nâng hạng lại gần như hiện nay. Nếu không cuối năm nay thì đầu năm sau, thị trường Việt Nam rất có thể sẽ được xếp vào nhóm thị trường mới nổi".
Bài học từ đại dịch COVID-19 cho thấy, mỗi khi có chuyển biến lớn về xếp hạng thị trường, một lượng lớn nhà đầu tư quốc tế sẽ quay lại, kéo theo sự bùng nổ về thanh khoản và quy mô giao dịch.
Để chuẩn bị cho thời điểm này, BSC đã đầu tư nâng cấp toàn diện về công nghệ, bao gồm cả phần cứng lẫn phần mềm. Ngoài ra, công ty còn tích hợp các sản phẩm mới vào hệ thống quy trình nội bộ, nhằm tạo ra một hệ sinh thái dịch vụ đa tầng, linh hoạt, có khả năng phục vụ cả nhà đầu tư cá nhân lẫn các tổ chức lớn.
Chứng khoán BIDV đã cử đội ngũ cán bộ đi đào tạo để nâng cao năng lực – bởi ông Viễn cũng thừa nhận: "Chưa ai từng trải nghiệm thời điểm thị trường Việt Nam được nâng hạng".
Chiến lược tự doanh sắp tới của BSC là gì, có tiếp tục đầu tư vào trái phiếu hay không, khi mà các khoản mục này đã tăng rất mạnh kể từ đầu năm. Chiến lược tối ưu doanh thu là gì?
Danh mục trái phiếu của công ty hiện đang chiếm từ 60–70% vốn chủ sở hữu, với tỷ trọng tới 90% là trái phiếu ngân hàng – nhóm tài sản được đánh giá có độ an toàn và thanh khoản cao. "Tôi tự tin có thể nói rằng, đây là những doanh nghiệp chất lượng, gần như không có rủi ro", ông Viễn cho hay.
Ông Viễn cũng nhấn mạnh, BSC không thay đổi chiến lược này. Thay vào đó, BSC sẽ tập trung hơn vào trái phiếu của các ngân hàng thương mại lớn cũng như trái phiếu của các doanh nghiệp hạng A – những doanh nghiệp đầu ngành, được đánh giá kỹ lưỡng về năng lực tài chính và khả năng thanh toán.
Tình tình hợp tác với Edmond de Rothschild để triển khai thành lập công ty quản lý quỹ tại Việt Nam đang như thế nào
Công ty chứng khoán BIDV đang trong quá trình đàm phán và hoàn thiện hồ sơ hợp tác với đối tác nước ngoài. Dự kiến trong tháng 6/2025 sẽ có kết quả chính thức về việc cấp phép hoạt động kinh doanh tại Thụy Sĩ cho đối tác, từ đó có thể hoàn thiện việc thành lập công ty quản lý quỹ tại Việt Nam.
Chứng khoán BIDV chuẩn bị gì cho việc trung tâm tài chính sắp được thành lập tại TP.HCM
Tổng giám đốc Chứng khoán BIDV cho biết đây là một cú hích lớn cho thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung. Công ty chứng khoán VSC có lợi thế khi đã có chi nhánh tại Thành phố Hồ Chí Minh, có thể tham gia sâu rộng vào quá trình này.
Để thu hút được các cổ đông tổ chức thì BSC sẽ tập trung vào lĩnh vực mua bán, sáp nhập doanh nghiệp để phục vụ nhu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài.
Ngoài ra, Ông Nguyễn Duy Viễn, cũng cho biết, đại hội diễn ra trong bối chiến tranh thương mại xảy ra, với những quyết định của Tổng thống Mỹ Donal Trump khó đoán, gây khó khăn cho toàn thị trường. Nó sẽ đánh dấu sự thay đổi trật tự kinh tế thế giới, ảnh hưởng tới các nền kinh tế có tỷ trọng xuất khẩu lớn trong đó có Việt Nam. Điều này có thể giảm GDP của Việt Nam, gia tăng tỷ lệ thất nghiệp, đồng thời, nó sẽ ảnh hưởng lớn tới thị trường chứng khoán của Việt Nam
Dẫu vậy, BSC vẫn chứng minh được sự vững vàng về mặt tài chính. Chỉ trong ba tháng gần đây, tổng tài sản của công ty đã tăng thêm 3.000 tỷ đồng, nâng tổng giá trị tài sản lên hơn 13.000 tỷ đồng.