Một trung tâm công nghiệp, logistic trên nền Đà Nẵng - Quảng Nam
Đà Nẵng và Quảng Nam sẽ sáp nhập thành một thành phố với nhiều thay đổi trong quy mô kinh tế cả về GRDP, cơ cấu ngành, cơ sở hạ tầng...

Theo Nghị quyết số 60 được thông qua tại Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Trung ương đã thống nhất chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh trên cả nước, giảm từ 63 đơn vị xuống còn 34 đơn vị.
Trong đó, TP Đà Nẵng sẽ hợp nhất với tỉnh Quảng Nam, hình thành một thành phố mới lấy tên là TP Đà Nẵng, trung tâm chính trị - hành chính đặt ở TP Đà Nẵng hiện tại.
Việc sáp nhập hai địa phương không chỉ mở rộng địa giới hành chính của thành phố mới mà còn kéo theo cả những thay đổi lớn về quy mô GRDP, cơ cấu ngành, cơ sở hạ tầng...
Thay đổi cơ cấu kinh tế
Tính đến năm 2024, GRDP theo giá hiện hành của Đà Nẵng đạt 151.300 tỷ đồng, tăng 7,5% so với năm liền trước. Trong đó, chiếm tỷ trong lớn nhất vẫn là khu vực dịch vụ với 71,14%; khu vực công nghiệp - xây dựng đóng góp chiếm 18,5%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đóng góp 1,77%; còn lại là phần thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm với 8,59%.
Trong khi đó, kinh tế Quảng Nam phát triển muộn hơn nhưng đang tăng tốc nhanh với GRDP theo giá hiện hành năm 2024 đạt gần 129.000 tỷ đồng, tăng 7,1%. Khác với Đà Nẵng, cơ cấu kinh tế của Quảng Nam không lệnh hẳn về phía dịch vụ mà tương đối cân bằng giữa công nghiệp - xây dựng (33,51%) và dịch vụ (34,74%). Ngoài ra, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đóng góp tới 13,84% kinh tế tỉnh, cùng với 17,91% từ phần thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 17,91%.

Tại khu vực miền Trung, cả Đà Nẵng và Quảng Nam đều có vai trò chiến lược trong phát triển kinh tế vùng, cũng có giới hạn trong không gian phát triển và sự khác biệt trong cơ cấu kinh tế. Tuy nhiên, điều này khiến việc hợp nhất 2 địa phương giúp thành phố mới cân đối lại cơ cấu kinh tế theo hướng cân bằng giữa các động lực tăng trưởng.
Trong khi Đà Nẵng là đô thị trung tâm nhưng thiếu đất công nghiệp, Quảng Nam lại có quỹ đất lớn và các khu kinh tế quy mô song lại thiếu một trung tâm dịch vụ mạnh.
Khi sáp nhập, hai địa phương có thể tận dụng những thế mạnh của nhau, đơn vị hành chính mới sẽ phát huy được lợi thế về quỹ đất của Quảng Nam, đồng thời hưởng lợi từ tiềm năng phát triển du lịch - dịch vụ của TP Đà Nẵng hiện hữu.
Theo đó, TP Đà Nẵng mới sẽ rộng 11.860 km2, xếp thứ 11 cả nước. Quy mô kinh tế vượt 280.000 tỷ đồng, tương đương với tỉnh Đồng Nai hiện tại - vốn được xem là trung tâm công nghiệp phía Nam. Giá trị GRDP của thành phố mới chiếm khoảng 2,5% GDP cả nước.

Đáng chú ý, năm 2024, Bộ Chính trị đã đồng ý chủ trương thành lập Trung tâm Tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam, trong đó có Đà Nẵng. Trung tâm này được định hướng phát triển theo mô hình hiện đại, tích hợp các dịch vụ tài chính truyền thống với công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, blockchain, và điện toán đám mây. Việc hình thành Trung tâm Tài chính tại Đà Nẵng được kỳ vọng tạo ra một môi trường kinh doanh năng động, tăng khả năng các nhà đầu tư và tổ chức tài chính quốc tế.
Hiện nay, Đà Nẵng không có tên trong top 20 địa phương về thu hút FDI khi dòng vốn ngoại vào địa phương này chỉ đạt 243 triệu USD. Dù tăng 33,2% so với năm 2023, so với kết quả từng ghi nhận vào năm 2019, vốn FDI chảy vào thành phố này đã giảm 45%.
Còn tỉnh Quảng Nam hiện có 201 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 6,36 tỷ USD, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo. Riêng năm 2024, tỉnh thu hút được 14 dự án FDI mới với tổng vốn đăng ký đạt 149,5 triệu USD, các dự án tập trung phần lớn tại Khu kinh tế mở Chu Lai, các khu du lịch ven biển, các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Theo Ban Quản lý các Khu kinh tế và KCN Quảng Nam, đa số doanh nghiệp FDI vào Quảng Nam có quy mô trung bình và nhỏ, thiếu các tập đoàn, doanh nghiệp lớn có khả năng dẫn dắt phát triển, tạo lập mạng lưới sản xuất, cung ứng…
Phương án sáp nhập 2 địa phương sẽ giúp mở rộng quy mô thị trường, nâng dân số và diện tích đô thị lên mức tương đương các thành phố cấp vùng, tạo nền tảng cần thiết cho sự hình thành một Trung tâm Tài chính quốc tế - nơi yêu cầu quy mô thị trường đủ lớn để vận hành các dịch vụ tài chính cấp cao như chứng khoán, bảo hiểm, ngân hàng đầu tư, fintech.
Thêm vào đó, hệ sinh thái công nghiệp - logistics của TP Đà Nẵng mới cũng sẽ hỗ trợ cho Trung tâm Tài chính quốc tế tại Đà Nẵng.
Trong khi khu vực Quảng Nam hiện tại đóng vai trò như “hậu phương sản xuất” với các khu kinh tế, khu công nghiệp lớn (Chu Lai, Thaco, Tam Thăng...), khu vực Đà Nẵng hiện tại sẽ giữ vai trò “đầu mối dịch vụ” với hạ tầng hiện đại và nguồn nhân lực chất lượng cao. Sự kết hợp này tạo ra chuỗi giá trị hoàn chỉnh - nền tảng để trung tâm tài chính có thể phục vụ đa dạng đối tượng từ doanh nghiệp sản xuất đến nhà đầu tư quốc tế.
Hình thành một trung tâm công nghiệp, logistics
TP Đà Nẵng hiện có ưu thế về hạ tầng, vị trí trung tâm vùng, nhưng diện tích nhỏ, chưa đến 1.300 km2, dẫn đến diện tích đất cho khu công nghiệp hạn chế. Toàn thành phố có 6 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 2.325 ha, tuy nhiên tỷ lệ lấp đầy đã đạt đến 88%, chỉ còn lại khu công nghiệp Liên Chiểu và khu công nghiệp Hòa Cầm giai đoạn 1 khoảng 70 ha đất công nghiệp trống để kêu gọi các nhà đầu tư.
Để giải quyết việc thiếu quỹ đất công nghiệp, thành phố đang phát triển thêm 3 khu công nghiệp mới gồm Hòa Ninh, Hòa Cầm giai đoạn 2 và Hòa Nhơn với tổng cộng khoảng 700 ha.
Trong khi đó, Quảng Nam có lợi thế hơn về quỹ đất, tổng diện tích toàn tỉnh gần 10.500 km2. Theo phương án phát triển khu công nghiệp trong Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021-2030, tỉnh sẽ bố trí hơn 10.165 ha để phát triển 30 khu công nghiệp.

Khu công nghiệp Chu Lai tại Quảng Nam. Ảnh: Thaco.
Điểm tựa cho phát triển kinh tế nói chung và công nghiệp nói riêng của thành phố Đà Nẵng mới là một hệ sinh thái logistics - hạ tầng giao thông đa tầng, đa phương thức hiếm có ở miền Trung.
Đà Nẵng hiện là đầu mối quan trọng với sân bay quốc tế, cảng biển Tiên Sa, cảng Thọ Quang và đang tiếp tục đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu. Bên cạnh đó, thành phố cũng sở hữu tuyến đường sắt Bắc - Nam và nhiều tuyến đường bộ huyết mạch như quốc lộ 1A, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.
Trong khi đó, Quảng Nam bổ sung thêm chiều sâu với khu kinh tế mở Chu Lai - nơi có cảng Kỳ Hà, sân bay Chu Lai, cùng mạng lưới khu công nghiệp ven biển và nội địa quy mô lớn.
Sự kết nối này tạo thành một hành lang logistics liên vùng hoàn chỉnh, nơi hàng hóa có thể di chuyển nhanh chóng từ cảng biển - sân bay - khu công nghiệp đến các thị trường tiêu dùng và xuất khẩu. Đặc biệt, vùng sáp nhập có thể phát triển chuỗi cung ứng khép kín cho các ngành chủ lực như cơ khí ôtô, dệt may, điện tử, giúp giảm chi phí logistics, tăng năng lực cạnh tranh và thu hút đầu tư chiến lược trong tương lai.
Cuối tháng 3 vừa qua, tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng đã nêu rõ Đà Nẵng - Quảng Nam phải trở thành một cực tăng trưởng của Việt Nam, có năng lực cạnh tranh cao của khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Tổng Bí thư nhấn mạnh một Đà Nẵng - Quảng Nam mới, cần định vị mình không chỉ là trung tâm kinh tế - xã hội của miền Trung mà còn thể hiện vai trò tiên phong dẫn dắt các địa phương khác trong quá trình phát triển hiện đại.
"Việc hai địa phương sáp nhập là một cơ hội vàng đối với ngành logistics, để tái cấu trúc mô hình logistics hiện đại, tối ưu hóa chuỗi cung ứng và xây dựng nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững trong tương lai", Tổng Bí thư nói.