Xây dựng mô hình xã thông minh tại tỉnh Bình Thuận

Hội thảo 'Chuyển đổi số cho tỉnh Bình Thuận - Vấn đề và giải pháp' nhằm phát triển các mô hình chuyển đổi số hướng tới kết hợp giữa các công nghệ thông tin và truyền thông với các lĩnh vực khác như nông nghiệp, y tế, giáo dục, giao thông, văn hóa và du lịch để tạo ra một cộng đồng thông minh và bền vững.

Chiều 17/4, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận tổ chức hội thảo “Chuyển đổi số cho tỉnh Bình Thuận - Vấn đề và giải pháp” nhằm phát triển các mô hình chuyển đổi số hướng tới kết hợp giữa các công nghệ thông tin và truyền thông với các lĩnh vực khác như nông nghiệp, y tế, giáo dục, giao thông, văn hóa và du lịch để tạo ra một cộng đồng thông minh và bền vững.

Tại hội thảo, các chuyên gia chia sẻ một số nội dung về kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước, nền tảng của chính phủ số; kinh nghiệm quốc tế trong khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Mô hình “xã thông minh” trong thúc đẩy chuyển đổi số nông thôn hướng đến xây dựng nông thôn hiện đại. Nâng cao kỹ năng chuyển đổi số cho doanh nghiệp và người dân tỉnh Bình Thuận; truy xuất nguồn gốc nâng cao giá trị nông sản. Giải pháp tài chính đầu tư thông minh giúp tổ chức, doanh nghiệp chuyển đổi số nhanh và bền vững.

Bên cạnh đó, các chuyên gia kiến nghị Bình Thuận đầu tư hạ tầng số và đào tạo (2025-2027); ban hành chính sách khuyến khích như ưu đãi thuế cho doanh nghiệp tham gia thương mại điện tử, hỗ trợ internet miễn phí cho khu vực nông thôn…

Hội thảo “Chuyển đổi số cho tỉnh Bình Thuận - Vấn đề và giải pháp”

Hội thảo “Chuyển đổi số cho tỉnh Bình Thuận - Vấn đề và giải pháp”

Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Bích Lan, Viện trưởng Viện Sáng tạo và Chuyển đổi số, mô hình xã thông minh là một trong những xu hướng phát triển trong chuyển đổi số nông thôn, đặc biệt là trong các khu vực có điều kiện địa lý, kinh tế và văn hóa khác nhau.

Mô hình này gồm sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông để quản lý, giám sát và tối ưu hóa các hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản lý; tập trung vào phát triển các ngành nghề truyền thống và sản phẩm địa phương để tạo ra giá trị gia tăng và phát triển kinh tế địa phương; cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân thông qua việc cung cấp các dịch vụ công cộng như y tế, giáo dục và văn hóa; xây dựng hệ thống giao thông thông minh để kết nối làng với các khu vực lân cận và thị trường.

Các chuyên gia tham gia hội thảo chuyển đổi số

Các chuyên gia tham gia hội thảo chuyển đổi số

Với phương châm “Bộ máy tinh gọn, dữ liệu kết nối, quản trị thông minh”, ông Đỗ Hữu Huy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận đề nghị, các sở, ban, ngành và địa phương nghiên cứu, tham khảo các nội dung tại hội thảo để hoàn thiện, đề xuất mô hình xã thông minh phù hợp với đề án sắp xếp lại tổ chức đơn vị hành chính các cấp theo Nghị quyết số 60-NQ/TW, ngày 12/4/2025 Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, trọng tâm phải bảo đảm hạ tầng số để đáp ứng yêu cầu “quản trị thông minh”.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận, các đơn vị nghiên cứu tham mưu triển khai các nhiệm vụ có tác động, hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số như kịp thời triển khai các chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ đầu tư cho chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, quản trị doanh nghiệp…

Các đơn vị nghiên cứu các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển cơ sở dữ liệu chuyên ngành nhằm tăng cường hiệu quả quản lý, ra quyết định dựa trên dữ liệu, đồng thời minh bạch hóa và phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn để góp phần đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, xây dựng chính quyền số.

PV/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/cong-nghe/chuyen-doi-so/xay-dung-mo-hinh-xa-thong-minh-tai-tinh-binh-thuan-post1192925.vov
Zalo