Nâng cao nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc thực hiện các Chỉ số
Đó là chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Minh Tuấn tại hội nghị trực tuyến với các huyện, thành phố để đánh giá kết quả Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công (PAPI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS) tỉnh Đồng Tháp năm 2024 vào chiều ngày 16/5.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Minh Tuấn phát biểu chỉ đạo hội nghị
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Minh Tuấn đánh giá cao kết quả đạt được trong thực hiện các Chỉ số. Với sự nỗ lực chung, tỉnh có những điểm sáng như: Chỉ số PAPI ghi nhận lần đầu tăng điểm và tăng hạng; Chỉ số CCHC của tỉnh tiếp tục đạt được nhiều kết quả, những mô hình hay, cách làm mới ngày càng đi vào chiều sâu, được các cơ quan truyền thông, báo, đài và người dân, doanh nghiệp đánh giá cao.
Trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các ngành, các cấp tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ. Trong đó, tiếp tục nâng cao nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc thực hiện các Chỉ số; phát huy tinh thần sáng tạo, trách nhiệm với công việc, cố gắng thực hiện tốt hơn nữa để đưa các Chỉ số này nằm trong top đầu của cả nước và khu vực.
Trong quá trình chỉ đạo, điều hành, các ngành, các cấp phải luôn xác định công tác CCHC là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, mang tính đột phá; triển khai thực hiện tốt các nội dung của các Chỉ số PAPI, Chỉ số PAR, Chỉ số SIPAS và các Chỉ số khác (như Chỉ số PCI, Chỉ số chuyển đổi số DTI…) đồng bộ, hiệu quả, theo chiều sâu. Thực hiện tốt nhiệm vụ rà soát và đề xuất cắt giảm 30% thời gian giải quyết TTHC, 30% điều kiện đầu tư kinh doanh và 30% chi phí tuân thủ TTHC của doanh nghiệp, nhà đầu tư theo chỉ đạo chung của Chính phủ và kế hoạch của UBND tỉnh.

Quanh cảnh hội nghị trực tuyến tại điểm cầu UBND tỉnh
Theo báo cáo của Sở Nội vụ, trong năm 2024, PAPI của tỉnh đạt 43,84 điểm (thuộc nhóm trung bình-cao), tăng 2,52 điểm so với năm 2023, xếp hạng 26/63 tỉnh, thành phố trong cả nước (tăng 16 hạng so với năm 2023), xếp hạng 5/13 tỉnh, thành phố trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long (giảm 1 hạng so với năm 2023). Tất cả các chỉ số nội dung PAPI năm 2024 đều tăng điểm so với năm 2023; trong đó, chỉ số nội dung "Quản trị môi trường" tiếp tục duy trì ở nhóm cao nhất và dẫn đầu cả nước (7 năm liên tiếp).
PAR Index đạt 87,89%, tăng 1,24% so với PAR Index năm 2023, xếp hạng thứ 42/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (giảm 5 hạng so với năm 2023); xếp hạng thứ 6 khu vực đồng bằng sông Cửu Long (giảm 2 hạng so với năm 2023, xếp sau các tỉnh: Long An, Hậu Giang, Cà Mau, Cần Thơ và Kiên Giang). Kết quả PAR Index năm 2024 có 4/8 lĩnh vực có Chỉ số thành phần tăng hơn so với năm 2023. Qua đó cho thấy, tỉnh có những cải thiện đáng kể, thực hiện bảo đảm các nội dung, nhiệm vụ trong thực hiện CCHC…

Đại biểu tham gia thảo luận tại hội nghị
SIPAS đạt 83,49% (giảm 1,41% so với năm 2023), xếp hạng 32/63 tỉnh, thành phố trong cả nước (giảm 18 hạng so với năm 2023), xếp hạng 4/13 tỉnh, thành phố trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long (giảm 3 hạng so với năm 2023). SIPAS của năm 2024 đạt được các kết quả như: phản ánh phần lớn người dân không cảm thấy bị tiêu cực trong giải quyết công việc; mức độ phù hợp của các hình thức giải quyết TTHC trực tuyến, đặc biệt là trực tuyến toàn trình, có sự tăng trưởng đáng kể so với năm 2022, cho thấy nỗ lực triển khai dịch vụ công toàn trình đang mang lại hiệu quả và được người dân đánh giá cao hơn theo thời gian…