Cần nâng cao chỉ số phát triển du lịch của Khánh Hòa

Trong báo cáo "Chỉ số phát triển du lịch cấp tỉnh của Việt Nam 2024" (VTDI 2024), Khánh Hòa có nhiều trụ cột được đánh giá cao, thể hiện rõ điểm mạnh nổi trội. Tuy nhiên, vị trí 12/30 tỉnh, thành được xem xét đánh giá dường như chưa tương xứng với vị thế phát triển du lịch của xứ Trầm Hương. Thời gian tới, tỉnh và ngành Du lịch cần phát huy điểm mạnh, khắc phục hạn chế để nâng cao chỉ số phát triển du lịch của tỉnh.

Mạnh về hạ tầng, yếu về tài nguyên văn hóa

Mới đây, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (trực thuộc Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) đã công bố báo cáo VTDI 2024. Trong đó, Khánh Hòa xếp thứ 12/30 tỉnh, thành. Theo báo cáo, Khánh Hòa có nhóm chỉ số Hạ tầng và dịch vụ có kết quả tốt với 4,64 điểm, cao hơn nhiều so với điểm trung bình 3,97. Nhóm chỉ số Sự bền vững của du lịch cũng có kết quả cao, đạt 4,67 điểm (điểm trung bình 4,09). Nhóm chỉ số Môi trường thuận lợi đạt 4,91 điểm (điểm trung bình 4,87). Tuy nhiên, nhóm chỉ số Chính sách và điều kiện cho du lịch đạt 4,09 điểm, thấp hơn điểm trung bình 4,54. Đặc biệt, nhóm chỉ số Tài nguyên du lịch có kết quả thấp, với 2,8 điểm (điểm trung bình 3,18).

Khánh Hòa được đánh giá cao về hạ tầng du lịch.

Khánh Hòa được đánh giá cao về hạ tầng du lịch.

Kết quả đánh giá theo hình thức xếp hạng qua xem xét 17 trụ cột, Khánh Hòa cũng có nhiều trụ cột được đánh giá cao trong số 30 tỉnh, thành được xem xét đánh giá. Cụ thể, trụ cột Hạ tầng và dịch vụ du lịch có kết quả vượt trội, đạt 4,1 điểm, cao hơn nhiều so với điểm trung bình 2,75 (hạng 2). Các trụ cột khác như: Tác động kinh tế - xã hội của du lịch (hạng 2); Sự bền vững về nhu cầu du lịch (hạng 5); Sức cạnh tranh về giá (hạng 6); Mức độ sẵn sàng về công nghệ thông tin và truyền thông (hạng 8); Sự bền vững về môi trường và năng lượng trong du lịch (hạng 9); Hạ tầng mặt đất và cảng (hạng 10). Các trụ cột này thể hiện thế mạnh nổi trội và điều kiện rất thuận lợi để tỉnh phát triển du lịch.

Các trụ cột được đánh giá ở mức vừa phải gồm: Môi trường kinh doanh; Hạ tầng hàng không; Nhân lực và thị trường lao động; Tài nguyên phi giải trí; An toàn và an ninh; Y tế và vệ sinh; Tài nguyên tự nhiên và Mức độ ưu tiên cho du lịch. Đáng chú ý, có 2 trụ cột được xếp hạng rất thấp: Thu thập và chia sẻ dữ liệu (đạt 3,12 điểm, thấp hơn nhiều so với điểm trung bình 4,65, xếp hạng 27/30) và Tài nguyên văn hóa (hạng 30). Các chuyên gia của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân khuyến cáo, để cải thiện kết quả chung, cần tập trung nỗ lực nhằm nâng cao thứ hạng và giải quyết những vấn đề tiềm ẩn của những trụ cột này.

Báo cáo “Chỉ số phát triển du lịch cấp tỉnh của Việt Nam 2024” nhằm nghiên cứu, tham khảo trong quá trình xây dựng các chiến lược phát triển du lịch địa phương, phục vụ nhiệm vụ phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững. Có 30 địa phương trên toàn quốc được lựa chọn đánh giá. Bảng đánh giá bao gồm 17 trụ cột và 111 chỉ số thu thập từ khảo sát doanh nghiệp du lịch và các nguồn dữ liệu định lượng khác. Tất cả các chỉ số được chuẩn hóa theo thang điểm từ 1 đến 7. TP. Đà Nẵng (4,89 điểm) đứng đầu bảng xếp hạng “Chỉ số phát triển du lịch cấp tỉnh của Việt Nam 2024”. Tiếp theo là: TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Quảng Ninh, Ninh Bình, Quảng Nam, Bình Định, TP. Huế và TP. Hải Phòng. Khánh Hòa xếp thứ 12 với 4,22 điểm. Đứng thấp nhất là Đắk Lắk với 3,66 điểm.

Nhận diện các chỉ số thấp để đề xuất giải pháp khắc phục

Bảng xếp hạng chỉ số phát triển du lịch cấp tỉnh của Việt Nam chỉ có giá trị tương đối, có những đánh giá khô cứng, tuy nhiên đó là điều mà những người làm du lịch cần suy nghĩ. Liên quan đến bảng xếp hạng VTDI 2024 và cải thiện chỉ số phát triển du lịch của tỉnh, ông Cung Quỳnh Anh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, sở đang nghiên cứu báo cáo VTDI 2024, nhận diện các chỉ số bị đánh giá thấp, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm khắc phục các hạn chế mà báo cáo đã nêu như: Tài nguyên văn hóa, an toàn và an ninh du lịch, nhân lực du lịch… để nâng cao vị trí xếp hạng của Khánh Hòa trong những lần đánh giá tiếp theo. Về lâu dài, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng Chiến lược phát triển du lịch Khánh Hòa giai đoạn 2025 - 2030, định hướng đến năm 2045. Trong đó, Khánh Hòa sẽ thực hiện 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chiến lược: Đa dạng hóa thị trường khách; phát triển đa dạng sản phẩm, dịch vụ du lịch phục vụ nhiều phân khúc du khách khác nhau; thúc đẩy thương hiệu du lịch Khánh Hòa lên tầm cao mới; đầu tư phát triển nguồn nhân lực; đẩy mạnh phát triển du lịch xanh, bền vững; tăng tốc chuyển đổi số trong hoạt động du lịch. Sở cũng sẽ đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa để cải thiện chỉ số về Tài nguyên văn hóa… Bên cạnh đó, hiện nay, tỉnh cũng đã có kế hoạch xây dựng Bảo tàng Trường Sa, Bảo tàng A.Yersin, đẩy mạnh phát triển kinh tế đêm… để góp phần quảng bá giá trị văn hóa xứ Trầm Hương, tạo nên những điểm tham quan hấp dẫn cho khách du lịch.

Khánh Hòa được đánh giá cao về phát triển du lịch bền vững.

Khánh Hòa được đánh giá cao về phát triển du lịch bền vững.

Nhiều người am hiểu về du lịch cho rằng, vị trí thứ 12/30 tỉnh, thành chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và sự phát triển du lịch Khánh Hòa. Để nâng cao vị thế của Khánh Hòa trên bảng xếp hạng, cần phải duy trì các chỉ số, các trụ cột đạt kết quả cao; đồng thời tập trung cải thiện những mặt còn hạn chế, nhất là chỉ số về Tài nguyên du lịch. “Tài nguyên du lịch được đánh giá dựa trên tài nguyên tự nhiên (khu bảo tồn thiên nhiên, khu di sản thiên nhiên, độ che phủ rừng…), tài nguyên văn hóa (số lượng di sản văn hóa, sức hấp dẫn của tài nguyên văn hóa, mức độ bảo vệ đối với di sản văn hóa vật thể và phi vật thể) và tài nguyên phi văn hóa (trung tâm mua sắm, vui chơi giải trí về đêm, số lượng hội chợ thương mại…). Chúng ta có thể cải thiện tài nguyên du lịch thông qua việc đầu tư phát triển các điểm vui chơi giải trí về đêm, phát triển trung tâm mua sắm, các công trình kiến trúc nghệ thuật có tính biểu tượng, các thiết chế văn hóa quan trọng như bảo tàng, nhà hát, trung tâm triển lãm… Bên cạnh đó, cũng cần sớm có giải pháp để nâng cao chỉ số về thu thập và chia sẻ dữ liệu thông tin du lịch, an ninh du lịch, chất lượng nhân lực”, ông Phạm Minh Nhựt - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa bày tỏ.

THÀNH NGUYỄN

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/du-lich/202505/can-nang-cao-chi-so-phat-trien-du-lich-cua-khanh-hoa-e4865c2/
Zalo