Xuất khẩu sang Trung Quốc xuống dốc, 'vua trái cây' kêu cứu
Kim ngạch xuất khẩu của 'vua trái cây' sầu riêng của Việt Nam đang lao dốc mạnh, chỉ sau khoảng ba năm khi Trung Quốc chính thức mở cửa thị trường.
4 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu của sầu riêng của Việt Nam chỉ đạt khoảng 130 triệu USD, sản lượng xuất khẩu ước tính 35.000 tấn (đạt khoảng 20% kế hoạch đề ra), trong khi cùng kỳ năm ngoái hơn 500 triệu USD.
Nhiều lô hàng sầu riêng đã lên tới cửa khẩu, nhưng không đạt tiêu chuẩn, hoặc không đợi được đến lượt làm thủ tục thông quan, đã phải quay đầu về nội địa để tìm hướng tiêu thụ khác.
Nhiều xe sầu riêng xuất khẩu phải quay đầu
Tiền Giang đang vào chính vụ thu hoạch sầu riêng. Thế nhưng do hàng hóa xuất khẩu bị ùn ứ tại cửa khẩu, giá sầu riêng trong nước cũng sụt giảm mạnh. Theo phản ánh, hiện nay, thương lái vào vườn mua hàng xô chỉ khoảng 40.000–50.000 đồng/kg tùy loại và chất lượng, trong khi cùng kỳ năm ngoái là 70.000–80.000 đồng/kg.
Ông Võ Tấn Lợi, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Tiền Giang, Giám đốc Công ty TNHH Phương Ngọc Cái Bè, cho biết: “Trước đây, khi Trung Quốc chưa kiểm tra chỉ tiêu cadimi và vàng O (Auramine O, chất dùng tạo màu trong công nghiệp), các lô sầu riêng xuất khẩu được kiểm tra theo hình thức xác suất, chỉ khoảng 1–2% trong tổng số container, nên việc thông quan rất nhanh. Nhưng từ khi Trung Quốc phát hiện có dư lượng cadimi và vàng O vượt ngưỡng, họ đã siết chặt quy trình và chuyển sang kiểm tra 100% các lô hàng”.

Kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đang sụt giảm nghiêm trọng. Ảnh minh họa: AH
Theo ông Lợi, vào chính vụ, khu vực cửa khẩu có đến 200–300 container sầu riêng chờ thông quan mỗi ngày. Tuy nhiên, do phải chờ xét nghiệm nên thời gian chờ lên tới 15–16 ngày mới đến lượt, khiến sầu riêng bị chín, nứt, không còn đảm bảo chất lượng, buộc phải quay đầu về, không thể xuất khẩu.
"Hiện nay, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc đang cực kỳ khó khăn", ông Lợi nói. Đồng thời cho biết, ngay cả những xe hàng đã có giấy kiểm nghiệm từ các phòng kiểm nghiệm do phía Trung Quốc chỉ định, nhưng tới cửa khẩu Trung Quốc vẫn bị kiểm tra lại và có nhiều lô bị đánh giá không đạt yêu cầu.
Chi phí kiểm nghiệm lên tới 50–60 triệu đồng/xe
Trong khi đó, chi phí kiểm nghiệm hiện cũng tăng đáng kể. "Thời điểm tháng 10, 11-2023, mỗi xe hàng chỉ mất khoảng 20–30 triệu đồng tiền xét nghiệm. Nhưng hiện nay, nếu kiểm tra đủ cả chỉ tiêu vàng ô và cadimi, chi phí lên tới 50–60 triệu đồng/xe”, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Tiền Giang thông tin.
Thông tin thêm về thủ tục xuất khẩu, một số doanh nghiệp cho biết trước khi xuất khẩu, các doanh nghiệp phải chủ động mang mẫu đi kiểm tra tại các phòng kiểm nghiệm đạt chuẩn được Việt Nam và Trung Quốc công nhận. Sau khi có kết quả kiểm tra đạt yêu cầu, phía Việt Nam cho thông quan thì sang phía Trung Quốc, họ tiếp tục kiểm tra lại lần nữa. Nếu kết quả xét nghiệm không đạt thì không cho nhập khẩu. Kể cả sau khi vào các chợ tại Trung Quốc, họ vẫn tiếp tục xét nghiệm lại, rất chặt chẽ.
Một thông tin khá bất ngờ, đó là nhiều doanh nghiệp, hiệp hội xuất khẩu sầu riêng vẫn chưa nắm được thông tin cụ thể về hệ thống các phòng kiểm nghiệm đủ điều kiện xét nghiệm cadimi và vàng O để xuất khẩu sang Trung Quốc.
Ông Võ Tấn Lợi, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Tiền Giang, cho biết: “Mỗi lần muốn biết thông tin về phòng kiểm nghiệm, chúng tôi phải liên hệ cơ quan chức năng. Trong khi những phòng kiểm nghiệm này nhiều khi lại đặt khá xa vùng nguyên liệu. Đơn cử Tiền Giang là thủ phủ sầu riêng nhưng lại không có phòng kiểm nghiệm. Muốn kiểm nghiệm, các doanh nghiệp phải chuyển hàng đến kiểm nghiệm tại Cần Thơ, Cà Mau hoặc TP.HCM…”.
“Nếu cơ quan nhà nước có thể lập một trang web để cập nhật danh sách các phòng kiểm nghiệm một cách minh bạch, kịp thời sẽ hỗ trợ rất nhiều cho doanh nghiệp. Chứ bây giờ, sáng thấy còn hoạt động, chiều đã bị đóng cửa”, doanh nghiệp đề xuất.
Tránh trường hợp độc quyền trục lợi, tạo ra cơ chế xin – cho
Tại Tây Nguyên, vựa sầu riêng này cũng đang rất sốt ruột khi chỉ 1-2 tháng nữa là bước vào chính vụ thu hoạch. Ông Vũ Đức Côn, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Đắk Lắk, lo lắng: “Với tình hình như hiện nay, xuất khẩu trái tươi sẽ gặp trở ngại do yêu cầu kiểm nghiệm gắt gao, trong khi xuất khẩu sầu riêng đông lạnh cũng chưa mở rộng được bao nhiêu vì thủ tục đăng ký cơ sở chế biến còn nhiều vướng mắc”.
Để kịp thời tháo gỡ những khó khăn này, cách đây vài ngày, Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk đã gấp rút gửi công văn tới Bộ Nông nghiệp và Môi trường "cầu cứu".
Trong văn bản gửi đi, các doanh nghiệp của hiệp hội bày tỏ lo ngại khi từ năm 2024 đến nay, số lượng mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói bị thu hồi của sầu riêng đã lên tới 116 mã. Đồng thời, từ tháng 9-2023 đến nay, phía Việt Nam liên tục giới thiệu các vùng trồng và cơ sở đóng gói sầu riêng sang Trung Quốc nhưng không được chấp thuận. Hiện tổng diện tích sầu riêng cả nước là 150.000 ha, nhưng diện tích được cấp mã số chỉ khoảng 20%.
Đối với các phòng kiểm nghiệm được phía Trung Quốc phê duyệt để thực hiện công tác kiểm nghiệm các lô hàng xuất khẩu, Hiệp hội cũng bày tỏ lo ngại khi nhiều phòng liên tục bị thu hồi, dẫn đến việc kiểm nghiệm hàng hóa không được thường xuyên, chậm trễ và không minh bạch, các doanh nghiệp khó khăn trong việc tìm kiếm và kết nối các phòng thí nghiệm khi có lô hàng xuất khẩu...
Để tháo gỡ, Hiệp hội đề nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường ban hành hướng dẫn công khai trong hoạt động kiểm tra chất lượng của các phòng thí nghiệm, kiểm dịch tại địa phương để hàng hóa khi đóng container, kẹp chì ra cảng, cửa khẩu không mất thời gian mở lại, ảnh hưởng đến nhiệt độ, chất lượng hàng hóa đông lạnh.

Trước tình hình cấp bách khi mùa thu hoạch sầu riêng chính vụ đã bắt đầu, ngày 8-5, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đã triệu tập một cuộc họp khẩn để bàn giải pháp. Ảnh: Khương Trung
Đối với vùng trồng vi phạm, có nguy cơ cao, đã có kết luận điều tra nguyên nhân của Bộ, cần khoanh vùng báo động đỏ để có giải pháp cải tạo các vấn đề liên quan đến quy trình canh tác như: đất, nước, phân bón… thậm chí là ý thức người nông dân, để không ảnh hưởng tới ngành hàng nói chung. Tăng cường tuyên truyền đối với người dân để nâng cao nhận thức trong canh tác và vấn đề an toàn thực phẩm, sức khỏe người tiêu dùng.
“Hiện nay phía Trung Quốc chỉ phê duyệt cho một số phòng thí nghiệm để kiểm tra vàng O và cadimi, đề nghị Bộ chỉ đạo các phòng thí nghiệm tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp kết nối, không đứt gãy thông tin với chi phí ổn định và hợp lý, tránh trường hợp độc quyền trục lợi, tạo ra cơ chế xin – cho, không công bằng với các doanh nghiệp xuất khẩu. Đồng thời tiếp tục đàm phán với phía Trung Quốc để mở thêm nhiều phòng thí nghiệm được phép kiểm tra để doanh nghiệp có nhiều lựa chọn” - Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk nêu ý kiến.
Khẩn để bàn giải pháp
Trao đổi với PLO, ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), cho biết hiện cả nước đang có 12 Trung tâm thí nghiệm kiểm tra cadimi và 9 Trung tâm kiểm tra chất vàng O, nằm tại Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cà Mau (4 trung tâm), Cần Thơ (2 trung tâm), TPHCM (3 trung tâm).
Đến thời điểm này, cả 9 trung tâm, phòng kiểm nghiệm chất vàng O trong sầu riêng đã được cơ quan chức năng của Trung Quốc công nhận.
Về phản ánh của doanh nghiệp muốn có thêm các trung tâm kiểm nghiệm, nhất là tại vùng nguyên liệu, ông Hiếu cho biết việc xây dựng phòng thí nghiệm đạt chuẩn quốc tế đòi hỏi vốn lớn, cần đội ngũ chuyên gia có trình độ cao, được đào tạo bài bản về kiểm nghiệm chất vàng O và cadimi, tức là không phải đầu tư xong là có người vận hành ngay được. Tiếp theo, thủ tục phê duyệt cũng không phải dễ, phải được cả Việt Nam và Trung Quốc công nhận.
Còn từ phía Bộ Nông nghiệp và Môi trường, trước tình hình cấp bách hiện tại khi mùa thu hoạch sầu riêng chính vụ đã bắt đầu, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy mới đây đã triệu tập một cuộc họp khẩn để bàn giải pháp. Tại cuộc họp, Bộ trưởng cho biết trong ngắn hạn, Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để xử lý các vướng mắc liên quan đến những yếu tố kỹ thuật đang cản trở xuất khẩu.
Đồng thời, Bộ sẽ đẩy nhanh tiến độ cấp mã số vùng trồng, phê duyệt cơ sở đóng gói và các phòng thí nghiệm phục vụ xuất khẩu. Cùng đó, quy trình kiểm dịch thực vật cho sầu riêng sẽ được khẩn trương ban hành. Từ đó làm cơ sở đánh giá lại khả năng xuất khẩu trong năm 2025 và điều chỉnh kế hoạch phù hợp với thực tiễn.
Giải pháp quan trọng để kiểm soát lượng cadimi trong sầu riêng
Ông Võ Tấn Lợi, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Tiền Giang, cho biết, Hiện Hiệp hội Sầu riêng Tiền Giang đang phối hợp với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh triển khai mô hình thí điểm xử lý cadimi trong đất. Nếu mô hình này đạt kết quả tốt sẽ đề xuất nhân rộng ra toàn vùng.
Ở Tây Nguyên, ông Vũ Đức Côn, Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng Đắk Lắk cho biết Tây Nguyên hiện không bị nhiễm cadimi – đây là một lợi thế rất lớn.
Để giữ thị trường cho toàn ngành, mới đây Hiệp hội đã ký thỏa thuận hợp tác với Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên về việc phối hợp nghiên cứu, xác định nguồn gốc, tồn dư hóa chất và kim loại nặng trong sản phẩm sầu riêng, dự đoán các hoạt chất có thể gây hại đến chất lượng sản phẩm trong tương lai; nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chuẩn kỹ thuật cơ sở cho ngành hàng sầu riêng của tỉnh, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật trong canh tác sầu riêng giai đoạn 2025-2030.