Tri thức, công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng vai trò cốt lõi đưa đất nước vươn mình

Trong bối cảnh thế giới bước vào kỷ nguyên số, nơi mà tri thức, công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành nguồn tài nguyên cốt lõi thúc đẩy tăng trưởng, Việt Nam với nhiều hành động đang khẳng định quyết tâm vươn mình dựa vào nền tảng cốt lõi từ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Chia sẻ mới đây tại Ngày hội Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công Nghệ Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số không chỉ là động lực, mà còn là sứ mệnh quốc gia”.

Hiến pháp năm 2013 cũng đã khẳng định: “Phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu; giữ vai trò then chốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của đất nước”.

Tinh thần này tiếp tục được cụ thể hóa và nâng tầm trong các Nghị quyết quan trọng của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Nghị quyết 57 đã xác định khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số phải thực sự trở thành đột phá chiến lược, động lực chính để đưa Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045".

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, khoa học - công nghệ cơ bản giống nhau giữa các quốc gia, nhưng đổi mới sáng tạo thì rất khác nhau. Đổi mới sáng tạo tạo ra năng lực cạnh tranh quốc gia, đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng kinh tế nhiều hơn là khoa học công nghệ, ít nhất là đối với các nước đang phát triển. Làm chủ công nghệ lõi lúc này còn khó, nhưng ứng dụng sáng tạo công nghệ lõi vào giải các bài toán Việt Nam để Việt Nam phát triển thì lại khả thi.

Nhằm khẳng định tầm quan trọng của đổi mới sáng tạo, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho hay, Luật Khoa học công nghệ đang được sửa đổi thành Luật khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo để thể chế hóa các định hướng, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước.

Cùng với đó, Bộ Khoa học và Công nghệ cam kết trong thời gian tới được cụ thể hóa qua các trụ cột chiến lược: Hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách thúc đẩy nghiên cứu - đổi mới - ứng dụng công nghệ; Khơi thông nguồn vốn, đa dạng hóa hình thức tài trợ, đơn giản hóa quy trình hỗ trợ nghiên cứu; Tái định vị vai trò doanh nghiệp - từ đối tượng thụ hưởng thành chủ thể dẫn dắt sáng tạo và thương mại hóa công nghệ; Ưu tiên phát triển các công nghệ trọng điểm như AI, vi mạch, sinh học, năng lượng mới, công nghệ số - làm nền tảng bứt phá; Thúc đẩy liên kết viện - trường - doanh nghiệp - Nhà nước để hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo toàn diện.

Trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số thì chắc chắn động lực chính, nhân tố chủ đạo chính là các nhà khoa học. Nghị quyết 57 cũng khẳng định vai trò then chốt của nhà khoa học trong phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, tạo động lực mạnh mẽ cho hành trình khám phá tri thức.

Do đó các động thái hỗ trợ, đồng hành cùng nhà khoa học của các cơ quan quản lý - đặc biệt là về các cơ chế tài chính liên quan để tạo thuận lợi cho các hoạt động nghiên cứu, sáng tạo chính là thể hiện quyết tâm đưa khoa học và công nghệ Việt Nam vươn tầm cao mới. Chính vì vậy, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (Quỹ Nafosted) hiện đang thực hiện nhiệm vụ lớn để hỗ trợ, đồng hành cùng các nhà khoa học, doanh nghiệp, viện nghiên cứu.

Vai trò của các nhà khoa học là không thể thiếu trong hành trình đưa đất nước vươn mình

Vai trò của các nhà khoa học là không thể thiếu trong hành trình đưa đất nước vươn mình

Một trong những công việc trọng tâm được Quỹ Nafosted xác định là xây dựng chiến lược hoạt động của Quỹ hướng đến góp phần tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026-2030. Đồng thời, chú trọng và thúc đẩy hội nhập quốc tế để rút ngắn khoảng cách tri thức, nâng cao năng lực nội sinh và góp phần đẩy mạnh sự sáng tạo trong nghiên cứu. Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu khác là tối ưu hóa quy trình, tạo điều kiện thuận lợi tối đa để các nhà khoa học, các tổ chức, doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận với nguồn lực của Quỹ.

Chiến lược của Quỹ là tập trung đầu tư phát triển các công nghệ chiến lược, công nghệ lõi; chấp nhận thách thức, rủi ro nhưng tập trung vào đánh giá hiệu quả đầu ra, đặc biệt là khả năng thương mại hóa của sản phẩm nghiên cứu. Đồng thời, xác định đội ngũ nhân sự là lực lượng then chốt đóng góp cho sự phát triển và hiệu quả hoạt động của Quỹ, do đó, Quỹ chú trọng tạo điều kiện nâng cao năng lực cốt lõi bao gồm năng lực chuyên môn, năng lực số, năng lực hợp tác quốc tế…

Cơ quan quản lý thông qua Quỹ cũng xác định xây dựng một không gian làm việc chuyên nghiệp, hiện đại sẽ là động lực khuyến khích sự sáng tạo, say mê cống hiến để đạt được hiệu quả công việc tốt nhất. Bên cạnh đó, Quỹ cũng có nhiệm vụ xây dựng nền tảng số với mục tiêu là nơi chia sẻ tài nguyên, kết nối các nhà khoa học, tổ chức, doanh nghiệp, mở ra các cơ hội hợp tác, tăng cường mối liên kết viện trường - doanh nghiệp.

Có thể thấy, trong hành trình đưa khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành trụ cột chiến lược phát triển đất nước, vai trò của các nhà khoa học, doanh nghiệp và hệ sinh thái hỗ trợ là không thể thay thế. Việc sửa đổi Luật Khoa học và Công nghệ, sự hình thành và định hướng hoạt động mạnh mẽ của Quỹ Nafosted, cùng các chính sách đồng bộ từ cấp cao nhất của Đảng, Nhà nước và các cơ quan quản lý chính là những tín hiệu tích cực cho một cho thấy Việt Nam đã sẵn sàng bứt phá. Chỉ khi đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực chính trong mọi lĩnh vực, nước ta có thể cạnh tranh với các quốc gia khác, cũng như vượt qua giới hạn cũ để vững bước tiến vào tương lai.

Hồng Quang

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/tri-thuc-cong-nghe-va-doi-moi-sang-tao-dong-vai-tro-cot-loi-dua-dat-nuoc-vuon-minh-164354.html
Zalo