Mỹ ký sắc lệnh áp thuế đối ứng với các quốc gia khác, lợi hay hại nhiều hơn?

Việc áp thuế đối ứng trước mắt có thể giúp giảm thâm hụt thương mại, đồng thời gia tăng nguồn thu cho chính phủ Mỹ nhưng kèm theo đó là những rủi ro cho nền kinh tế Mỹ cũng như mối quan hệ với các nước khác.

Theo như công bố từ trước, ngày 13/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức ký văn bản yêu cầu nhóm kinh tế thuộc chính quyền của mình lập kế hoạch áp thuế quan qua lại đối với các quốc gia hiện đang đánh thuế lên hàng nhập khẩu của Mỹ.

Thuế quan trả đũa của Mỹ sẽ hoàn tất trước 1/4

 Tổng thống Donald Trump ra chỉ thị áp thuế đối ứng với các quốc gia vào ngày 13/2 vừa qua. Ảnh: Reteurs.

Tổng thống Donald Trump ra chỉ thị áp thuế đối ứng với các quốc gia vào ngày 13/2 vừa qua. Ảnh: Reteurs.

Trong cuộc phỏng vấn tại Phòng Bầu dục, Tổng thống Trump đã ra chỉ thị áp thuế đối ứng công bằng với các quốc gia đang áp thuế nhập khẩu lên Mỹ, không nhiều hơn cũng không ít hơn. Bộ trưởng Thương mại Mỹ - Howard Lutnick cho biết, dự thảo về thuế quan trả đũa sẽ được hoàn thiện vào trước thời hạn ngày 1/4/2025.

Trong ngày đầu tiên nhậm chức, ông Trump đã vạch ra các kế hoạch nhằm giảm tình trạng mất cân bằng thương mại lâu năm của Mỹ. Ông nhận định, lâu nay việc không áp dụng thuế với hàng hóa nhập khẩu chính là trợ cấp mà Mỹ dành cho các quốc gia khác.

Nhà trắng cho biết, những quốc gia có thặng dư thương mại lớn và mức thuế quan cao nhất như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Liên minh châu Âu sẽ là mục tiêu áp dụng thuế quan đối ứng của Mỹ. Theo ông Trump, việc Mỹ áp dụng thuế quan đối ứng là nhằm chống lại các rào cản phi thuế quan như các quy định nặng nề, thuế giá trị gia tăng, trợ cấp từ chính phủ và chính sách tỷ giá hối đoái… Trong đó có thể kể tới quy định an toàn phương tiện tại một quốc gia, khu vực khiến ô tô của Mỹ không đáp ứng được tiêu chuẩn hay như mức thuế giá trị gia tăng cao chót vót khiến xe ô tô Mỹ bị đẩy lên cao.

Trên thực tế, thông báo thuế quan đối ứng của Tổng thống Trump được công bố một phần cũng để thúc đẩy đàm phán với các quốc gia khác. Nhà trắng cũng gợi mở về ưu đãi hạ thuế nếu các quốc gia khác hạ thuế quan xuống với hàng hóa của Mỹ.

Nỗi lo về một cuộc chiến tranh thương mại căng thẳng trên toàn cầu

Vì mục đích thúc đẩy tự do thương mại, bảo vệ doanh nghiệp nội địa cũng như duy trì quan hệ đồng minh, trong nhiều thập kỷ, Mỹ đã không áp thuế mạnh với các quốc gia. Tuy nhiên, dưới thời Tổng thống Trump, Mỹ đã thay đổi chính sách và áp thuế mạnh nhằm bảo hộ sản xuất nước nhà. Việc áp thuế đối ứng trước mắt có thể giúp giảm thâm hụt thương mại, đồng thời gia tăng nguồn thu cho chính phủ Mỹ nhưng kèm theo đó là những rủi ro cho nền kinh tế Mỹ cũng như mối quan hệ với các nước khác.

 Thuế quan đối ứng của Mỹ - lợi có, hại cũng có. Ảnh: Fox Business.

Thuế quan đối ứng của Mỹ - lợi có, hại cũng có. Ảnh: Fox Business.

Thuế quan tăng sẽ làm chi phí nhập khẩu và đẩy giá hàng hóa lên cao hơn. Người tiêu dùng Mỹ sẽ phải trả giá cao hơn cho các hàng hóa nhập khẩu trên mọi lĩnh vực. Về phía doanh nghiệp Mỹ, họ cũng sẽ phải đối mặt với những thách thức trong sản xuất và việc làm. Điển hình là chi phí tăng sẽ khiến cho xuất khẩu gặp khó khăn, gây tổn thất cho ngành và người lao động. Nếu cứ tiếp tục thì việc áp thuế lẫn nhau sẽ trở thành một vóng xoáy trả đũa liên tục không ngừng nghỉ, tạo tiền đề cho chiến tranh thương mại leo thang.

Bên cạnh đó, thị trường tài chính là một phần quan trọng của nền kinh tế Mỹ cũng bị biến động mạnh do tác động từ chiến tranh thương mại. Điều này sẽ khiến các nhà đầu tư lo ngại hơn.

Đi ngược lại với mục tiêu hòa bình, thuế quan đối ứng còn có thể tác động tiêu cực đến mối quan hệ quốc tế giữa Mỹ và các đối tác thương mại lớn như Trung Quốc, Liên minh châu Âu, Canada và Mexico. Thay vì phụ thuộc vào thị trường Mỹ như trước kia, các đối tác sẽ tìm kiếm đối tác mới phù hợp hơn với chính sách của nước họ.

Cát Ân

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/my-ky-sac-lenh-ap-thue-doi-ung-voi-cac-quoc-gia-khac-loi-hay-hai-nhieu-hon-96615.html
Zalo