Thuế quan đối ứng của Mỹ liệu có khởi đầu cho một cuộc chiến thương mại mới?

Tổng thống Donald Trump kêu gọi áp dụng thuế quan 'có đi có lại' với các đối tác thương mại của Mỹ, nhưng liệu đây là một lời mời đàm phán hay một sự đe dọa?

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu họp báo tại Nhà Trắng, Washington, D.C. (Nguồn: THX/TTXVN)

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu họp báo tại Nhà Trắng, Washington, D.C. (Nguồn: THX/TTXVN)

Kế hoạch áp dụng thuế quan đối ứng của Tổng thống Donald Trump đối với các đối tác thương mại của Mỹ có thể thúc đẩy một loạt các cuộc đàm phán và giúp giảm mức thuế cuối cùng.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo biện pháp này cũng có nguy cơ dẫn đến những động thái trả đũa đau đớn.

Phát biểu trước các phóng viên, ông Trump cho hay: “Đây là chính sách dành cho mọi quốc gia. Và về cơ bản, khi họ đối xử công bằng với chúng ta, chúng ta sẽ đối xử công bằng với họ."

Vậy chi tiết trong kế hoạch của ông là gì và nó có thể mang lại những hậu quả nào?

Thuế quan đối ứng là gì?

Thuế quan là các loại thuế đánh vào hàng hóa nhập khẩu từ một quốc gia khác.

Đối với thuế quan đối ứng, trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ năm 2024, ông Trump đã cam kết "ăn miếng trả miếng” cho các loại thuế áp lên hàng hóa Mỹ.

Một quan chức Nhà Trắng giấu tên nói với các phóng viên vào ngày 13/2 rằng không quan trọng đó là các đối thủ chiến lược như Trung Quốc hay các đồng minh như Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản hoặc Hàn Quốc.

Mỗi quốc gia đó đang lợi dụng nước Mỹ theo những cách khác nhau, và Tổng thống Trump mô tả điều này là sự thiếu hụt các động thái thương mại “có đi có lại."

 Cảng hàng hóa Long Beach, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Cảng hàng hóa Long Beach, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Thuế quan đối ứng có thể đồng nghĩa với tăng thuế đối với hàng nhập khẩu để phù hợp với mức mà các quốc gia khác áp dụng cho các sản phẩm của Mỹ. Các quan chức cho biết các loại thuế sẽ được áp dụng theo từng quốc gia.

Nhưng bên cạnh việc xem xét tỷ lệ thuế quan mà các quốc gia khác áp dụng cho hàng hóa của Mỹ, kế hoạch của ông Trump cũng sẽ xem xét các yếu tố phi thuế quan như thuế giá trị gia tăng (VAT).

Khi nào Mỹ sẽ áp dụng thuế quan này?

Hiện tại, ông Trump kêu gọi Bộ trưởng Thương mại, Đại diện Thương mại Mỹ, Bộ trưởng Tài chính và những bên khác cùng nghiên cứu vấn đề này và đề xuất các biện pháp khắc phục.

Ông Howard Lutnick, ứng cử viên cho chức Bộ trưởng Thương mại của Tổng thống Trump, cùng ngày 13/2 cho biết thuế quan có thể bắt đầu sớm nhất là vào ngày 2/4, sau khi các nghiên cứu về vấn đề này được hoàn thành.

Quan chức Nhà Trắng nói với các phóng viên rằng chính quyền sẽ bắt đầu bằng cách xem xét các quốc gia có thâm hụt thương mại cao nhất hoặc mất cân bằng nghiêm trọng nhất với Mỹ.

Quá trình này có thể mất vài tuần hoặc vài tháng. Thuế quan có thể được viện dẫn theo các quyền hợp pháp liên quan đến an ninh quốc gia, thương mại không công bằng hoặc quyền lực kinh tế khẩn cấp.

Bà Christine McDaniel, nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Mercatus, nhận định động thái này có vẻ giống như một “lời mời đàm phán” hơn.

Những nước nào có thể bị tác động mạnh?

Các nhà phân tích của ngân hàng JPMorgan dự đoán rằng thuế quan đối ứng có thể dẫn đến mức thuế chung cao hơn đối với các nền kinh tế mới nổi, những nước có mức thuế cao đối với các sản phẩm của Mỹ.

Nhà Trắng đã đề cập đến các quốc gia như Brazil và Ấn Độ khi công bố kế hoạch thuế quan mới nhất. Một ví dụ được đưa ra là Mỹ chỉ áp mức thuế 2,5% lên ethanol nhập khẩu, trong khi Brazil áp dụng mức thuế tới 18% đối với ethanol của Mỹ.

 Xe ôtô nhập khẩu chờ bốc dỡ tại cảng Long Beach, California, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Xe ôtô nhập khẩu chờ bốc dỡ tại cảng Long Beach, California, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Các quan chức cũng nhắm vào EU về mức thuế 10% đối với ôtô nhập khẩu, cao hơn nhiều lần so với mức thuế 2,5% của Mỹ. Nhưng các nhà phân tích cũng chỉ ra rằng Mỹ có mức thuế cao hơn đối với các sản phẩm khác như xe tải hạng nhẹ.

Khó khăn đối với phía Mỹ

Các nhà phân tích của ngân hàng Goldman Sachs trước đó cho biết việc sử dụng các khoản thuế đối ứng để giải quyết các vấn đề phi thuế quan như thuế VAT có thể làm tăng đáng kể mức thuế thực tế trung bình.

Các nhà phân tích tại tổ chức nghiên cứu quốc tế Tax Foundation lưu ý rằng VAT được điều chỉnh ở biên giới, có nghĩa là chúng hoàn thuế đối với hàng xuất khẩu và áp thuế đối với hàng nhập khẩu.

Dù chúng có vẻ trợ cấp cho hoạt động xuất khẩu và trừng phạt hàng nhập khẩu, loại thuế này là trung lập về thương mại.

Điều này có thể trở thành những khó khăn trong các cuộc đàm phán.

Ông Maurice Obstfeld, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE), cảnh báo rằng các quốc gia khác có thể trả đũa nếu ông Trump tăng gấp đôi những loại thuế khác nhau.

Theo ông, các quốc gia lớn càng mạnh tay trả đũa, càng nhiều quốc gia khác sẽ bị thu hút tham gia.

Việc Mỹ tăng thuế cũng sẽ dẫn đến chi phí cao hơn cho các nhà nhập khẩu của nước này.

Mục tiêu đằng sau những đe dọa

Chuyên gia Obstfeld của PIIE cho biết chính sách của ông Trump dường như đang hướng đến việc khiến các quốc gia "phân biệt đối xử có lợi cho Mỹ." Một ví dụ là khả năng Brazil giảm thuế đối với ôtô của Mỹ, nhưng vẫn giữ nguyên mức thuế đối với tất cả ôtô nhập khẩu từ nước khác.

Giới phân tích cũng lưu ý rằng có khả năng Tổng thống Mỹ sử dụng mối đe dọa thuế quan như một chiến thuật đàm phán. Điều này góp phần vào một tình huống sẽ tạo thêm gánh nặng lên các doanh nghiệp Mỹ và nước ngoài./.

(TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/thue-quan-doi-ung-cua-my-lieu-co-khoi-dau-cho-mot-cuoc-chien-thuong-mai-moi-post1012461.vnp
Zalo