Mỹ áp thuế đối ứng, Đông Nam Á sẽ bị ảnh hưởng mạnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký bản ghi nhớ để xác định mức thuế đối ứng với các đối tác thương mại của Mỹ, theo đó, các nước Đông Nam Á có thể sẽ bị ảnh hưởng mạnh mẽ nhất.
Thuế đối ứng là gì?
Ngày 13.2, Tổng thống Donald Trump đã ký văn bản yêu cầu chính quyền của ông xác định “mức thuế đối ứng với từng đối tác thương mại nước ngoài”, theo đó, Mỹ sẽ áp đặt thuế quan đối với các quốc gia khác tương ứng với mức thuế mà họ áp đặt đối với hàng hóa của Mỹ.
Khi được hỏi về mốc thời gian áp dụng các mức thuế mới, một quan chức Washington cho hay kế hoạch này sẽ diễn ra theo đợt, bắt đầu với các quốc gia có thâm hụt thương mại cao nhất với Mỹ. Tuy nhiên, Trump vẫn công bố rõ chi tiết của kế hoạch này, bao gồm danh sách các nước bị nhắm đến và các tiêu chí áp dụng.
Các chuyên gia cho rằng, thuế đối ứng có thể tác động mạnh nhất đến các quốc gia đang phát triển - bao gồm Ấn Độ, Brazil và các quốc gia Đông Nam Á. Ấn Độ và Thái Lan được xem là những quốc gia dễ bị tổn thương nhất trước chính sách thuế đối ứng của Mỹ. Hai quốc gia này có mức thuế trung bình áp lên hàng hóa Mỹ cao hơn đáng kể so với thuế mà Mỹ đang áp dụng với họ, theo nhiều phân tích về kịch bản thuế tương đương.
Các quan chức Mỹ cho biết họ hy vọng động thái này sẽ khơi dậy các cuộc thảo luận giữa các quốc gia, đồng thời nói thêm Tổng thống Trump sẵn sàng giảm thuế nếu các quốc gia khác cũng làm như vậy.
"Các nền kinh tế mới nổi châu Á có mức thuế tương đối cao hơn đối với hàng xuất khẩu của Mỹ và do đó có nguy cơ đối mặt với thuế đối ứng cao hơn", các chuyên gia của Nomura Holdings nhận định trong báo cáo gửi khách hàng. "Chúng tôi kỳ vọng các nền kinh tế châu Á sẽ đẩy mạnh đàm phán với Trump".
Chênh lệch thuế quan giữa Mỹ và các nước châu Á
Theo phân tích của Maeva Cousin thuộc Bloomberg Economics, mức thuế trung bình mà Ấn Độ áp lên hàng nhập khẩu từ Mỹ cao hơn tới 10 điểm phần trăm so với thuế của Mỹ đối với hàng hóa Ấn Độ. George Saravelos của Deutsche Bank cũng lưu ý rằng nếu xét theo nghĩa rộng hơn về "đối ứng", bao gồm cả thặng dư thương mại với Mỹ hoặc thuế đối với công ty Mỹ, tác động có thể còn lớn hơn với tất cả các quốc gia.

Chênh lệch thuế quan giữa Mỹ với các đối tác thương mại
Các nhà phân tích tại Morgan Stanley dự báo Ấn Độ và Thái Lan có thể đối mặt với mức tăng thuế từ 4-6 điểm phần trăm nếu Mỹ quyết định thu hẹp chênh lệch thuế quan. Tuy nhiên, họ cho rằng Ấn Độ vẫn có cơ hội giảm thiểu tác động thông qua việc tăng mua thiết bị quốc phòng, năng lượng và máy bay của Mỹ.
Mức độ tác động sẽ phụ thuộc vào chi tiết chính sách cuối cùng, bao gồm việc chính quyền Trump sẽ nhắm vào mức thuế trung bình quốc gia, các ngành công nghiệp riêng lẻ hay xem xét thêm các yếu tố khác. Trong một số trường hợp, dù mức thuế tổng thể của một quốc gia đối với hàng hóa Mỹ tương đối thấp, nhưng có thể rất cao với một số mặt hàng cụ thể như ô tô hoặc nông sản.
"Các hành động thuế quan đã quyết liệt hơn nhiều" so với cuộc chiến thương mại giai đoạn 2018-2019, Morgan Stanley nhận định. Họ cảnh báo căng thẳng thương mại có thể tiếp tục leo thang, và "những diễn biến trong tuần này có thể đã nâng mức độ rủi ro đó lên thêm một bậc nữa".
Ông Trump trước đó đã công bố thuế quan bổ sung đối với Trung Quốc, Mexico và Canada. Trong khi mức thuế 10% đối với Trung Quốc đã được áp dụng, Tổng thống Trump tạm dừng áp thuế 25% đối với Canada và Mexico. Ông cũng công bố mức thuế 25% đối với thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ, dự kiến có hiệu lực vào tháng tới.
Nhiều nhà kinh tế cảnh báo thuế quan có thể sẽ làm tăng giá hàng hóa đối với người tiêu dùng ở Mỹ, đồng thời làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát. Tổng thống Trump thừa nhận "giá cả có thể tăng trong thời gian ngắn" do thuế quan nhưng theo sau đó là số lượng việc làm dành cho người Mỹ cũng tăng lên. Ông trấn an: “Có thể có một số xáo trộn ngắn hạn nhưng về lâu dài, nó sẽ làm cho đất nước chúng ta trở nên thịnh vượng”.