Quốc hội thông qua Nghị quyết về cơ chế đặc biệt đầu tư Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận

Sáng nay (19/2), Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt nhằm đầu tư xây dựng Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận.

Với tổng vốn đầu tư 16 tỷ USD (tương đương 400.000 tỷ đồng), đây là dự án năng lượng lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam, được kỳ vọng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và hỗ trợ phát triển kinh tế bền vững.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Dự án bao gồm hai nhà máy điện hạt nhân, mỗi nhà máy có hai tổ máy với tổng công suất 4.400 MW, dự kiến cung cấp 30 tỷ kWh điện/năm, chiếm hơn 10% tổng sản lượng điện quốc gia. Hai nhà máy này được xây dựng trên tổng diện tích 443 ha, trong đó Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 đặt tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam có công suất 2.200 MW, sử dụng công nghệ lò phản ứng nước áp lực (PWR) đạt tiêu chuẩn an toàn quốc tế; còn Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 2 được xây dựng tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải cũng có công suất 2.200 MW, áp dụng công nghệ tiên tiến, có khả năng chịu động đất và sóng thần.

Theo kế hoạch, dự án sẽ được hoàn thành vào năm 2035, giúp Việt Nam giảm đáng kể lượng khí thải CO₂, đồng thời đáp ứng nhu cầu điện năng ngày càng tăng trong bối cảnh kinh tế phát triển nhanh chóng.

Nhằm đảm bảo tính khả thi tài chính, Quốc hội đã phê duyệt hàng loạt cơ chế đặc thù để hỗ trợ thu xếp vốn. Trong đó, 85% vốn đầu tư là vốn vay ODA, phần còn lại từ nguồn vốn trong nước và các khoản huy động khác.

Chủ đầu tư được phát hành trái phiếu chính phủ, trái phiếu công trình với sự bảo lãnh của Nhà nước, đồng thời tổng mức dư nợ vay không bị giới hạn theo Luật Quản lý nợ công, đảm bảo dự án có đủ nguồn tài chính trong suốt quá trình triển khai.

Đặc biệt, các ngân hàng thương mại trong nước có thể cấp tín dụng vượt giới hạn mà không bị áp dụng các quy định về tổng mức dư nợ cấp tín dụng.

Một điểm đáng chú ý là Chính phủ được phép tăng vốn điều lệ của chủ đầu tư từ nguồn đánh giá lại tài sản các nhà máy điện BOT và thủy điện đa mục tiêu, giúp tăng cường tiềm lực tài chính và đảm bảo tiến độ thực hiện dự án.

Nhằm rút ngắn thời gian triển khai, Quốc hội đã trao quyền cho Chính phủ thực hiện song song quá trình đàm phán với các đối tác quốc tế về hợp tác xây dựng và cấp tín dụng, trong khi vẫn tiến hành các bước phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Bên cạnh đó, cơ chế chỉ định thầu rút gọn cũng được áp dụng nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án, đặc biệt là đối với hợp đồng chìa khóa trao tay xây dựng nhà máy chính, trong đó nhà thầu quốc tế sẽ chịu trách nhiệm từ thiết kế, thi công, cung cấp nhiên liệu, bảo dưỡng đến vận hành trong 5 năm đầu.

Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận không chỉ có ý nghĩa chiến lược về năng lượng, mà còn mang lại những lợi ích to lớn cho tỉnh Ninh Thuận, nơi chịu ảnh hưởng trực tiếp từ quá trình xây dựng và vận hành nhà máy. Quốc hội đã thông qua nhiều chính sách ưu đãi đặc biệt để hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội địa phương, trong đó 70% số tăng thu từ dự án sẽ được bổ sung vào ngân sách tỉnh.

Bên cạnh hỗ trợ tài chính, chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư cũng được áp dụng với hệ số cao hơn 1,5 lần so với quy định hiện hành nhằm đảm bảo cuộc sống tốt nhất cho người dân sau khi di dời.

Với quy mô đầu tư lớn và tác động kinh tế - xã hội sâu rộng, Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận sẽ được giám sát chặt chẽ bởi Tổ công tác liên ngành, bao gồm Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước.

Việc Quốc hội thông qua Nghị quyết này không chỉ đánh dấu sự trở lại của điện hạt nhân sau nhiều năm trì hoãn, mà còn thể hiện tầm nhìn chiến lược trong phát triển ngành năng lượng. Với tổng vốn đầu tư dự kiến 16 tỷ USD, quy mô 4.400 MW, các chính sách tài chính linh hoạt và sự giám sát chặt chẽ từ nhiều cơ quan chức năng, Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận hứa hẹn sẽ trở thành một trong những công trình mang tính bước ngoặt, đưa Việt Nam tiến gần hơn tới mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển bền vững.

Cũng trong sáng nay, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi); biểu quyết thông qua Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.

Sau đó, Quốc hội họp riêng biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về phương án đầu tư bổ sung vốn điều lệ giai đoạn 2024-2026 của Công ty mẹ - Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và một số cơ chế, giải pháp cấp bách cần thiết để triển khai dự án cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, xây mới Trụ sở làm việc cơ quan Chủ tịch nước tại số 2 Lê Thạch, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Trần Hương

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/quoc-hoi-thong-qua-nghi-quyet-ve-co-che-dac-biet-dau-tu-du-an-dien-hat-nhan-ninh-thuan-160614.html
Zalo