Muôn nẻo đường đi (Bài 1): Hành trình về phương Nam

Trên bước đường mưu sinh, có nhiều sự lựa chọn, như những lao động trong bài viết này, có người ở lại quê nhà làm việc cũng có người 'lạc nghiệp' ở vùng đất khác... Và họ, dù ở bất cứ môi trường làm việc nào, trên công trường hay trong nhà máy,... đều không ngừng nỗ lực để có cuộc sống tốt hơn...

Gia đình anh Lê Văn Thao, quê ở xã Định Long, huyện Yên Định chờ tàu trở lại tỉnh Phú Yên làm việc.

Gia đình anh Lê Văn Thao, quê ở xã Định Long, huyện Yên Định chờ tàu trở lại tỉnh Phú Yên làm việc.

Những năm gần đây, lao động nông thôn tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã rời quê hương, tìm kiếm việc làm. Đằng sau câu chuyện ly hương, vẫn còn đó những nỗi niềm...

Nỗi niềm người đi

Sáng sớm mùng 2 Tết Ất Tỵ 2025, sau khi thắp nén hương lên bàn thờ gia tiên, chị Cao Thị Huỳnh, 35 tuổi ở khu Khằm, thị trấn Hồi Xuân (Quan Hóa) vội vàng xách vali đón xe xuống huyện Bá Thước để tiếp tục bắt xe vào tỉnh Bình Dương.

Lý do chị đi từ mùng 2 mà không chờ hết kỳ nghỉ tết vì “nếu để đến mùng 4 hay mùng 5 thì rất vất vả. Trước đây, tôi thường đi vào ngày mùng 4 nhưng xe đông quá, đi cả chặng dài rất mệt".

Đã 9 năm nay, chị Huỳnh thường xuyên phải tất tả đi về trong dịp tết. Hiện chị đang làm công nhân tại Công ty Wanek đóng tại TP Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Thường vé xe cả chiều đi lẫn về là 5 triệu đồng, tính ra hết gần nửa tháng lương.

Ngoài chị Huỳnh, trong gia đình còn có cậu em trai là Cao Văn Huyên và em dâu Lương Thị Huyên. Ba người cùng thuê nhà ở tại phường Hòa Lợi, TP Bến Cát và làm cùng công ty. “3 người thì chi phí đỡ tốn kém, nương tựa được nhau lúc ốm đau. Vì thế mà tôi tằn tiện mỗi tháng gửi về nhà được khoảng 4 triệu đồng”, chị Huỳnh cho biết thêm.

Để có thêm tiền, chị Huỳnh còn đăng ký làm ca đêm. "Nhiều lần bố mẹ cũng khuyên tôi nên về trong tỉnh hoặc các tỉnh lân cận làm cho gần, mà tôi ở trong này quen rồi, thu nhập cũng ổn định. Nhưng có lẽ tôi cũng phải tính về gần để còn chăm sóc bảo ban con. Vợ chồng ly hôn, con trai năm nay gần 16 tuổi, bố mẹ cũng đã già”.

Là người trực tiếp làm các thủ tục, thu thập số liệu tại thị trấn Hồi Xuân, chị Trần Thị Thu Hà, công chức văn phòng - thống kê cho biết: "Tính chung trên địa bàn huyện Quan Hóa có 4.260 lao động đi làm ăn xa, trong đó thị trấn Hồi Xuân có số lượng đông nhất. Nhờ lực lượng này mà đời sống của gia đình họ ở quê có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, hệ lụy cũng không ít, cụ thể là tình trạng ly hôn đang có chiều hướng gia tăng, nhất là ở các cặp vợ chồng trẻ".

Tính đến đầu năm 2025, trên địa bàn huyện Như Xuân có tổng 1.130 người đi xuất khẩu lao động và 2.686 người lao động ở ngoài tỉnh. Anh Vi Văn Vững, bí thư kiêm trưởng thôn Lâm Chính, xã Thanh Xuân, cho biết: "Thôn có 172 hộ với 728 khẩu. Hiện tại, trong thôn có hơn 40 lao động đi làm ăn xa và đều gửi tiền về cho gia đình ở nhà nên cũng giúp cuộc sống những người ở quê đỡ vất vả hơn".

Mong muốn kiếm được tiền gửi về đỡ đần cho gia đình là lý do chính để Hà Văn Mạnh, người dân ở thôn Lâm Chính quyết định vào tỉnh Bình Dương lao động. Sinh năm 1991, Hà Văn Mạnh có 8 năm làm việc cho Công ty CP Thực phẩm Cholimex (Cholimex food) có địa chỉ tại Khu Công nghiệp Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh (TP Hồ Chí Minh). Hiện tại anh đang làm ở bộ phận sản xuất và chế biến nước tương. Chia sẻ với chúng tôi, Hà Văn Mạnh cho biết: "Trừ hết mọi khoản chi tiêu, mỗi tháng tôi tiết kiệm khoảng 3 - 4 triệu đồng gửi về gia đình. Thu nhập chưa cao nhưng so với ở nhà thì hơn hẳn".

Tết Ất Tỵ này với vợ chồng chị Nguyễn Thị Thơm (Thường Xuân), hiện đang là công nhân Công Ty TNHH Nissey Việt Nam - KCX Tân Thuận, quận 7 (TP Hồ Chí Minh) may mắn hơn khi anh chị đăng ký tuyến xe Thanh Hóa trong chương trình “Chuyến xe mùa xuân” và được chấp thuận. Chị Thơm phấn chấn: “Rất vui vì nhờ chuyến xe này mà chúng tôi có một cái tết nơi quê nhà ấm áp hơn...".

Trên nẻo đường mưu sinh, với mỗi người lao động, dịp tết đến, xuân về, điều mong ước lớn nhất là được sum họp cùng gia đình. Rời quê hương, họ những mong có cuộc sống tốt đẹp hơn...

Và mong muốn của người ở lại

Bí thư kiêm trưởng thôn Lâm Chính, xã Thanh Xuân (Như Xuân) Vi Văn Vững, cho biết: “Tìm một công việc hiện nay không quá khó. Không chỉ có các doanh nghiệp lớn mà các doanh nghiệp nhỏ như gia đình tôi cũng có lúc rất cần người lao động”. Được biết, từ đầu năm 2024, gia đình anh Vi Văn Vững đã thành lập Công ty TNHH Phúc Quang, sản xuất túi cho Công ty CP CASLA ở tỉnh Hà Nam. Mở rộng xưởng, đầu tư gần 25 máy may, hiện doanh nghiệp này thường xuyên tạo việc làm cho 25 công nhân, lao động với mức lương từ 4,5 đến 7 triệu đồng/người/ tháng.

Sau Tết Nguyên đán, nhiều người lại khăn gói lên đường vào miền Nam lao động và làm việc.

Sau Tết Nguyên đán, nhiều người lại khăn gói lên đường vào miền Nam lao động và làm việc.

“Thời điểm sau tết, thôn chỉ còn người già và trẻ nhỏ. Phần lớn những người trong độ tuổi lao động đều đi làm ăn xa. Có người đi cả chục năm nay rồi”, ông Lò Đình Nhân (67 tuổi), một người dân trong thôn Lâm Chính chia sẻ.

Đến Ga Thanh Hóa những ngày sau tết, tấp nập người ra Bắc vào Nam, chúng tôi được gặp gia đình anh Lê Văn Thao ở xã Định Long (Yên Định). Hiện anh là giảng viên Trường Đại học Xây dựng miền Trung ở TP Tuy Hòa (Phú Yên). Vợ chồng anh cùng hai cô con gái lỉnh kỉnh nào vali, túi xách, mấy thùng quà quê. Anh Thao cho biết: "Khi về thì vui vẻ, lúc đi thì lo lắng. Thương bố mẹ già, cả năm chỉ chờ con cháu về nhà đông đủ...".

Lời hẹn của những người con, sự mong ngóng của những người bà, người mẹ... Hành trình mưu sinh còn khá dài, có người đi để trở về, có người đi để lập nghiệp, gọi nơi mình công tác là quê hương thứ hai, song dù đi đâu, về đâu, quê nhà vẫn là điểm tựa, là sự ngóng trông.

Bài và ảnh: CHI ANH

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/muon-neo-duong-di-bai-1-nbsp-hanh-trinh-ve-phuong-nam-35544.htm
Zalo