Cổ phiếu âm thầm lập đỉnh, May Sông Hồng kinh doanh thế nào
Không rầm rộ với những phiên tăng trần liên tục nhưng cổ phiếu MSH của CTCP May Sông Hồng cũng đã âm thầm 'leo' lên đỉnh trong đầu năm 2025.
Mã kết phiên 18/2 ở mức giá 60.200 đồng/cp - cao nhất lịch sử niêm yết, tăng 25% trong 1,5 tháng qua. Còn so với thời điểm cuối tháng 10/2024, mã đã tăng hơn 40%.

Xưởng sản xuất của May Sông Hồng. Ảnh: MSH
May Sông Hồng tiền thân là Xí nghiệp May 1/7, trực thuộc Nhà nước; đổi tên thành Công ty May Sông Hồng năm 1993. Năm 2004, công ty cổ phần hóa và niêm yết trên sàn HoSE từ tháng 11/2018.
May Sông Hồng là một trong những nhà máy sản xuất hàng may mặc xuất khẩu và chăn ga gối đệm lớn. Tại thời điểm cuối năm 2024, vốn điều lệ của công ty đạt 750 tỷ đồng. Trong cơ cấu cổ đông, gia đình Chủ tịch Bùi Đức Thịnh nắm giữ số cổ phần lớn nhất với tỷ lệ gần 43%. CTCP Chứng khoán FPT (FPTS) cũng đang là cổ đông lớn tại doanh nghiệp với tỷ lệ sở hữu 12,79%.
Cổ phiếu của May Sông Hồng lập đỉnh lịch sử trong bối cảnh công ty vừa trải qua một năm kinh doanh đại thắng. Cụ thể, năm 2024, MSH mang về doanh thu thuần 5.280 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2023 (YoY); lợi nhuận sau thuế đạt gần 440 tỷ đồng, tăng 80% YoY. Lợi nhuận tăng trưởng mạnh hơn doanh thu chủ yếu nhờ biên lợi nhuận gộp mở rộng, từ mức 12,4% của cùng kỳ lên 16%.
Thị trường xuất khẩu chính của MSH là Mỹ, chiếm khoảng 80% tổng doanh thu xuất khẩu. Từ tháng 9/2024 đến nay, tỷ giá USD/VND liên tục tăng mạnh, dao động gần mức trần do Ngân hàng Nhà nước quy định. Việc đồng USD mạnh lên giúp MSH hưởng lợi nhờ nguồn thu bằng ngoại tệ cao hơn, qua đó hỗ trợ biên lợi nhuận của doanh nghiệp.
Kết quả kinh doanh của May Sông Hồng còn được sự hỗ trợ lớn của doanh thu tài chính, với hơn 210 tỷ đồng trong năm 2024, tăng 10% YoY. Trong đó, 117 tỷ đồng là lãi từ tiền gửi và hơn 93 tỷ đồng là lãi chênh lệch tỷ giá.
Tại thời điểm cuối năm 2024, doanh nghiệp có hơn 1.500 tỷ đồng tiền mặt, chủ yếu dưới dạng tiền gửi, chiếm 34% tổng tài sản. Trong khi đó, vay nợ tài chính ở mức hơn 1.400 tỷ đồng và công ty phải trả hơn 53 tỷ đồng tiền lãi vay trong năm vừa qua.
Tiếp đà tích cực năm 2024, May Sông Hồng tiếp tục đặt mục tiêu lợi nhuận tăng trưởng hai con số trong năm 2025. Cụ thể, theo nghị quyết HĐQT ngày 17/2/2025, doanh nghiệp lên kế hoạch doanh thu năm nay đạt 5.500 tỷ đồng, tăng hơn 4% YoY; lợi nhuận trước thuế đạt 600 tỷ đồng, tăng 11% YoY.
Kế hoạch kinh doanh sẽ được MSH trình ĐHĐCĐ thường niên năm 2025, dự kiến tổ chức vào ngày 26/4/2025. Ngày chốt danh sách cổ đông tham dự đại hội là 25/3 tới đây.
Tại đại hội, May Sông Hồng cũng sẽ trình cổ đông thông qua việc miễn nhiệm vị trí thành viên HĐQT của ông Bernard Szeto W.K, theo đơn từ nhiệm ngày 12/2/2025. Ông Bernard Szeto W.K sinh năm 1968, quốc tịch Hong Kong (Trung Quốc) và được bầu vào vị trí thành viên HĐQT độc lập của May Sông Hồng từ ngày 27/4/2024.
Ngoài ra, doanh nghiệp còn dự kiến trình cổ đông phương án tăng vốn điều lệ năm 2025 qua phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu (tỷ lệ 2:1) và nhiều nội dung quan trọng khác.
May Sông Hồng có lịch sử trả cổ tức đều đặn với tỷ lệ khá cao. Cuối năm 2024, doanh nghiệp đã tạm ứng cổ tức năm 2024 cho cổ đông với tỷ lệ 35% bằng tiền mặt. Năm 2022 và 2023, tỷ lệ cổ tức đều là 25% bằng tiền mặt. Năm 2018 - 2021, tỷ lệ cổ tức tiền mặt mỗi năm từ 30-45%. Năm 2021, công ty còn trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 2:1.