Đẩy mạnh phát triển khu công nghiệp xanh
Vốn FDI liên tục gia tăng, các doanh nghiệp nước ngoài sẽ có nhu cầu cao về nhà xưởng, kho bãi để phục vụ hoạt động sản xuất và kinh doanh. Do đó, bất động sản công nghiệp tiếp tục được dự báo là một điểm sáng thu hút các nhà đầu tư trên thị trường Việt Nam, nhất là khu công nghiệp (KCN) xanh.
Theo Báo cáo Triển vọng vùng năm 2025, khu vực châu Á – Thái Bình Dương của Công ty Dịch vụ Bất động sản Knight Frank, Việt Nam vươn lên thành 1 trong 3 thị trường mới nổi dẫn đầu trong năm 2025, bên cạnh Ấn Độ và Indonesia về tốc độ phát triển công nghiệp và đầu tư. Vì vậy, thị trường bất động sản Việt Nam ghi nhận kết quả ấn tượng trong năm 2024, trong đó có phân khúc bất động sản KCN. Tuy nhiên, yêu cầu thực tế đang đòi hỏi phải phát triển được các KCN xanh.
Các chuyên gia nhận định, trong bối cảnh công nghiệp xanh ngày càng được chú ý thì chứng chỉ KCN xanh như LEED, EDGE, Green Mark... sẽ giúp doanh nghiệp có định hướng rõ ràng hơn trong quá trình chuyển đổi. Chứng chỉ đánh giá các KCN xanh dựa trên nhiều tiêu chí, từ hiệu quả sử dụng năng lượng, tiết kiệm nước, cho đến giảm thiểu chất thải và khí thải. Tại Việt Nam, mô hình KCN sinh thái, KCN xanh được hình thành từ năm 2014 với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế.
Đánh giá về tỷ lệ lấp đầy của các KCN, đại diện Công ty Dịch vụ Bất động sản Knight Fank cho rằng, tỷ lệ lấp đầy KCN của cả nước đều ở mức trên 80% trong năm 2024. Do sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực thương mại điện tử và sự dịch chuyển sản xuất từ các công ty vừa và nhỏ của Trung Quốc và châu Âu vào Việt Nam. Trong thời gian tới, các dự án tuân thủ tiêu chuẩn ESG và các sản phẩm hỗn hợp dự kiến sẽ tăng trưởng tốt. “Dự kiến trong năm 2025, nhu cầu về nhà kho và nhà xưởng xây sẵn sẽ vẫn tiếp tục mạnh mẽ, nhờ vào làn sóng dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc và các hỗ trợ từ Chính phủ đối với sản xuất và thương mại nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8%”, ông Sơn Hoàng - Phó Giám đốc bộ phận Tư vấn và Định giá Knight Frank Việt Nam nói.
Trong khi đó, ông Lê Đình Chung - thành viên Tổ công tác nghiên cứu thị trường, Hiệp hội Môi giới Bất động sản Việt Nam chỉ ra những thách thức mà phân khúc này đang gặp phải. Theo ông Chung, thị trường bất động sản Việt Nam đang dần phục hồi nhưng từng phân khúc vẫn đối mặt với những thách thức riêng. Phân khúc bất động sản công nghiệp tiếp tục duy trì sức “nóng” với số lượng dự án mới được triển khai tăng trưởng mạnh, cùng nguồn vốn FDI ngày càng dồi dào. Tỷ lệ lấp đầy các KCN đã đi vào hoạt động vẫn duy trì mức tăng ổn định, đạt khoảng 75%. Trong đó, các tỉnh trọng điểm phía Bắc đạt 82% và các tỉnh trọng điểm phía Nam đạt 92%. “Tỷ lệ lấp đầy các KCN đã thành lập vẫn khó bật tăng do cung - cầu chờ nhau. Thách thức của phân khúc này còn đến từ yêu cầu xanh hóa các KCN đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các nhà đầu tư và định hướng phát triển bền vững của đất nước” - ông Chung bày tỏ.
Việt Nam đặt mục tiêu trở thành một quốc gia phát triển vào năm 2045 và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Các KCN xanh ở Việt Nam có lợi thế hơn so với KCN truyền thống nhờ được ưu tiên hỗ trợ về công nghệ, xuất khẩu, thương hiệu, chuỗi giá trị và vay ưu đãi theo Nghị định 35/2022/NĐ-CP. Thế nhưng, hiện nay số KCN sinh thái, KCN xanh chiếm tỷ lệ rất ít trên tổng số hơn 400 KCN tại Việt Nam. Số lượng còn hạn chế nhưng nhu cầu với loại hình bất động sản này trên đà tăng trưởng, cho thấy việc phát triển các KCN xanh hiện đang ở thời kỳ đầu và là câu chuyện dài hạn.