Mục tiêu tăng trưởng 8% là một thách thức lớn nhưng cũng có nhiều cơ hội
Thảo luận ở tổ về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 chiều 14/2, nhiều đại biểu đồng tình với với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên. Các ý kiến đại biểu cho rằng, mục tiêu tăng trưởng 8% là một thách thức lớn nhưng cũng có nhiều cơ hội để đạt được…
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_59_51479020/d69da9fa9bb472ea2ba5.jpg)
Đại biểu Tạ Đình Thi tán thành dự thảo nghị quyết về việc bổ sung kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, đồng thời nhấn mạnh rằng mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 8% là hết sức cần thiết trong bối cảnh nguy cơ tụt hậu hiện hữu. Ông cho rằng để thực hiện được mục tiêu này, các giải pháp đã được đề cập trong nghị quyết, như hoàn thiện thể chế, phát triển kết cấu hạ tầng, cải cách thủ tục hành chính, và đẩy mạnh động lực tăng trưởng mới đều rất quan trọng và đồng bộ.
Tuy nhiên, ông Tạ Đình Thi nhấn mạnh rằng, yếu tố quan trọng nhất là cần phải xây dựng niềm tin của thị trường. Chỉ khi doanh nghiệp và người dân có niềm tin vào chính sách và thị trường, họ mới có động lực để đầu tư, mua sắm và thúc đẩy sự phát triển. Vì vậy, ông đề xuất bổ sung một giải pháp phát triển toàn diện các thị trường, đặc biệt là thị trường vốn, khoa học công nghệ, bất động sản và lao động, nhằm tạo ra một môi trường vững mạnh cho các doanh nghiệp và người dân tin tưởng.
Đại biểu Tạ Đình Thi cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác truyền thông và tuyên truyền trong việc giúp người dân và doanh nghiệp hiểu rõ các chính sách và nắm bắt cơ hội phát triển. Ông cho rằng cần phải có một chiến lược truyền thông hiệu quả để tạo sự đồng thuận trong xã hội và thúc đẩy sự tham gia của mọi tầng lớp trong việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội.
Ngoài ra, ông Tạ Đình Thi cũng đề xuất thúc đẩy đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng giao thông lớn, đặc biệt là tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Ông cho rằng, việc phát triển đường sắt có vai trò rất quan trọng đối với đất nước, giúp giảm chi phí vận tải và góp phần giảm giá thành sản phẩm, hàng hóa. Đại biểu Tạ Đình Thi khuyến nghị nên ưu tiên phát huy năng lực của các doanh nghiệp trong nước trong các dự án này, đặc biệt trong việc làm chủ công nghệ và tận dụng tối đa các nguồn lực trong nước.
Về việc tái khởi động dự án nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận, ông cho rằng đây là một dự án quan trọng, và để đạt được tiến độ xây dựng nhà máy vào năm 2030, Chính phủ cần tập trung giải phóng mặt bằng, hoàn thiện cơ chế chính sách và thúc đẩy đàm phán với các đối tác. Đại biểu Tạ Đình Thi cũng đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù để hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ và chuyển đổi số, nhằm thúc đẩy các công trình chiến lược quốc gia, trong đó có các dự án đường sắt và điện hạt nhân.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng nhấn mạnh rằng, mặc dù việc đạt được mức tăng trưởng này rất khó khăn, song đây chính là một quyết tâm mạnh mẽ để đưa nền kinh tế phát triển bứt phá. Ông cho rằng nếu không hoàn thành mục tiêu này vào năm 2025, kế hoạch phát triển cho giai đoạn 2026-2031 sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn. Việc đạt được mục tiêu này không chỉ là một chỉ tiêu đơn thuần, mà còn là sự khẳng định của quyết tâm quốc gia trong việc đối mặt với thách thức và tạo đột phá trong phát triển kinh tế.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí cũng đặc biệt nhấn mạnh vào năm nhóm giải pháp mà nghị quyết đưa ra, đặc biệt là nhóm thứ hai tập trung vào việc hoàn thiện kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ và hiện đại. Ông đặc biệt ấn tượng với các dự án lớn đang được triển khai, như sân bay Long Thành, các tuyến đường sắt quốc gia và sân bay Nội Bài. Những dự án này, mặc dù có khối lượng công việc đồ sộ, là yếu tố nền tảng quan trọng để tạo ra cơ sở vật chất cho nền kinh tế và giúp thúc đẩy tăng trưởng trong tương lai. Tuy nhiên, đại biểu nhấn mạnh rằng, các dự án này đòi hỏi sự quyết tâm cao và sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, từ Trung ương đến các địa phương. Nếu các dự án hạ tầng này được thực hiện thành công, khả năng đạt được các chỉ tiêu tăng trưởng sẽ trở nên khả thi.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng, để nền kinh tế có thể bứt phá và phát triển nhanh chóng, phải chú trọng vào các ngành công nghệ cao, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, và cải cách sáng tạo. Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về phát triển khoa học công nghệ, nếu thực hiện đúng đắn, các chương trình này sẽ không chỉ giúp tăng trưởng kinh tế mà còn nâng cao năng suất lao động, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Còn theo đại biểu Hoàng Văn Cường, mục tiêu tăng trưởng 8% là một thách thức lớn nhưng cũng có nhiều cơ hội để đạt được. Trước tiên, nền kinh tế đang trên đà phục hồi mạnh mẽ từ năm 2024 với tốc độ tăng trưởng liên tục qua các quý, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững. Bên cạnh đó, các nút thắt thể chế đã dần được tháo gỡ, đặc biệt trong lĩnh vực đất đai, đầu tư, tín dụng, tạo điều kiện cho tăng trưởng. Vị đại biểu thuộc đoàn Hà Nội kỳ vọng vào sự phục hồi của thị trường bất động sản, bởi đây là lĩnh vực có sức lan tỏa lớn, nếu được tháo gỡ sẽ đóng góp đáng kể vào nền kinh tế. Đồng thời, các lĩnh vực thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo, đang mở ra những cơ hội phát triển mạnh mẽ. Xuất khẩu cũng là một điểm sáng khi thị trường thế giới phục hồi, tạo động lực cho tăng trưởng.
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, ông cũng chỉ ra nhiều thách thức lớn. Thứ nhất, nền kinh tế đã đạt mức tăng trưởng 7,09% năm 2024 trên nền thấp của năm 2023, nhưng việc tiếp tục duy trì mức tăng trưởng cao hơn trên nền đã cao là rất khó khăn. Thứ hai, nguy cơ về chiến tranh thương mại và các biện pháp áp thuế từ Mỹ đối với hàng xuất khẩu Việt Nam đang gia tăng, đòi hỏi sự điều chỉnh linh hoạt trong chiến lược thương mại. Ngoài ra, năm 2025 là năm có nhiều nhiệm vụ trọng đại, từ tổ chức Đại hội Đảng, tái cơ cấu bộ máy hành chính đến chuẩn bị kế hoạch phát triển giai đoạn 2026-2030. Việc tập trung nguồn lực cho những nhiệm vụ này có thể ảnh hưởng đến sự vận hành trơn tru của nền kinh tế.
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, để đạt được mục tiêu tăng trưởng cần có giải pháp đồng bộ và quyết liệt. Trước tiên, cần tiếp tục tháo gỡ rào cản thể chế để hỗ trợ khu vực tư nhân, vì đây là động lực chính của nền kinh tế. Đồng thời, đầu tư công cần được phân bổ hiệu quả, không chỉ dừng lại ở hạ tầng mà phải thúc đẩy sản xuất, trong đó có các dự án đường sắt quan trọng như Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Đặc biệt là vai trò của chuyển giao công nghệ trong phát triển đường sắt, đảm bảo Việt Nam làm chủ công nghệ sản xuất để phục vụ nhu cầu nội địa và tiến tới xuất khẩu.
Bên cạnh đó, ông Cường quan tâm đến sự cần thiết của cơ chế đặc thù cho hệ thống đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Để các tuyến đường sắt này phát huy hiệu quả, cần phải hình thành mạng lưới đồng bộ, tập trung đầu tư trong thời gian ngắn. Ngoài ra, việc phát triển đường sắt đô thị phải gắn với chỉnh trang đô thị, khai thác quỹ đất dọc tuyến để tạo thêm nguồn lực. Quan trọng hơn, công nghệ sản xuất các tuyến đường sắt đô thị cần thống nhất với công nghệ trong nước, tránh tình trạng mỗi tuyến sử dụng một hệ thống khác nhau, gây khó khăn trong vận hành và phát triển công nghiệp đường sắt.
Ba đột phá chiến lược và ảnh hưởng đến tăng trưởng bền vững
Với 2 mục tiêu Đại hội Đảng 13 đặt ra khi kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng vào năm 2030 và 100 năm thành lập nước năm 2045, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, đây là 2 mục tiêu rất lớn phải thực hiện, trước bối cảnh tình hình trong nước và thế giới nhiều biến động như hiện nay, trước mong mỏi của nhân dân, yêu cầu của sự phát triển, khó khăn mấy cũng phải làm và làm phải thực chất hiệu quả.
Thủ tướng khẳng định, vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, hạnh phúc nhân dân, nên càng khó khăn, áp lực càng phải nỗ lực, đoàn kết thống nhất để thực hiện. Do đó, Chính phủ đã báo cáo Bộ Chính trị, Trung ương năm 2025 này với các mục tiêu phát triển cao hơn, cụ thể tăng trưởng 8% trở lên. Đây là mục tiêu rất lớn và thách thức khi bình quân thế giới dự báo chỉ trên 3%, Asean cũng chỉ phấn đấu 4-4,5%. Thủ tướng nhấn mạnh, để thực hiện được mục tiêu này phải tập trung vào nhiều giải pháp:
“Giải pháp là phải để không gian sáng tạo cho các chủ thể có liên quan, sáng tạo thực hiện mục tiêu tăng trưởng, tất cả phải vào cuộc, cả hệ thống chính trị; Tăng trưởng phải đưa tín dụng cao, kết hợp với chính sách tài khóa; giải pháp quan trọng nhất là hiệu quả đầu tư. Thứ 4 là giải pháp thúc đẩy đầu tư công. Thứ 5 là đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược, tháo gỡ thể chế, thúc đẩy hạ tầng, nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, đổi mới sáng tạo để tăng năng suất lao động, phát triển nhanh bền vững”, Thủ tướng phát biểu.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cho rằng, khâu thực hiện phải nhanh, kịp thời, tư tưởng thông, làm việc tập trung, không dàn trải, phân công rõ người, rõ việc, tăng cường giám sát kiểm tra, thúc đẩy tháo gỡ vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.