Siết lại quy định về thôi làm nhiệm vụ đại biểu Hội đồng nhân dân
Luật Tổ chức Chính quyền địa phương (sửa đổi) lần này xử lý như thế nào để tránh tình trạng người làm đại biểu HĐND theo kiểu 'vui thì ở'. Theo quan điểm cá nhân, ngoài vấn đề tự ý thức của đại biểu, quy định trong Luật vẫn là hành lang pháp lý quan trọng cần có theo hướng nên cắt bỏ quy định 'hoặc vì lý do khác' để tránh một quy định bị lợi dụng như thực tế đã từng xảy ra.
Tạo quyền chủ động, giải quyết vấn đề tâm lý
Dự thảo Luật Tổ chức Chính quyền địa phương (sửa đổi) trình Quốc hội vào ngày 12.2.2025 đã dành Điều 35 trong tổng số 50 điều quy định về: Thôi làm nhiệm vụ đại biểu, tạm đình chỉ, bãi nhiệm và mất quyền đại biểu HĐND. Cùng quy định về chế định này, Luật hiện hành ghi nhận tại Điều 101 trong tổng số 143 điều, sau rất nhiều quy định chi tiết về quyền, trách nhiệm của người đại biểu. Điều này cũng thể hiện những tiến bộ trong quan điểm và kỹ thuật lập pháp hiện nay.
Nhìn chung, quy định về thôi làm nhiệm vụ đại biểu có một điểm mới cơ bản, đó là vấn đề bắt buộc hay không bắt buộc. Nếu như theo quy định hiện hành, đại biểu HĐND không còn công tác và không cư trú tại đơn vị hành chính mà mình đang là đại biểu thì “phải” xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu và thực tế các nhiệm kỳ qua, trong trường hợp này, đại biểu sẽ làm đơn xin thôi làm nhiệm vụ. Dự thảo Luật hiện nay xử lý khoa học và hợp lý hơn theo hướng đây không phải là quyền hay nghĩa vụ của người đại biểu mà giao trách nhiệm cho HĐND xem xét, quyết định thôi làm nhiệm vụ đối với đại biểu HĐND.
![Quang cảnh Kỳ họp thứ 22, HĐND tỉnh Đồng Nai. Ảnh: T. Oanh](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_592_51481461/83e96bf459bab0e4e9ab.jpg)
Quang cảnh Kỳ họp thứ 22, HĐND tỉnh Đồng Nai. Ảnh: T. Oanh
Thiết nghĩ đây là một điểm mới rất tiến bộ, vừa tạo quyền chủ động cho HĐND, vừa giải quyết được vấn đề tâm lý của người đại biểu, bởi lẽ khi vận động ứng cử, ứng cử viên đã hứa và trình bày chương trình hành động nhưng sau đó vì lý do công tác hoặc cư trú, chính người đại biểu lại có đơn xin thôi. Về mặt tâm lý, tình cảm, trách nhiệm, việc này có vẻ chưa ổn và rất hay ở dự thảo lần này đã xử lý được vấn đề.
Nên cắt bỏ quy định “hoặc vì lý do khác”
Tuy nhiên, còn một vấn đề lớn hơn chưa được xử lý trong dự thảo. Theo báo cáo của Ban Công tác đại biểu vào các năm cuối nhiệm kỳ (2015, 2020), chỉ tính riêng HĐND các tỉnh, thành phố, nhân sự của HĐND có sự thay đổi giảm khá lớn, do công tác luân chuyển cán bộ và một số đại biểu đến tuổi nghỉ hưu. Theo dõi số lượng đại biểu HĐND cấp tỉnh so với đầu nhiệm kỳ, mỗi tỉnh đều giảm từ 5 - 10 đại biểu. Điều này Ban Công tác đại biểu đánh giá là ít nhiều ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND và các Ban HĐND. Riêng tỉnh Đồng Nai, nhiệm kỳ 2016-2021, đại biểu giảm 12%; nhiệm kỳ 2021 - 2026, đến tháng 2.2025 đã giảm 8/81 đại biểu (tỷ lệ 9,8%). Trong đó, có 7 đại biểu xin thôi làm nhiệm vụ (tỷ lệ 8,6%) và chắc chắn sau sắp xếp bộ máy và sau đại hội Đảng các cấp, con số này sẽ còn tăng nhiều.
Vậy lý do đại biểu thôi nhiệm vụ là gì ngoài việc “không còn công tác và không cư trú”?. Theo Luật, đó là “Vì lý do sức khỏe hoặc vì lý do khác”, mà lý do khác ở đây, thực tế chứng minh, hầu hết do đại biểu nghỉ hưu, xin thôi việc hoặc khi tái cử vào chức danh đang cơ cấu đại biểu HĐND nhưng không trúng cử.
Riêng với đại biểu nghỉ hưu, thiết nghĩ đây là vấn đề đại biểu đã biết trước thời gian nào mình nghỉ công tác và có thể chủ động được việc quyết định có hoặc không tham gia ứng cử đại biểu HĐND. Đại biểu HĐND tỉnh, huyện hầu hết là lãnh đạo ngành, địa phương, việc nghỉ hưu tất nhiên sẽ dẫn đến có nhiều thay đổi về vai trò, vị thế, điều kiện làm việc. Do đó, người ra ứng cử phải xác định rõ trách nhiệm đi đến cùng, làm tròn vai đại biểu HĐND của mình; nếu không xác định được, cần dũng cảm từ chối và giới thiệu người khác thay thế.
Vấn đề đặt ra từ những con số và thực tế nêu trên là Luật Tổ chức Chính quyền địa phương (sửa đổi) lần này xử lý như thế nào để tránh tình trạng người làm đại biểu HĐND theo kiểu “Vui thì ở”. Khi vận động ứng cử, dù công khai chương trình hành động nhưng chỉ cần cầm quyết định nghỉ hưu thì rất nhiều đại biểu đã quên những điều mình đã hứa để nghĩ đến lá đơn xin thôi làm nhiệm vụ đại biểu. Điều này ảnh hưởng đến quyền lợi được đại diện của cử tri, làm nặng thêm trách nhiệm của các đại biểu cùng đơn vị bầu cử và ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND. Và điều mất lớn nhất, đó là đại biểu đánh mất lời hứa với chính mình, mất lòng tin của những người đã tin tưởng mình.
Theo quan điểm cá nhân, để giải quyết vấn đề trên, ngoài vấn đề tự ý thức của người đại biểu thì quy định trong Luật vẫn là hành lang pháp lý quan trọng cần có theo hướng nên cắt bỏ quy định “hoặc vì lý do khác” để tránh một quy định bị lợi dụng như thực tế đã từng xảy ra.