Từ 'đỉnh cao', nghề môi giới chứng khoán tụt xuống 'vực sâu'
Dòng tiền 'tháo chạy' khỏi thị trường chứng khoán khiến thanh khoản suy giảm nghiêm trọng, biến nghề môi giới chứng khoán từ 'đỉnh cao' tụt xuống 'vực sâu'.
Dòng tiền 'tháo chạy'
Sau giai đoạn cực thịnh 2020 - 2021, thị trường chứng khoán Việt Nam chìm vào trạng thái trầm lắng, thanh khoản suy giảm nghiêm trọng dưới tác động của nền kinh tế đầy biến động và niềm tin nhà đầu tư dần lung lay.
Năm 2024, thanh khoản thị trường theo đó giảm sút, thậm chí lao xuống vùng thấp kỷ lục khiến chỉ số VN-Index khó vượt qua lực cản 1.300 điểm. Dòng tiền đã rút khỏi thị trường trước chính sách tiền tệ thắt chặt nhằm kiểm soát lạm phát, cộng hưởng với những bất ổn địa chính trị toàn cầu và sự phân hóa ngày càng lớn trong chất lượng doanh nghiệp niêm yết. Tâm lý thận trọng đang bao phủ tâm trí các nhà đầu tư.
![Trong giai đoạn đỉnh cao, một nhà môi giới chứng khoán có thể dễ dàng kiếm được từ 40-50 triệu/tháng (Ảnh minh họa)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_35_51481151/7b6e1b7c2932c06c9923.jpg)
Trong giai đoạn đỉnh cao, một nhà môi giới chứng khoán có thể dễ dàng kiếm được từ 40-50 triệu/tháng (Ảnh minh họa)
Hệ lụy tất yếu là các doanh nghiệp đối diện với khó khăn trong huy động vốn. Đặc biệt, nhóm công ty chứng khoán chịu tác động nặng nề khi doanh thu môi giới lao dốc khoảng 30% so với năm 2023, thậm chí thấp hơn nhiều so với giai đoạn hoàng kim 2020 - 2021.
Để thích ứng với thực tế khắc nghiệt, các công ty chứng khoán buộc phải triển khai loạt biện pháp cắt giảm chi phí, tối ưu hóa hoạt động. Một trong những chiến lược được áp dụng rộng rãi là điều chỉnh phí giao dịch về mức siêu thấp, có đơn vị đã chạm ngưỡng "0 đồng" nhằm kích cầu nhà đầu tư mua/bán chứng khoán. Trung bình, phí giao dịch năm 2024 đã giảm xuống còn 0,15% giá trị giao dịch, mức thấp chưa từng có trong lịch sử thị trường.
Môi giới thoái trào
Bên cạnh đó, công ty chứng khoán cũng tập trung giảm tải hệ thống nhân sự, tinh giản bộ máy, cắt giảm nhân sự để tối ưu chi phí vận hành. Đội ngũ môi giới, vốn đã chật vật khi thu nhập sụt giảm do phụ thuộc chủ yếu vào khối lượng giao dịch của khách hàng, nay lại càng lao đao trước cơn sóng cắt giảm nhân sự này.
Nếu như trong giai đoạn hoàng kim, một môi giới chứng khoán có thể dễ dàng thu nhập 40 - 50 triệu đồng/tháng nhờ hoa hồng giao dịch và các khoản thưởng hấp dẫn, thì hiện tại, con số này chỉ còn khoảng 12 - 13 triệu đồng, không đủ để duy trì mức sống tại các đô thị lớn như TP. Hồ Chí Minh hay Hà Nội.
Chẳng hạn như chị Kim Anh - nhân viên của một công ty chứng khoán tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, một năm qua, bản thân chị và gia đình gặp áp lực rất lớn khi phải trả góp hàng tháng cho căn hộ chung cư ở quận trung tâm. Phí sinh hoạt đắt đỏ, cộng thêm khoản lãi vay khiến thu nhập hiện tại của chị là hoàn toàn không đủ. Sau đó, chị buộc phải từ bỏ vị trí môi giới chính thức, chuyển sang làm cộng tác viên để tìm kiếm cơ hội khác, với mức lương tốt hơn.
Cảnh tượng môi giới chứng khoán "lũ lượt" rời đi cả chủ động lẫn bị động đã trở nên phổ biến trong năm qua. So với năm 2023, các công ty chứng khoán lớn như VNDirect, Chứng khoán SSI, Phú Hưng hay KB Việt Nam đều đã nói lời chia tay với hàng trăm nhân viên chính thức của mình, chưa kể số lượng lớn cộng tác viên môi giới cũng ùn ùn nghỉ việc.
Tuy nhiên, nhìn ở góc độ tích cực, đây cũng là thời điểm để ngành chứng khoán Việt Nam thanh lọc và nâng cao chất lượng. Các công ty chứng khoán có cơ hội tập trung vào những nhân sự thực sự có năng lực, từ đó cải thiện chất lượng dịch vụ. Đối với những môi giới quyết tâm gắn bó với nghề, việc nâng cao chuyên môn, kỹ năng là điều kiện tiên quyết để tồn tại và phát triển.
Chứng khoán, giống như mọi lĩnh vực khác, luôn ẩn chứa những cơ hội ngay cả trong giai đoạn khó khăn nhất – và những ai biết nắm bắt sẽ là những người đi tiếp trên hành trình này.
Năm 2024, thị phần giá trị môi giới có sự dịch chuyển đáng kể ở khu vực tầm trung. Top 5 vẫn thuộc về các "ông lớn" như Chứng khoán VPS, Chứng khoán SSI, TCBS, HSC và Vietcap. Còn VNDirect, FPTS lại tỏ ra lép vế với những đối thủ đang tăng trưởng nhanh là MBS, VCBS...