Thời đại công nghệ 4.0 mở ra nhiều ngành nghề mới
Thông qua các công nghệ như Internet vạn vật, AI, thực tế ảo hay điện toán đám mây… thế giới thực đang dần bị chuyển hóa thành thế giới số.
![Influencer là người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội, có thể kiếm tiền từ việc hợp tác trải nghiệm sản phẩm, dịch vụ… Ảnh minh họa: INT](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_181_51481451/db9a0f873dc9d4978dd8.jpg)
Influencer là người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội, có thể kiếm tiền từ việc hợp tác trải nghiệm sản phẩm, dịch vụ… Ảnh minh họa: INT
Từ đây, việc định hướng nghề trong cuộc cách mạng công nghiệp mới này cũng có những thay đổi rõ rệt.
Bước chuyển mình mạnh mẽ
Trong thời đại hiện nay, xu hướng của giới trẻ Việt Nam là không ngừng thay đổi và phát triển. Họ được biết đến là thế hệ năng động, sáng tạo và tràn đầy nghị lực. Họ không ngại đương đầu với thử thách, sẵn sàng học hỏi và đổi mới. Bên cạnh đó, việc tiếp cận và ứng dụng công nghệ đã trở thành ưu điểm không thể phủ nhận của những người trẻ trong thời đại 4.0.
Trước cơn bão công nghệ hóa, số hóa toàn cầu, hầu hết các lĩnh vực trong đời sống đều chịu tác động và thay đổi ít nhiều. Đã từng làm qua các công việc truyền thống, song chị Đinh Thị Thùy Dương (29 tuổi, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết, thời đại công nghệ 4.0 đã mở ra rất nhiều ngành nghề, cơ hội việc làm mới với mức thu nhập hấp dẫn. Được biết, trước đây chị Thùy Dương từng là giáo viên dạy múa.
Trong một lần tình cờ thử sức làm video ngắn đăng tải trên nền tảng mạng xã hội TikTok, chị Dương đã được nhiều người biết đến, từ đó một cơ hội mới đã mở ra cho nữ giáo viên trẻ. Nhận thấy tiềm năng lớn từ các nền tảng mạng xã hội trong thời đại số hóa, chị Thùy Dương đã dành thời gian nghiêm túc tìm hiểu về công việc này. Nhờ đó, chị đã trở thành một người có độ nhận diện và sức ảnh hưởng trên mạng xã hội. Hiện nay, Thùy Dương sở hữu kênh TikTok với hàng trăm nghìn lượt theo dõi và yêu thích.
“Thực ra khái niệm Influencer không mới, nó đã tồn tại khá nhiều năm về trước. Từ khi tôi còn nhỏ đã xem những ngôi sao mạng xã hội trên một số nền tảng như YouTube, Facebook… Song với sự bùng nổ của công nghệ số hiện nay, mạng xã hội đã gắn liền với đời sống của đa số người dân, cơ hội trở thành một người nổi tiếng trên mạng lớn hơn bao giờ hết. Từ đây, nhiều cơ hội hợp tác với các nhãn hàng, cơ hội kiếm tiền mở ra với tôi.
Đến đầu năm 2023, tôi nghỉ hẳn việc dạy múa để tập trung phát triển thương hiệu cá nhân. Tôi cho rằng, trong tương lai những ngành nghề sử dụng công nghệ 4.0, liên quan tới lĩnh vực truyền thông, tài chính, công nghệ thông tin… sẽ phát triển và trở thành xu thế tất yếu”, chị Thùy Dương chia sẻ.
![Ảnh minh họa về điện toán đám mây. Ảnh: INT](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_15_181_51481451/d7a602bb30f5d9ab80e4.jpg)
Ảnh minh họa về điện toán đám mây. Ảnh: INT
Thời cơ song hành thách thức
Không thể phủ nhận cuộc cách mạng 4.0 đã đem lại nhiều cơ hội, nhưng bên cạnh đó nó cũng đem lại không ít thách thức. Chị Đinh Thị Thùy Dương cho biết, nghề của chị nếu muốn giữ được sức “nóng” trong thời buổi mạng xã hội bão hòa như hiện nay thì cần không ngừng học hỏi, đặc biệt phải luôn chú trọng trau dồi những kỹ năng về công nghệ.
“Hiện nay, những phát minh công nghệ ra đời từng tuần, từng ngày, từng giờ, thậm chí từng giây. Mỗi phát minh nhỏ có thể không thu hút được sự chú ý của mọi người. Thực tế, từng phát minh nhỏ kết hợp sẽ đem đến những phát minh bùng nổ, có sức ảnh hưởng mạnh mẽ. Nếu không liên tục cập nhật xu hướng, tìm hiểu và trau dồi, sẽ rất dễ bị bỏ lại trong cuộc đua công nghệ số. Không chỉ thường xuyên cập nhật mà còn phải sử dụng thành thạo những kỹ năng đó”, chị Thùy Dương khẳng định.
Theo nghiên cứu từ Tổ chức Phát triển và Hợp tác kinh tế (OECD), cuộc cách mạng tự động hóa sẽ lấy đi việc làm của 66 triệu lao động tại các nước phát triển trong những năm tới. Đáng lưu ý, Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ cách mạng công nghiệp 4.0.
Cứ 7 người lao động tại 32 các nước phát triển mà OECD tiến hành nghiên cứu thì có 1 người cần được hỗ trợ đào tạo kỹ năng mới do những công việc hiện nay của họ sẽ được thay thế bằng robot hoặc hệ thống tự động hóa. Những công việc đơn giản, mang tính lặp lại, nguy hiểm trở thành trách nhiệm của những chiếc máy thông minh. Những người vốn phụ trách những nhiệm vụ này bỗng trở nên “nhàn rỗi”.
Tuy nhiên theo các chuyên gia phân tích, những người trẻ không nản lòng trước những thách thức. Bởi mặc dù có rất nhiều công việc có thể bị thay thế song cũng rất nhiều công việc trong tương lai còn chưa xuất hiện. Theo báo cáo của Dell Technologies, 85% công việc trong tương lai chưa xuất hiện.
Nêu quan điểm về vấn đề này, PGS.TS Lâm Minh Châu - giảng viên Khoa Nhân học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: Nếu nhìn vào thị trường lao động trong quá khứ, chúng ta có cơ sở để tin rằng điều này sẽ xảy ra. Cuộc cách mạng công nghiệp đã mang đến sự chuyển dịch mạnh mẽ trong lực lượng lao động ở tất cả mọi lĩnh vực và vẫn tiếp tục phát triển bùng nổ.
Cách đây 15 - 20 năm, sẽ chẳng ai nghĩ đến những nghề như: Phát triển ứng dụng, tài xế Grab, sáng tạo nội dung trên các nền tảng mạng xã hội hay chuyên viên phân tích dữ liệu… Thế nhưng, hiện nay đây đều là những công việc với mức lương vô cùng hấp dẫn. Có thể trong tương lai, sẽ có những nhà khoa học về biến đổi khí hậu, chuyên gia AI và blockchain, nhà thiết kế xe tự lái...
Vì vậy cơ hội cho sinh viên vẫn rất rộng mở. Quan trọng nhất, trước xu thế máy móc tự động hóa thay thế con người, nguồn nhân lực phải được trang bị kiến thức, kỹ năng phù hợp để đáp ứng yêu cầu công việc trong thời đại mới”, PGS.TS Lâm Minh Châu nhìn nhận.