Mở rộng diện tích liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cây trồng vụ xuân

Vụ xuân 2025, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã chú trọng mở rộng diện tích các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi thu hút doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm.

Người dân xã Hoằng Lưu (Hoằng Hóa) thu hoạch khoai tây.

Người dân xã Hoằng Lưu (Hoằng Hóa) thu hoạch khoai tây.

Để đảm bảo sản xuất thắng lợi, ngay từ đầu mùa vụ, huyện Hoằng Hóa đã trực tiếp đi khảo sát và chỉ đạo kế hoạch sản xuất cho vụ xuân 2025. Bên cạnh các giải pháp về diện tích, huyện tiếp tục thực hiện có hiệu quả phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao, nông nghiệp sạch; đổi mới tư duy chỉ đạo “từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp”, lấy hiệu quả kinh tế và lợi ích của người dân làm mục tiêu. Từ đó, người dân mở rộng diện tích các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn gắn với bao tiêu sản phẩm đối với các loại cây trồng như bí xanh, lúa, khoai tây, rau màu... khoảng 400ha.

Tại xã Hoằng Thái, ông Lê Văn Mạnh - một trong những hộ dân đã có nhiều năm thực hiện liên kết sản xuất khoai tây vụ đông xuân với doanh nghiệp cho biết: “Gia đình tôi sản xuất khoai tây Actrice cho năng suất, chất lượng cao; có thời gian sinh trưởng, phát triển trong 3 tháng là cho thu hoạch; năng suất trung bình từ 1 đến 1,5 tấn/sào. Tham gia ký kết hợp đồng liên kết sản xuất với doanh nghiệp, chúng tôi không chỉ được công ty hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, cung ứng phân bón và giống trả chậm, mà toàn bộ sản lượng khoai tây sau khi thu hoạch đều được doanh nghiệp bao tiêu. Với giá thu mua theo cam kết của công ty là 11.500 đồng/kg, mỗi sào khoai của gia đình tôi sau khi trừ chi phí cho lợi nhuận từ 6 đến 8 triệu đồng”.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hạnh, Chủ tịch UBND xã Hoằng Lưu: "Hiện nay, xã đã thành công trong việc liên kết sản xuất với Công ty TNHH Đầu tư và Xây lắp Xuân Minh để phát triển các loại cây trồng có giá trị cao như khoai tây và cà rốt vụ đông xuân. UBND xã đã kết nối doanh nghiệp với người dân, tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng, hỗ trợ tập huấn kỹ thuật và khuyến khích mở rộng diện tích sản xuất theo hướng hàng hóa. Qua đó, người dân được ký hợp đồng bao tiêu ngay từ đầu vụ, đảm bảo tiêu thụ sản phẩm với giá ổn định, tạo động lực để họ yên tâm đầu tư sản xuất, nâng cao năng suất và chất lượng nông sản”.

Vụ xuân nhiều năm qua, huyện Thiệu Hóa luôn chú trọng việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản giúp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, khắc phục được tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, thuận lợi đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Đây cũng là tiền đề quan trọng giúp các doanh nghiệp tạo ra vùng nguyên liệu và ổn định đầu ra của nông sản. Năm nay, huyện phấn đấu mở rộng diện tích từ 570ha trở lên với các sản phẩm lúa giống, ngô dày, ngô ngọt, rau màu..., được liên kết sản xuất - tiêu thụ với các doanh nghiệp như Công ty TNHH Thực phẩm CNC Tâm Phú Hưng, Công ty TNHH Lương thực Thuần Dũng... Theo ông Trịnh Đức Hùng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thiệu Hóa: “Là địa phương có nhiều tiềm năng sản xuất lúa gạo, bên cạnh diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, Thiệu Hóa phát triển được 136ha lúa sản xuất theo hướng hữu cơ trong vụ xuân; áp dụng cơ giới hóa khâu làm đất 100%, khâu gieo cấy 25%, thu hoạch 75%. Tại mô hình này, người dân không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc từ hóa học mà sử dụng thuốc có nguồn gốc sinh học thảo mộc. Do được ký kết bao tiêu lúa ngay từ chân ruộng với giá cao hơn thị trường từ 1,5 - 1,8 lần nên đầu ra cho hạt lúa ổn định, người dân không phải lo lắng vì sự lên xuống thất thường của giá cả thị trường”.

Với đa dạng các loại cây trồng vụ xuân như lúa, ngô, khoai tây, rau màu... nên diện tích liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm quy mô lớn tiếp tục được nhân rộng tại các huyện: Quảng Xương, Yên Định, Thiệu Hóa, Thọ Xuân, Hoằng Hóa, Nông Cống, Vĩnh Lộc... Trong đó, hầu hết các mô hình liên kết đều sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ... Các địa phương đang tập trung hình thành vùng nguyên liệu lúa J02 khoảng 3.500ha, vùng nguyên liệu lúa nếp N98 khoảng 1.000ha, lúa nếp N97 khoảng 2.000ha để phục vụ xuất khẩu theo các đơn hàng của Công ty CP Mía đường Lam Sơn và Công ty CP Đầu tư phát triển VinaGreen. Đồng thời chỉ đạo tổ chức sản xuất tuân thủ chặt chẽ, nghiêm túc điều khoản của các hợp đồng đã ký kết.

Bài và ảnh: Lê Ngọc

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/mo-rong-dien-tich-lien-ket-san-xuat-nbsp-bao-tieu-san-pham-cay-trong-vu-xuan-239767.htm
Zalo