Chăn nuôi theo chuỗi liên kết: Doanh nghiệp và người dân cùng 'khỏe'

Phát triển chăn nuôi theo chuỗi, gắn với giết mổ và tiêu thụ sản phẩm mang lại hiệu quả thiết thực khi quản lý được đầu vào và đầu ra của sản phẩm. Đặc biệt, giúp cho việc tiêu thụ sản phẩm được thuận lợi hơn. Tại Thái Nguyên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, chăn nuôi theo chuỗi liên kết vẫn đang gặp không ít khó khăn…

Trang trại chăn nuôi ngựa thương phẩm quy mô trên 50 con của gia đình bà Phạm Thị Loan, ở xóm Ba Quanh, xã Minh Đức (TP. Phổ Yên) được liên kết với HTX trên địa bàn tiêu thụ đầu ra.

Trang trại chăn nuôi ngựa thương phẩm quy mô trên 50 con của gia đình bà Phạm Thị Loan, ở xóm Ba Quanh, xã Minh Đức (TP. Phổ Yên) được liên kết với HTX trên địa bàn tiêu thụ đầu ra.

Hiệu quả kinh tế cao

Từ thực tế cho thấy, chăn nuôi theo hình thức chuỗi liên kết mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với chăn nuôi truyền thống. Không chỉ có sự quản lý chặt chẽ từ con giống, dịch bệnh đến khi xuất chuồng, chăn nuôi theo chuỗi liên kết còn giúp người dân tiếp cận với khoa học kỹ thuật hiện đại, tăng tính cạnh tranh và bám sát nhu cầu thị trường của sản phẩm.

Qua đó, thay đổi nhận thức chăn nuôi theo hướng an toàn, tạo ra sản phẩm đạt chất lượng, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đây là lý do Thái Nguyên đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo chuỗi liên kết trong những năm gần đây.

Ông Đặng Văn Ngữ, Giám đốc HTX chăn nuôi xanh, tổ dân phố Pha, phường Lương Sơn (TP. Sông Công): Chúng tôi đang chăn nuôi lợn và gà theo hướng an toàn sinh học. Việc liên kết trong chăn nuôi giữa người dân với HTX giúp bà con luôn yên tâm về đầu ra của sản phẩm.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, khi chăn nuôi theo chuỗi liên kết, doanh nghiệp là đơn vị cung ứng con giống, thức ăn, hỗ trợ kỹ thuật, thuốc thú y và bao tiêu sản phẩm. Người chăn nuôi xây dựng chuồng trại, hệ thống xử lý chất thải theo yêu cầu của doanh nghiệp, tổ chức sản xuất và nhận kinh phí theo hợp đồng. Điều khiến người dân yên tâm nhất chính là hạn chế được rủi ro trong chăn nuôi, không lo về đầu ra, chất lượng con giống cũng như dịch bệnh…

Để phát triển chuỗi liên kết trong chăn nuôi, 5 năm trở lại đây, ngành Nông nghiệp Thái Nguyên đã triển khai khá nhiều biện pháp. Đơn cử như hỗ trợ thực hiện các chuỗi liên kết. Riêng năm 2024, ngành đã hỗ trợ xây dựng 1 chuỗi sản phẩm thịt lợn, gà tại huyện Phú Lương. Cơ bản các chuỗi đã hoàn thiện quy trình sản xuất, chế biến, kinh doanh và thiết lập được hệ thống tiêu thụ sản phẩm thịt lợn, gà an toàn tại các chợ, siêu thị, nhà hàng, bếp ăn tập thể trên địa bàn.

Đồng thời, duy trì, phát triển phần mềm hệ thống cơ sở dữ liệu quản lý chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, đã có hơn 100 nghìn cơ sở chăn nuôi được tạo cơ sở dữ liệu trên hệ thống, giúp người chăn nuôi quảng bá giới thiệu về cơ sở của mình, quan sát, nắm bắt kịp thời tình hình chăn nuôi trên địa bàn và thị trường.

Không chỉ giúp doanh nghiệp thu mua vật nuôi có thêm kênh thông tin để trực tiếp liên hệ cơ sở chăn nuôi, phần mềm này còn tạo điều kiện thuận lợi cho truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Qua đó, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý Nhà nước và hình thành, phát triển các chuỗi liên kết trong chăn nuôi, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, đáp ứng công cuộc chuyển đổi số của tỉnh.

Ngoài ra, các cơ quan chuyên môn, đơn vị liên quan đã tuyên truyền, hỗ trợ các hộ chăn nuôi kết nối với các đơn vị, doanh nghiệp để ổn định đầu ra và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Sản phẩm thịt lợn được Hợp tác xã Chăn nuôi xanh, phường Lương Sơn (TP. Sông Công) liên kết tiêu thụ tại cửa hàng Vivamart, phường Thắng Lợi (TP. Sông Công).

Sản phẩm thịt lợn được Hợp tác xã Chăn nuôi xanh, phường Lương Sơn (TP. Sông Công) liên kết tiêu thụ tại cửa hàng Vivamart, phường Thắng Lợi (TP. Sông Công).

Ông Lê Đắc Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh, cho biết: Với nhiều nỗ lực, Thái Nguyên đã có 76 hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác sản xuất chăn nuôi, 10 doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi. Theo đó, trên địa bàn tỉnh đang duy trì hoạt động trên 20 chuỗi liên kết sản xuất - giết mổ, chế biến - tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, liên kết với các trang trại chăn nuôi trong việc cung ứng vật tư đầu vào, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm.

Đáng nói, có 400 trang trại (tăng 60 trang trại so với năm 2023) đã liên kết với 14 công ty chăn nuôi liên doanh, gia công (Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam, Tập đoàn Dabaco, Công ty Japfa Comfeed Việt Nam, Công ty TNHH Emivest Feedmill Việt Nam, Công ty Dũng Minh…) hoạt động liên kết sản xuất chăn nuôi, giết mổ, tiêu thụ sản phẩm. Hằng năm cung cấp ra thị trường khoảng 50.000 tấn thịt lợn và 65.000 tấn thịt gia cầm. - ông Lê Đắc Vinh

Nhiều trở ngại cần tháo gỡ

Từ thực tế cho thấy, chăn nuôi liên kết theo chuỗi giá trị đang được triển khai hiệu quả tại Thái Nguyên. Đây là hướng đi đúng đắn, tạo ra sản phẩm chăn nuôi an toàn và mở hướng phát triển bền vững. Dù vậy, không thể phủ định, hình thức này vẫn đang gặp không ít trở ngại khi mối liên kết giữa doanh nghiệp và người chăn nuôi chưa thật sự bền vững.

Ở thời điểm gần 10 năm về trước, tại Thái Nguyên đã có tình trạng, giá thị lợn hơi ngoài thị trường tăng cao hơn giá các công ty chăn nuôi liên doanh thu mua nên một số trang trại phá hợp đồng liên kết. Tình trạng này có thể tiếp tục xảy ra ở "thì' hiện tại, khi giá bán thịt lợn hơi trên thị trường cao hơn nhiều so với các công ty liên doanh đang thu mua.

Bên cạnh đó, sản xuất chăn nuôi vẫn thiếu sự ổn định về cung - cầu, thị trường tiêu thụ nhiều khi còn bếp bênh. Trong khi đó, chi phí sản xuất chăn nuôi như con giống, đầu tư xây dựng chuồng trại, thuốc thú y... tại Việt Nam nói chung, Thái Nguyên nói riêng vẫn còn cao hơn so với một số nước trong khu vực; sản phẩm chăn nuôi của các chuỗi liên kết tại Thái Nguyên chưa được xuất khẩu. Đáng báo động nhất là sản phẩm chăn nuôi an toàn trên địa bàn tỉnh vẫn đang phải cạnh tranh khốc liệt với các sản phẩm không có xuất xứ rõ ràng, chưa đảm bảo về chất lượng bán tràn lan ngoài thị trường.

Ông Nguyễn Quang Phúc, Chủ tịch Hội Chăn nuôi thú y tỉnh: Để chăn nuôi theo chuỗi liên kết phát triển, tạo sự ổn định bền vững thì trước hết chúng ta nên rà soát, điều chỉnh quy mô đàn vật nuôi phù hợp với nhu cầu thị trường. Cùng với đó, xây thương hiệu cho các chuỗi liên kết có chất lượng cao để cung ứng cho thị trường trong, ngoài tỉnh; tổ chức liên kết theo chuỗi sản phẩm từ khâu sản xuất đến thị trường, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm để liên kết với các HTX, tổ hợp tác...

Song song với những giải pháp nêu trên, Thái Nguyên nên tiếp tục có thêm chính sách hỗ trợ về quỹ đất, nguồn vốn để doanh nghiệp, người dân đầu tư, mở rộng sản xuất; tạo được những chuỗi liên kết khép kín, trong đó chú trọng khâu chế biến sâu để nâng cao giá trị sản phẩm...

Tùng Lâm

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202502/chan-nuoi-theo-chuoi-lien-ket-doanh-nghiep-va-nguoi-dan-cung-khoe-4ac3162/
Zalo