Lý do đề xuất miễn trách nhiệm người đứng đầu khi làm 'siêu dự án'

Thủ tướng chỉ đạo gì ngành ngân hàng? Đề xuất miễn trách nhiệm người đứng đầu khi làm 'siêu dự án' đường sắt; Bộ Xây dựng mới có 2 trụ sở; giá thịt lợn bất ngờ tăng cao kỷ lục... là những thông tin đáng chú ý trong tuần qua.

Thủ tướng: 'Phải loại bỏ phần tử xấu khỏi hệ thống ngân hàng'

Phát biểu kết luận Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại sáng 11/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị ngành ngân hàng nói chung và các ngân hàng thương mại nói riêng phải tiên phong trong thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng trên 16%.

Theo đó, Thủ tướng chỉ rõ 8 nhiệm vụ, giải pháp mà ngành ngân hàng và các ngân hàng thương mại cần tập trung thực hiện.

Trước hết, ngành Ngân hàng phải tiết giảm chi phí, tổ chức lại hoạt động hiệu quả hơn và đặc biệt là hy sinh một phần lợi nhuận để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế, người dân, doanh nghiệp.

Các ngân hàng tập trung tín dụng, góp phần làm mới 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Theo đó, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư nhân; có các gói tín dụng tiêu dùng, tín dụng cho các ngành mũi nhọn tạo nhiều việc làm, chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế; tín dụng ưu đãi cho các ngành nghề, lĩnh vực, đối tượng ưu tiên...

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP.

Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại phải đẩy mạnh cắt giảm thủ tục hành chính, giảm nợ xấu, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp; Thực hiện quản trị thông minh, xây dựng ngân hàng thông minh, góp phần chia sẻ những khó khăn với người dân, doanh nghiệp...

Theo Thủ tướng, các ngân hàng hoạt động kinh doanh phải có lãi nhưng ngoài lợi nhuận thì phải mang lại lợi ích chung cho đất nước, bởi "nước nổi thì bèo nổi". Trong đó, Thủ tướng lưu ý việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án tồn đọng, kéo dài gây lãng phí của các doanh nghiệp tư nhân và hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ vì số doanh nghiệp này chiếm tỷ trọng rất lớn, giải quyết nhiều việc làm.

Thủ tướng cho rằng những sai phạm vừa qua liên quan đến trái phiếu có phần trách nhiệm của các ngân hàng. "Việc này cần rà soát, chấn chỉnh lại đạo đức kinh doanh, phải loại bỏ phần tử xấu khỏi hệ thống ngân hàng, không thể đẩy khách hàng vào hoàn cảnh khó khăn, trục lợi từ khách hàng. Cơ quan thanh tra của ngành Ngân hàng cũng cần hoạt động hiệu quả hơn," Thủ tướng nhấn mạnh.

Bộ Xây dựng mới có 2 trụ sở, tương lai chuyển về khu Tây Hồ Tây

Tại Tờ trình số 11 vừa gửi Chính phủ về dự thảo Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng (sau hợp nhất giữa Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông vận tải), ông Trần Hồng Minh - Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) - cho biết, trước khi hợp nhất, tổng số đầu mối của hai bộ là 42 đơn vị, trong đó Bộ Xây dựng (XD) 19 đơn vị, Bộ GTVT 23 đơn vị (không tính Vụ Quản lý doanh nghiệp và Cục Y tế GTVT).

Sau sắp xếp, hợp nhất còn 23 đơn vị, bao gồm: Văn phòng - hợp nhất từ 2 bộ; Thanh tra - hợp nhất từ 2 bộ; Vụ Hợp tác quốc tế - hợp nhất từ 2 bộ; Vụ Pháp chế - hợp nhất từ 2 bộ; Vụ Tổ chức cán bộ - hợp nhất từ 2 bộ; Vụ Kế hoạch Tài chính - hợp nhất từ Vụ Kế hoạch Đầu tư, Vụ Tài chính thuộc Bộ GTVT và Vụ Kế hoạch Tài chính thuộc Bộ XD.

Sau hợp nhất giữa Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng mới có 23 đơn vị. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng.

Sau hợp nhất giữa Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng mới có 23 đơn vị. Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng.

Vụ Quy hoạch - Kiến trúc; Vụ Vận tải và An toàn giao thông; Vụ Khoa học công nghệ, môi trường và Vật liệu xây dựng - hợp nhất Vụ KHCN&MT thuộc Bộ GTVT, Vụ KHCN&MT và Vụ Vật liệu xây dựng thuộc Bộ XD; Cục Kinh tế Quản lý đầu tư xây dựng - hợp nhất Cục Kinh tế xây dựng, Cục Quản lý hoạt động xây dựng thuộc Bộ XD và Cục Quản lý đầu tư xây dựng thuộc Bộ GTVT;

Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng; Cục Phát triển đô thị; Cục Kết cấu hạ tầng xây dựng - hợp nhất Cục Hạ tầng kỹ thuật thuộc Bộ XD và Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông thuộc Bộ GTVT; Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản.

Cục Đường bộ Việt nam - hợp nhất Cục Đường bộ Việt Nam và Cục Đường cao tốc Việt Nam; Cục Hàng hải và Đường thủy Việt Nam - hợp nhất Cục Hàng hải Việt Nam và Cục Đường thủy nội địa Việt Nam; Cục Hàng không Việt Nam; Cục Đường sắt Việt Nam; Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Học viện Chiến lược, bồi dưỡng cán bộ xây dựng được hợp nhất từ Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị thuộc Bộ XD, trường Cán bộ quản lý GTVT và Viện Chiến lược và phát triển GTVT thuộc Bộ GTVT.

Báo Xây dựng được hợp nhất báo Xây dựng thuộc Bộ XD và báo Giao thông thuộc Bộ GTVT; Tạp chí Xây dựng - hợp nhất tạp chí Xây dựng thuộc Bộ XD và tạp chí GTVT thuộc Bộ GTVT. Trung tâm Công nghệ thông tin hợp nhất từ Trung tâm Thông tin thuộc Bộ XD và Trung tâm Công nghệ thông tin thuộc Bộ GTVT.

Bộ XD và GTVT thống nhất trước mắt sử dụng cả hai trụ sở tại số 37 Lê Đại Hành và số 80 Trần Hưng Đạo. Trong tương lai, Bộ Xây dựng sẽ xây dựng trụ sở ở khu Tây Hồ Tây - khu vực quy hoạch hệ thống trụ sở làm việc của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương của các đoàn thể tại Hà Nội đến năm 2030.

Đề xuất miễn trách nhiệm người đứng đầu khi làm 'siêu dự án' đường sắt

Chiều 13/2, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.

Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị đánh giá tổng thể hiệu quả của các dự án đường sắt dự kiến sẽ đầu tư và đánh giá kỹ lưỡng phương án tài chính, các tác động trong quá trình vận hành, khai thác của các dự án để giảm thiểu các rủi ro về sau.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. Ảnh: Như Ý.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh. Ảnh: Như Ý.

Về nguồn vốn, theo ông Thanh, các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt đã được Quốc hội cho phép áp dụng trong thời gian qua và đã được cấp có thẩm quyền xem xét, cho ý kiến, do đó kiến nghị của Chính phủ là có cơ sở. Tuy nhiên, đề nghị trong quá trình triển khai, thực hiện cần tuân thủ nguyên tắc bảo đảm các cân đối vĩ mô và an toàn nợ công quốc gia.

Đáng lưu ý về các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt, cơ quan thẩm tra nhận thấy, Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép áp dụng một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt là rất cần thiết. Tuy nhiên, về chính sách liên quan đến loại trừ, miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm với người đứng đầu cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức tham gia, thực hiện dự án, vẫn còn nhiều ý kiến.

Theo ông Thanh, có ý kiến cho rằng, với tiến độ cấp bách của dự án, việc chuẩn bị đầu tư sẽ có thể xảy ra những bất cập, chưa thể đánh giá được; chính sách này sẽ góp phần bảo vệ cán bộ, công chức, viên chức có tinh thần trách nhiệm. Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi trong quá trình triển khai thực hiện, cần làm rõ phạm vi đối tượng, các loại hành vi được miễn trừ, xác định rõ các yếu tố lỗi do vô ý, không vụ lợi, các trách nhiệm cụ thể được miễn trừ.

Bên cạnh đó, có ý kiến khác cho rằng, pháp luật hiện hành đã quy định về miễn trừ hoặc giảm nhẹ trách nhiệm đối với cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện nhiệm vụ; quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Trong phiên thảo luận chiều 15/2, trước một số ý kiến cho rằng chính sách "miễn trừ trách nhiệm" dễ gây hiểu nhầm, Bộ trưởng Giao thông vận tải Trần Hồng Minh cho biết giới hạn miễn trừ trách nhiệm chỉ cho những người tham mưu, ban hành chính sách chứ không phải cho toàn bộ đối tượng thực hiện dự án. “Nhưng khi các đồng chí có ý kiến thì nội dung này xin được bỏ qua”, ông Minh nói.

Đề xuất 4.000 tỷ hồi sinh dự án đường sắt 'đắp chiếu' hơn 10 năm

Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân được Thủ tướng cho phép đầu tư năm 2004 bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và khởi công vào tháng 6/2005. Dự án có chiều dài 131km, điểm đầu tại ga Yên Viên, điểm cuối ở cảng Cái Lân, tổng mức đầu tư 7.663 tỷ đồng, chia thành 4 tiểu dự án vận hành độc lập.

Theo thiết kế, tuyến đường sắt này sử dụng đường lồng (gồm đường khổ 1,435 m và 1 m) với ray hàn liền, có hệ thống thông tín hiệu hiện đại và những nút giao cắt khác mức với các quốc lộ để tàu khách chạy với tốc độ 120 km/giờ, tàu hàng 80 km/giờ. Nếu tuyến đường được hoàn thành, hành trình tàu khách từ Hạ Long về Yên Viên còn 1,5-2 giờ; tàu hàng là 3-4 giờ, qua đó hình thành thêm phương thức vận tải hành khách, hàng hóa khối lượng lớn.

Do bị đưa vào danh sách các dự án phải đình hoãn, giãn tiến độ theo chủ trương cắt giảm đầu tư công tại Nghị quyết số 11/2011 của Chính phủ nên tuyến đường sắt này bị "đắp chiếu" suốt từ năm 2011 đến nay.

Vốn cho dự án đường sắt này tăng so với tổng mức đầu tư ban đầu khoảng 700 tỷ đồng. Ảnh: Hoàng Dương.

Vốn cho dự án đường sắt này tăng so với tổng mức đầu tư ban đầu khoảng 700 tỷ đồng. Ảnh: Hoàng Dương.

Trong bối cảnh mới, nhất là thực hiện kết luận của Bộ Chính trị và Quy hoạch mạng lưới đường sắt Việt Nam, Bộ GTVT đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án đường sắt, tư vấn rà soát, hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh dự án để triển khai các bước tiếp theo. Kết quả rà soát, nghiên cứu cho thấy dự án cần thay đổi công năng vận chuyển.

Về quy mô đầu tư, đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân đã hoàn thành đưa vào sử dụng Tiểu dự án 1 (đoạn Hạ Long - cảng Cái Lân), như vậy chỉ xem xét đầu tư 3 Tiểu dự án còn lại là Lim - Phả Lại, Phả Lại - Hạ Long và Yên Viên - Lim.

Trước mắt, để phù hợp với nhu cầu vận tải, quy hoạch đô thị và phát triển du lịch, đơn vị tư vấn đề xuất nghiên cứu điều chỉnh tuyến đường sắt từ đường đơn khổ lồng thành đường đơn khổ tiêu chuẩn 1.435 mm...

Theo Bộ GTVT, tổng chi phí đầu tư dự án Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân hiện tại cần khoảng 8.300 tỷ đồng, tăng so với tổng mức đầu tư ban đầu khoảng 700 tỷ đồng.

Lý do giá thịt lợn bất ngờ tăng cao kỷ lục

Kể từ sau Tết Nguyên đán, giá lợn hơi tăng mạnh, có thời điểm lên mức 70.000 - 75.000 đồng/kg - mức cao nhất trong vòng 3 năm trở lại đây. Hiện tại, sản lượng lợn hơi đổ về các chợ đầu mối miền Bắc và miền Nam đang giảm 50 - 60% so với trước Tết Nguyên đán.

Tại chợ đầu mối gia súc, gia cầm Hà Nam, số lượng lợn hơi đổ về chợ chỉ khoảng 400-500 con/ngày, chỉ bằng 1/5 so với ngày thường. Một số thương lái cho biết hiện khó có thể tìm được lợn đạt trọng lượng chuẩn.

Sản lượng lợn toàn cầu được dự báo giảm trong năm 2025. Ảnh minh họa: IT.

Sản lượng lợn toàn cầu được dự báo giảm trong năm 2025. Ảnh minh họa: IT.

Ông Nguyễn Thế Chinh - Trưởng ban quản lý chợ đầu mối gia súc, gia cầm Hà Nam - cho biết tổng đàn lợn trong cả nước giảm mạnh do chịu ảnh hưởng bởi dịch lở mồm long móng, dịch tả lợn châu Phi hồi cuối năm 2024 và do đã cung ứng sản lượng lớn thịt lợn cho thị trường dịp Tết. Điều này đẩy giá heo “đu đỉnh” ngay sau Tết.

Ông Dương Tất Thắng - Cục trưởng Cục chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) - cho biết: "Tính đến tháng 2, tổng đàn lợn cả nước trên 30 triệu con, tăng trưởng 3,7%. Hiện tượng thiếu hụt nguồn cung lợn hơi hiện nay chỉ là cục bộ. Do nhu cầu sử dụng thịt của người dân trước, trong và sau Tết Nguyên đán tăng lên, giá cao vì vậy các doanh nghiệp, hộ chăn nuôi lợn đã xuất bán lợn để đáp ứng nhu cầu của thị trường dẫn đến tổng đàn giảm".

Duy Phạm

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/ly-do-de-xuat-mien-trach-nhiem-nguoi-dung-dau-khi-lam-sieu-du-an-post1717372.tpo
Zalo