Nhà sản xuất bia lớn nhất Việt Nam 'đau đầu' vì chi phí sản xuất lon

Mặc dù giá các nguyên liệu sản xuất bia đã trở lại bình thường, tình trạng giá nhôm sản xuất lon tăng cao có thể ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của Sabeco trong năm nay.

 Biên lợi nhuận của Sabeco có thể khó cải thiện vì giá nhôm. Ảnh: SAB.

Biên lợi nhuận của Sabeco có thể khó cải thiện vì giá nhôm. Ảnh: SAB.

Chia sẻ tại cuộc gặp gỡ nhà đầu tư mới đây, Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn - Sabeco (HoSE: SAB) tuyên bố vẫn duy trì vị trí công ty bia dẫn đầu Việt Nam vào năm 2024 dựa trên dữ liệu của Nielsen. Nhà sản xuất này cũng giành được thị phần sản lượng ở nhiều địa phương, đặc biệt từ miền Bắc.

Năm vừa rồi, Sabeco ghi nhận lượng bia bán qua kênh mua về hiện đại tăng trưởng mạnh từ mức nền thấp. Song, tình hình tiêu thụ bia tại chỗ của thị trường Việt Nam nói chung vẫn khá ảm đạm và chỉ tăng nhẹ vào các dịp lễ cuối năm.

Sabeco chưa công bố kế hoạch năm 2025. Tuy nhiên, Chứng khoán Vietcap cho biết ban lãnh đạo tổng công ty kỳ vọng sản lượng và biên lợi nhuận sẽ cải thiện vào năm 2025.

Trong kịch bản tốt nhất, Sabeco kỳ vọng tăng trưởng ở mức một chữ số so với cùng kỳ đối với tổng sản lượng tiêu thụ bia.

Về triển vọng biên lợi nhuận, lãnh đạo Sabeco nhấn mạnh việc hoàn tất thương vụ hợp nhất với Sabibeco (Bia Sài Gòn Bình Tây) sẽ nâng biên lợi nhuận gộp của tổng công ty thêm ít nhất 1-1,5 điểm %.

Sự cải thiện trên thực tế sẽ phụ thuộc vào việc phân bổ sản lượng giữa các nhà máy bia thuộc công ty con và các nhà máy bia thuộc công ty liên kết.

Trước đó, tháng 12/2024, Sabeco hoàn thành mua 37,8 triệu cổ phiếu SBB của Sabibeco để trở thành công ty mẹ với tỷ lệ sở hữu 65,9% cổ phần. Đây là doanh nghiệp được biết đến với dòng bia Sagota và sở hữu 5 nhà máy với tổng công suất hơn 600 triệu lít/năm.

Bên cạnh đó, việc các chi phí đầu vào khác ngoài nhôm đã dần trở lại mức bình thường cũng là tín hiệu tích cực với Sabeco.

Hiện nhà sản xuất bia đang sử dụng đại mạch có chi phí cao và dự kiến tiêu thụ hết lượng đại mạch này trong vài tháng tới. Sau đó, Sabeco kỳ vọng có thể mua đại mạch với giá thấp hơn, qua đó đưa chi phí đại mạch cả năm trở về mức bình thường.

Một trong những rủi ro lớn hiện tại là tình trạng chi phí nhôm tăng. Theo dữ liệu của Bloomberg, giá nhôm trung bình tăng 13% từ tháng 3 đến tháng 4/2024, và vẫn duy trì ở mức cao này trước khi tăng thêm 4% vào tháng 2/2025.

Công ty đang ứng phó bằng cách phòng hộ nhôm trong thời gian ngắn hơn (so với thời gian phòng hộ thông thường là 6-12 tháng trước khi sản xuất) để duy trì tính linh hoạt và đàm phán chi phí chuyển đổi (tức là chi phí liên quan đến việc chuyển đổi tấm nhôm thành lon nhôm thành phẩm) với các nhà cung cấp.

Với hoạt động quảng cáo và khuyến mại (A&P), Sabeco sẽ tiếp tục kiểm soát chặt chẽ chi tiêu A&P/doanh thu bia, hướng đến mục tiêu ít nhất là giữ tỷ lệ này đi ngang so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, Sabeco đang tạm hoãn việc tung ra sản phẩm mới cho đến khi xác định được nhu cầu của thị trường.

Theo các chuyên gia từ Chứng khoán Vietcap, kịch bản dự báo lợi nhuận năm 2025 có rủi ro giảm nhẹ do biên lợi nhuận gộp mảng bia có khả năng thấp hơn dự kiến.

Năm 2024, Sabeco ghi nhận tổng doanh thu thuần đạt 31.872 tỷ đồng, tăng 5% so với năm trước đó. "Ông lớn" ngành bia cũng báo lãi ròng gần 4.500 tỷ đồng, tăng 6% so với năm 2023.

Sabeco lý giải mức tăng trưởng này chủ yếu nhờ vào nhu cầu tốt hơn từ việc nền kinh tế được cải thiện, mặc dù các quy định kiểm soát nồng độ cồn đã có hiệu lực và sự cạnh tranh ngày càng gay gắt. Ngoài ra, việc điều chỉnh giá bán cũng góp phần thúc đẩy doanh thu.

Dẫu vậy, so với kế hoạch đề ra ban đầu, Sabeco mới chỉ hoàn thành gần 93% chỉ tiêu doanh thu và 98% mục tiêu lợi nhuận.

Minh Khánh

Nguồn Znews: https://znews.vn/nha-san-xuat-bia-lon-nhat-viet-nam-dau-dau-vi-chi-phi-san-xuat-lon-post1531888.html
Zalo