Ông Trump muốn xóa sổ Bộ Giáo dục, người Mỹ có được xóa nợ sinh viên?
Khi Tổng thống Trump có những động thái đầu tiên nhằm xóa bỏ Bộ Giáo dục, nhiều người bắt đầu lo lắng về khoản nợ sinh viên chưa được thanh toán xong.

Ông Trump muốn xóa bỏ Bộ Giáo dục, nhưng sẽ không thể thực hiện nếu chưa được Quốc hội chấp thuận. Ảnh: Abaca.
Tổng thống Donald Trump không hề che giấu mong muốn giải thể Bộ Giáo dục và cải tổ các khoản vay của sinh viên. Trong suốt sự nghiệp chính trị, ông đã nhiều lần kêu gọi xóa bỏ cơ quan này và cho rằng chính sách giáo dục nên được giao cho các tiểu bang và chính quyền địa phương quản lý.
Dù muốn xóa sổ Bộ Giáo dục, ông Trump vẫn không thể làm điều đó, ít nhất là không thể đơn phương thực hiện. Bởi vì bộ này được Quốc hội Mỹ thành lập vào năm 1979 và cần có đạo luật của Quốc hội để giải thể. Tổng thống không có quyền ban hành lệnh hành pháp để xóa bỏ Bộ Giáo dục.
Ngay cả khi Đảng Cộng hòa của ông Trump nắm quyền kiểm soát thượng viện và hạ viện, động thái này vẫn phải đối mặt với những rào cản rất lớn. Cựu tổng thống Ronald Reagan cũng từng thất bại vì không được Quốc hội ủng hộ xóa bỏ Bộ Giáo dục.
"Về mặt pháp lý, việc này phải bắt đầu từ Quốc hội, không phải từ tổng thống", giáo sư Khoa học chính trị Jonathan E. Collins tại Đại học Columbia, nói với Time.
Theo Forbes, ngay cả khi Quốc hội chấp thuận bãi bỏ cơ quan này, quá trình chuyển giao quyền lực cũng không thể diễn ra trong một sớm một chiều.
Trong trường hợp của Bộ Giáo dục, nếu bị xóa sổ, các công việc của bộ như giám sát khoản vay sinh viên có thể sẽ được chuyển đến một cơ quan khác, ví dụ như Bộ Tài chính hoặc một cơ quan mới thành lập.
Những người ủng hộ việc xóa bỏ Bộ Giáo dục cũng khuyến nghị chuyển Văn phòng Hỗ trợ Sinh viên Liên bang (FSA) sang Bộ Tài chính để bộ này tiếp tục thực hiện phân phối các khoản vay và thu hồi nợ.
Ông Rick Hess, thành viên của Viện Doanh nghiệp Mỹ, nói với ABC News rằng FSA sẽ phù hợp với Bộ Tài chính vì cơ bản nó là một ngân hàng lớn. Như vậy, người vay nợ sinh viên vẫn tiếp tục trả nợ như thường lệ, chỉ là dưới sự giám sát của một cơ quan khác.
Dù Bộ Giáo dục còn tồn tại hay không, những người có khoản nợ sinh viên vẫn phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Bởi vì các điều khoản vay nợ đều được ràng buộc về mặt pháp lý với chính phủ, thông qua giấy ghi nợ. Việc xóa bỏ Bộ Giáo dục không đồng nghĩa với việc nghĩa vụ trả nợ được xóa bỏ.
Tuy nhiên, điều đáng lưu ý là dù khoản nợ sinh viên không biến mất, các chương trình xóa nợ có thể bị thay đổi hoặc xóa bỏ nếu quyền quản lý thuộc về một cơ quan khác.
Hơn nữa, nếu hoạt động cho vay tiếp tục được thực hiện dưới quyền của một cơ quan khác, các khoản vay mới có thể đi kèm với những điều khoản mới. Forbes dự đoán chính quyền ông Trump có thể thúc đẩy tư nhân hóa, chuyển hình thức vay từ trực tiếp với chính phủ sang vay thông qua ngân hàng.