Mô hình sản xuất lúa chất lượng cao thành công tại xã biên giới Hướng Phùng
Đồn Biên Phòng Hướng Phùng (Bộ đội Biên phòng Quảng Trị) sau 3 năm thực hiện thành công mô hình sản xuất lúa giống mới năng suất, tiếp tục giúp đỡ một bản thuộc huyện Sê Pôn (Lào) sản xuất giống lúa năng suất cao này.

Các đơn vị tài trợ cấp giống lúa năng suất cao cho đồng bào các dân tộc xã Hướng Phùng. Ảnh: BP Hướng Phùng
Xã Biên giới Hướng Phùng có diện tích tự nhiên lớn trên 12.500ha với 13 thôn, bản/1638 hộ/6125 nhân khẩu, đồng bào dân tộc Vân Kiều chiếm trên 55%. Ngoài cây công nghiệp chính là cà phê, xã có 155,1ha diện tích gieo trồng lúa nước, 5 héc-ta gieo trồng ngô…
Tuy nhiên, do thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, người dân chỉ gieo trồng 1 vụ lúa/năm vào chính vụ đông xuân, còn vụ hè thu thường bỏ hoang không cấy. Nguyên nhân là do gieo trồng không đúng thời vụ, nguồn giống bản địa đã bị thoái hóa, sinh trưởng dài ngày, chịu sâu bệnh kém, khi gặp khí hậu và thời tiết khắc nghiệt (mưa dài ngày) lúa thường không phát triển, lép hạt, năng suất kém, mất mùa, nên tỉ lệ hộ nghèo vẫn còn cao.
Thực tế đòi hỏi phải cấp bách nâng cao đời sống nhân dân, đảm bảo an ninh lương thực bền vững, việc áp dụng mô hình sản xuất lúa giống năng suất, chất lượng cao chính là hướng đi mới giúp bà con vươn lên thoát nghèo.
Đồn Biên phòng Hướng Phùng đã liên kết với tập đoàn đoàn ThaiBinh Seed (tỉnh Thái Bình) cử cán bộ giúp cho đơn vị nghiên cứu, khảo sát, đề xuất với Phòng nông nghiệp huyện Hướng Hóa, UBND xã cho thử nghiệm lúa giống TBR97 và TBR 225, TBR 87, nếp A Sào tại 02 hộ dân tại thôn Bụt Việt trên diện tích 10 sào và mang lại hiệu quả cao.
Mô hình nhằm mục tiêu lựa chọn, đưa vào sản xuất các giống lúa mới có năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp điều kiện canh tác và tập quán sản xuất của bà con nhân dân xã biên giới Hướng Phùng.
Anh Hồ Văn Khưn – Bí thư Đảng ủy xã Hướng Phùng cho biết, so với các loại giống khác, giống lúa thử nghiệm sinh trưởng tốt, ngắn ngày, chống chịu sâu bệnh và thời tiết mưa lạnh, tốt cho chất lượng gạo thơm, ngon, ước tính năng suất 300kg- 400 kg/sào.
Có được tính hiệu quả ban đầu, Đồn Biên phòng Hướng Phùng tiếp tục tuyên truyền vận động nhà tài trợ, cán bộ chiến sĩ đơn vị tham gia đóng góp mua các loại lúa giống mới để cung cấp cho nhân dân hằng năm.
Sau gần 3 năm thực hiện, mô hình nhanh rộng ra 61 hộ gia đình/43 ha tập trung ở các thôn: Cheng, Mã Lai Pun, Chênh Vênh, Bụt Việt, Sa Ry, xã Hướng Phùng với năng suất thu được từ 6-7 tấn/ha.

Đồn Biên phòng Hướng Phùng kêu gọi ủng hộ giống lúa mới giúp bà con địa bàn.
Thiếu tá Nguyễn Văn Bằng - Chính trị viên phó cho biết: các loại giống lúa của đồn hỗ trợ đem lại hiệu quả kinh tế cao, đặc biệt, chi phí sản xuất giảm từ 10–15% nhờ giảm lượng giống gieo và lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, góp phần nâng thu nhập của bà con từ 5-7 triệu đồng/ha so với phương pháp canh tác truyền thống.
Ngoài hiệu quả kinh tế, mô hình còn góp phần thay đổi tập quán sản xuất, nâng cao nhận thức cho người dân về sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Thông qua mô hình, bà con được tập huấn các kỹ thuật sản xuất tiên tiến như: làm đất kỹ, gieo sạ thưa, sử dụng phân bón hợp lý, phòng trừ sâu bệnh tổng hợp, áp dụng quy trình "1 phải 5 giảm"- phải sử dụng giống xác nhận; giảm lượng giống, giảm lượng phân đạm, giảm thuốc bảo vệ thực vật, giảm nước tưới, giảm thất thoát sau thu hoạch.
Năm 2025 đơn vị tiếp tục vận động các nguồn tài trợ, trong đó Nhóm Thiện nguyện Hà Nội đã hỗ trợ 50.000.000 tiền mặt để mua 1.650 kg giống TBR97 hỗ trợ nhanh rộng ra 150 hộ gia đình/13 thôn bản xã Hướng Phùng và 15 hộ bản Mày và Bản Xadu, huyện Sê Pôn - Lào.
Từ những kết quả bước đầu, mô hình sản xuất lúa giống năng suất, chất lượng cao cần tiếp tục được nhân rộng ra nhân dân trên các xã biên giới và rất cần sự hỗ trợ về giống, vốn, tập huấn kỹ thuật và kết nối tiêu thụ sản phẩm từ các cơ quan chức năng, các tổ chức xã hội, giúp nhân dân ổn định đời sống, phát triển kinh tế bền vững.