Vì sao thị trường vàng liên tục đạt mức cao kỷ lục trong thời gian qua?
Do sự mất lòng tin ngày càng tăng đối với đồng đôla Mỹ, vàng không chỉ là tài sản trú ẩn an toàn của cá nhân và doanh nghiệp, mà còn là công cụ chính trị trong tay các ngân hàng trung ương.

Vàng miếng tại Incheon, Hàn Quốc. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)
Giải mã nguyên nhân khiến vàng liên tục đạt kỷ lục trong thời gian qua, nhật báo Les Echos cho rằng trong bối cảnh chiến tranh thương mại leo thang, và sự mất lòng tin ngày càng tăng đối với đồng đôla Mỹ, vàng không chỉ là tài sản trú ẩn an toàn của cá nhân và doanh nghiệp, mà còn là công cụ chính trị trong tay các ngân hàng trung ương. Điều này đang khiến kim loại quý này liên tục lập kỷ lục mới.
Giá vàng - từng ở mức 1.000 USD (881 euro)/ounce (31,104 gram) vào năm 2009 trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, đã tăng gấp đôi vào năm 2020 trong đại dịch COVID-19, lên đến 3.000 USD/ounce vào tháng 3/2025 giữa bối cảnh căng thẳng thương mại, và đến nay đã vượt ngưỡng 3.500 USD.
Mặc dù một số nhà đầu tư đã kiếm được lợi khi ông Trump tỏ thái độ ôn hòa hơn trong những ngày gần đây, vàng vẫn là tài sản tài chính có hiệu suất tốt nhất năm nay, tăng gần 30% kể từ đầu năm.
Trong bản dự báo mới đây nhất của mình, ngân hàng Goldman Sachs ước tính giá vàng có thể vượt 4.000 USD/ounce vào giữa năm 2026. Ở mức giá đó, một thỏi vàng 1 kg (cỡ bằng một chiếc điện thoại thông minh) sẽ có giá gần 130.000 USD.
Sự tăng giá mạnh này đã thúc đẩy hoạt động mua bán vàng trên toàn thế giới. Laurent Schwartz, Tổng giám đốc chuỗi cửa hàng Comptoir national de l’or (Pháp), cho biết, hoạt động của họ đã tăng 70% trong năm 2024, với hai nhóm khách hàng chính là những nhà đầu tư cẩn trọng và hoài nghi, muốn tìm nơi trú ẩn ngoài hệ thống ngân hàng và những nhà đầu tư tài chính chuyên nghiệp, tìm cách đa dạng hóa danh mục đầu tư.
Tuy nhiên, có một nhóm khách mua còn có sức ảnh hưởng lớn hơn, đó là các ngân hàng trung ương. Họ đã mua tổng cộng hơn 1.044 tấn vàng trong năm 2024, vượt mốc 1.000 tấn năm thứ ba liên tiếp - trong khi mức trung bình của cả thập kỷ trước chỉ là 473 tấn/năm, theo dữ liệu từ Hội đồng Vàng Thế giới.
Các nước mới nổi - những người mua vàng lớn
Với tốc độ mua hiện tại, tổng lượng vàng dưới dạng thỏi, thanh và tiền xu được các ngân hàng trung ương cất giữ có thể sẽ tiệm cận mức kỷ lục lịch sử 38.300 tấn vào cuối năm 2026, mức cao nhất từng được ghi nhận vào năm 1965 - theo ước tính của Hội đồng Vàng Thế giới (CMO). Việc lưu trữ không phải là vấn đề khi chỉ riêng “La Souterraine," hầm vàng kiên cố rộng 10.000 m2 của Ngân hàng Trung ương Pháp (Banque de France), nằm sâu 25 mét dưới lòng đất ngay trung tâm Paris, đã đủ sức chứa toàn bộ vàng trên thế giới.
Việc tái xây dựng kho dự trữ vàng của các ngân hàng trung ương bắt đầu sau khủng hoảng tài chính 2007-2008, sau một thời gian dài các ngân hàng này giảm lượng nắm giữ vàng để chuyển sang các tài sản sinh lời cao hơn, vì điểm yếu lớn nhất của vàng là không tạo ra lợi suất. Ví dụ, Ngân hàng Trung ương Pháp đã bán gần 600 tấn vàng từ 2004 đến 2009, tương đương gần 20% dự trữ của mình. Kể từ đó, dự trữ vàng của Pháp giữ nguyên ở mức 2.436 tấn, hiện là kho dự trữ lớn thứ tư thế giới, sau Mỹ, Đức và Italy.

Trang sức vàng được bày bán tại tiệm kim hoàn ở Beirut, Liban. (Ảnh: THX/TTXVN)
Tuy nhiên, phần lớn người mua vàng số lượng nhiều trong những năm gần đây không phải đến từ các nước phát triển, mà là từ các nước đang phát triển. Năm 2024, Trung Quốc đã tăng dự trữ thêm 44,2 tấn, Ấn Độ thêm 72,6 tấn, Ba Lan tăng mạnh tới 89,5 tấn. Các nước mua thường xuyên khác bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar, Ai Cập, Ireland và Kyrgyzstan. Không phải tất cả các nước đều công khai lý do mua vào. Một số giải thích là để nâng cao hiệu quả quản lý dự trữ quốc gia. Nhưng theo các nhà quan sát, mục đích ẩn chứa phía sau lời giải thích này là chủ trương giảm sự phụ thuộc vào đồng đôla của Mỹ, hay còn gọi là “phi đôla hóa."
Nguyên nhân sâu xa của động thái này là vì trong suốt 15 năm qua, đồng đôla Mỹ (USD) liên tục khiến các quốc gia hoài nghi, từ chính sách tiền tệ không ổn định, đến các biện pháp trừng phạt kinh tế, thúc đẩy nhiều quốc gia giảm sự phụ thuộc vào đồng USD. Các khoản phạt kỷ lục mà chính quyền Mỹ áp đặt trong thập niên 2010 đối với các tổ chức tài chính nước ngoài liên quan đến giao dịch bằng đồng đôla đã khiến nhiều người bắt đầu đặt dấu hỏi.
Việc đóng băng tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga ở nước ngoài sau khi xung đột tại Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022 chỉ càng đẩy nhanh xu hướng này.
Bên cạnh ý chí “phi đôla hóa” (dédollarisation) trong dự trữ ngoại hối, vài năm gần đây còn xuất hiện sự mất niềm tin vào trái phiếu kho bạc Mỹ (Treasuries) - thành phần chủ chốt trong dự trữ ngoại tệ của các ngân hàng trung ương và từng là đối thủ của vàng cho danh hiệu “tài sản trú ẩn an toàn” số một.
Nợ công Mỹ tăng vọt, vượt 36.000 tỷ USD, đã khiến niềm tin lung lay từ trước. Gần đây hơn, các tuyên bố và thay đổi nhanh chóng của Tổng thống Mỹ về thuế quan, và đặc biệt là việc đe dọa tính độc lập của Cục Dự trữ Liên bang (Fed), càng làm trầm trọng thêm sự lo lắng.
Điều này cũng làm dấy lên lo ngại về lạm phát quay trở lại, một yếu tố nữa thúc đẩy vàng. Trong bối cảnh này, vàng lại tỏa sáng như một tài sản độc nhất, điều hiếm thấy kể từ khi đồng USD bị tách khỏi bản vị vàng năm 1971. Điểm mạnh lớn nhất là vàng không mang rủi ro đối tác, tức không có ai nợ bạn cả, bạn không phụ thuộc vào bên phát hành.
“Tất cả nhà đầu tư đều tự hỏi: Liệu đồng USD và trái phiếu Mỹ có còn là tài sản duy nhất không rủi ro, hay còn lựa chọn nào khác?”, Vincent Mortier, Giám đốc đầu tư của Amundi, tập đoàn quản lý tài sản lớn nhất châu Âu, đặt vấn đề.
Đối với Trung Quốc, vàng rõ ràng là một phần của câu trả lời. Một thời từng là chủ nợ lớn nhất của Mỹ, Trung Quốc đã giảm lượng nắm giữ trái phiếu kho bạc Mỹ xuống dưới 800 tỷ USD vào năm 2024, so với gần 1.300 tỷ USD vào năm 2013. Cùng lúc đó, dự trữ vàng chính thức của Trung Quốc tăng từ 1.054 lên 2.279 tấn.
Xu hướng dịch chuyển này đang mang lại cho Trung Quốc một đòn bẩy đáng kể đối với lãi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ, như đã thấy trong đợt biến động thị trường trái phiếu giữa tháng 4, Trung Quốc được cho là đã bán hàng chục tỷ USD trái phiếu Mỹ để gây áp lực buộc chính quyền Tổng thống Trump phải điều chỉnh chính sách thương mại.
Bên cạnh việc tăng tích trữ vàng, nỗi bất an với Mỹ cũng khiến vị trí lưu giữ vàng trở thành mối quan tâm then chốt. Một số ngân hàng trung ương đã quyết định hồi hương một phần hoặc toàn bộ số vàng dự trữ trước đó được gửi tại các ngân hàng trung ương Mỹ, Anh hoặc Pháp từ nhiều thập niên qua.

Trang sức vàng được bày bán tại tiệm kim hoàn ở Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ. (Ảnh: THX/TTXVN)
“Từ năm 2013 đến năm 2017, Đức đã hồi hương vàng về nước sau cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu,” nhắc lại Benjamin Dubois, chuyên gia tiền tệ và kim loại quý tại Edmond de Rothschild Asset Management. Năm 2014, Ngân hàng Hà Lan cũng đã chuyển 122 tấn vàng từ New York về Amsterdam, với lý do là muốn “phân bổ tài sản hợp lý hơn về mặt địa lý.”
Xu hướng này ngày càng rõ nét trong thời gian gần đây. “Tỷ lệ vàng giao ngay được lưu trữ ngay trên lãnh thổ quốc gia hiện ở mức cao nhất và tiếp tục tăng trong những năm gần đây,” ghi nhận Clément Inbona, nhà quản lý quỹ tại La Financìere de l’Echiquier. “Đây là cách để tự bảo vệ trước nguy cơ bị phong tỏa hoặc tịch thu tài sản." Diễn biến này khẳng định rằng ưu tiên số một của các ngân hàng trung ương vẫn là an toàn tài sản.
Các nhà máy tinh luyện vàng Thụy Sĩ hoạt động hết công suất
Có cầu ắt có cung. Trong bối cảnh vàng thỏi được săn lùng, do tình hình bất ổn quốc tế gây ra, bốn nhà máy chế biến kim loại quý của Thụy Sĩ đang trải qua hoạt động mạnh mẽ.
Tại một khu công nghiệp và thương mại ở Mendrisio, phía Nam Liên bang, công ty Argor-Heraeus, công ty con của tập đoàn công nghệ Đức Heraeus, chuyên về kim loại quý và đặc biệt đang hoạt động nhộn nhịp.
"Chúng tôi có công suất tinh luyện 1.380 tấn vàng mỗi năm, tương đương với gần 4 tấn mỗi ngày, chúng tôi vừa trải qua ba tháng đặc biệt bận rộn, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng tôi luôn hoạt động hết công suất," Robin Kolvenbach, đồng Giám đốc điều hành của công ty cho hay.
Trên thực tế, trong vài tháng qua, xuất khẩu vàng từ Thụy Sĩ sang Mỹ đã tăng vọt. Từ 10 tấn mỗi tháng trong thời gian bình thường, con số này đã tăng lên 195 tấn vào tháng 1/2025, tăng gấp hai mươi lần.
Thụy Sĩ chưa bao giờ bán nhiều thỏi vàng nổi tiếng của mình ra nước ngoài đến vậy. Là trung tâm giao dịch quốc tế chính của thị trường vàng vật chất, Thụy Sĩ có bốn trong số bảy nhà máy tinh luyện kim loại quý lớn nhất thế giới, trong đó ba nhà máy nằm ở khu vực nói tiếng Italy của Tessin. Đây cũng là quốc gia duy nhất có luật pháp đặc thù cho hoạt động này.
Trong bối cảnh căng thẳng thương mại, bất ổn địa chính trị và nghi ngờ về tài chính công, khó có khả năng làn sóng mua vàng sẽ đảo chiều. Trong cuộc khảo sát thường niên mới nhất của Hội đồng Vàng Thế giới (CMO) công bố tháng 6/2024, có 69% ngân hàng trung ương cho biết, họ có kế hoạch tăng dự trữ vàng trong vòng 5 năm tới./.