Mở rộng cánh cửa cho kỹ sư Việt Nam vươn ra thế giới

Việc thúc đẩy đăng bạ kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN (AER) là một trong những chiến lược quan trọng nhằm nâng cao vị thế và năng lực cạnh tranh của đội ngũ kỹ sư Việt Nam trong khu vực.

Kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN là danh hiệu nghề nghiệp cao quý khẳng định trình độ, năng lực và đạo đức nghề nghiệp của người kỹ sư, được hội nghề nghiệp công nhận và xã hội thừa nhận. Điều này đồng nghĩa với việc các kỹ sư khi được cấp chứng chỉ sẽ có cơ hội được đi khắp các nước trong khối ASEAN làm việc mà không phải qua tuyển chọn.

Thúc đẩy công tác đăng bạ kỹ sư chuyên nghiệp tại Việt Nam là hoạt động mang tính chiến lược để khẳng định vị thế của ngành khoa học Việt Nam trên bản đồ thế giới - Ảnh: IT

Thúc đẩy công tác đăng bạ kỹ sư chuyên nghiệp tại Việt Nam là hoạt động mang tính chiến lược để khẳng định vị thế của ngành khoa học Việt Nam trên bản đồ thế giới - Ảnh: IT

Đến nay, Liên hiệp Các hội Khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) đã hướng dẫn, hỗ trợ xét duyệt cho trên 700 kỹ sư Việt Nam đăng bạ thành công kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN. Đây được xem là hoạt động chiến lược trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo cho ngành kỹ sư khoa học Việt Nam trong kỷ nguyên số.

PGS.TS Phạm Ngọc Linh, Phó chủ tịch VUSTA nhìn nhận: "Việc thúc đẩy đăng bạ kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN (AER) là một trong những chiến lược quan trọng nhằm nâng cao vị thế và năng lực cạnh tranh của đội ngũ kỹ sư Việt Nam trong khu vực. Với tư cách là đại diện duy nhất của cộng đồng khoa học công nghệ và kỹ thuật Việt Nam tại thiết chế này, từ năm 1998, VUSTA đã tăng cường hiểu biết, hợp tác kết nối đội ngũ kỹ sư và kỹ thuật viên từ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có trụ sở tại Việt Nam với cộng đồng khoa học kỹ thuật, đội ngũ kỹ sư quốc tế".

VUSTA sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các tổ chức nghề nghiệp, doanh nghiệp và đối tác quốc tế để hỗ trợ kỹ sư Việt Nam tham gia sâu hơn vào mạng lưới kỹ sư ASEAN và toàn cầu; góp phần thực hiện thành công Nghị quyết 57 về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực.

Ông Linh cho rằng, việc đạt được danh hiệu kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN là một dấu ấn trong tiến trình phát triển sự nghiệp, là động cơ phấn đấu để kỹ sư Việt Nam tiếp tục hoàn thiện bản thân và hướng đến những danh hiệu kỹ sư chuyên nghiệp khu vực châu Á - Thái Bình Dương hoặc kỹ sư quốc tế.

Theo ông Simon Yeong, Trưởng Ban Đăng bạ kỹ sư ASEAN, lợi ích của việc đăng bạ kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN là rất lớn. Các kỹ sư được công nhận kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN không chỉ được khẳng định về mặt chuyên môn, kinh nghiệm mà còn có được các cơ hội cụ thể như được công nhận rộng rãi trong khu vực, thuận lợi hơn khi làm việc hoặc hợp tác với các đối tác quốc tế; gia tăng cơ hội nghề nghiệp, đặc biệt trong các dự án xuyên quốc gia hoặc công ty đa quốc gia; tăng cường khả năng tiếp cận thị trường lao động khu vực trong bối cảnh các quốc gia ASEAN thúc đẩy tự do di chuyển lao động kỹ thuật có chứng chỉ; tạo nền tảng phát triển kỹ năng liên tục thông qua hệ thống đánh giá, giám sát và kết nối mạng lưới chuyên gia kỹ thuật trong khu vực.

Ông Simon khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam cần tạo điều kiện để kỹ sư của mình được tham gia vào quá trình đăng bạ, như một phần trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực bền vững.

Với định hướng hội nhập quốc tế sâu rộng và tạo nguồn nhân lực có trình độ cao, sẵn sàng làm việc trong môi trường quốc tế, việc tham gia đăng bạ kỹ sư ASEAN là một chủ trương đúng đắn, góp phần thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam.

Theo TS Phan Xuân Dũng, Chủ tịch VUSTA, hiện nay lực lượng thực hiện đăng bạ danh hiệu kỹ sư chuyên nghiệp ASEAN đa số là các kỹ sư ngành điện, do đó việc duy trì, mở rộng phạm vi, đối tượng tham gia thuộc các ngành nghề khác như điện tử, tự động hóa, xây lắp, công nghệ thông tin, viễn thông và cơ khí là hoạt động cần đẩy mạnh trong thời gian tới.

Tuyết Nhung

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/mo-rong-canh-cua-cho-ky-su-viet-nam-vuon-ra-the-gioi-232203.html
Zalo