ASEAN có thể biến áp lực thuế quan ngắn hạn thành lợi ích dài hạn như thế nào?

Trong bài viết trên tờ SCMP, tác giả Paul Teng cho rằng thương mại nội khối và nguồn cung đa dạng có thể giúp các nền kinh tế ASEAN giảm sự phụ thuộc vào Mỹ và mở rộng các lựa chọn xuất khẩu. Xin giới thiệu cùng bạn đọc.

Mức thuế quan mà Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố hôm ngày 2/4, dao động từ 10% đến mức đáng kinh ngạc là 49% đối với các quốc gia thành viên ASEAN, có khả năng gây gián đoạn nghiêm trọng đến hoạt động thương mại lương thực, sản xuất trong nước và sinh kế của hàng triệu hộ nông dân nhỏ.

Mặc dù Tổng thống Trump đã gia hạn thêm việc áp dụng thêm 90 ngày nhưng điều đó không làm giảm bớt sự bất ổn xung quanh hoạt động thương mại với Mỹ khi giá cả tăng và tình trạng thiếu hụt sẽ ảnh hưởng đến tất cả người tiêu dùng.

Tuy nhiên, sự bất ổn này có thể mở ra cơ hội thay đổi tương lai của hoạt động thương mại thực phẩm tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á - ASEAN.

Khu vực ASEAN phụ thuộc rất nhiều vào nhập khẩu để đáp ứng nhu cầu về đậu nành, ngô và lúa mì. Dữ liệu từ Trung tâm Thương mại Quốc tế cho thấy một số thành viên cũng có khối lượng xuất khẩu đáng kể sang Mỹ, đặc biệt là Việt Nam (hải sản), Indonesia (dầu cọ), Thái Lan (gạo và trái cây nhiệt đới), Philippines (sản phẩm dừa) và Malaysia (dầu cọ và trái cây nhiệt đới).

Một container được chất lên tàu chở hàng khi neo đậu tại cảng Hải Phòng. Việt Nam có thị trường xuất khẩu đáng kể sang Mỹ. (Ảnh: Reuters)

Một container được chất lên tàu chở hàng khi neo đậu tại cảng Hải Phòng. Việt Nam có thị trường xuất khẩu đáng kể sang Mỹ. (Ảnh: Reuters)

Các cuộc thảo luận đang diễn ra cho thấy tình hình vẫn còn thay đổi, và các nhà lãnh đạo ASEAN đã khôn ngoan tránh các phản ứng theo quán tính, lựa chọn đàm phán thay vì áp dụng trả đũa. Đối với các thành viên ASEAN như Việt Nam, quốc gia có thị trường xuất khẩu đáng kể sang Mỹ, bất kỳ sự sụt giảm nào trong xuất khẩu do thuế quan sẽ dẫn đến doanh thu giảm và nhu cầu sản xuất giảm.

Nhìn chung, bất kỳ sự sụt giảm nào về sản lượng đều có khả năng ảnh hưởng đến sinh kế của hơn 100 triệu nông dân sản xuất nhỏ ở Đông Nam Á và hàng nghìn người khác làm việc trong chuỗi giá trị nông sản thực phẩm.

Một quốc gia thương mại như Singapore, nơi xử lý khoảng 20% hoạt động thương mại hàng hóa nông sản thực phẩm toàn cầu, cũng có thể bị giảm hoạt động và bị ảnh hưởng về kinh tế mặc dù là quốc gia áp dụng mức thuế nhập khẩu thực phẩm bằng 0.

Thuế quan “ăn miếng trả miếng” giữa Mỹ và các nước thành viên ngoài khối ASEAN càng làm gián đoạn chuỗi cung ứng, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung và giá cả tăng trong khối đối với các mặt hàng như gạo và trái cây nhiệt đới.

Công nhân đang dỡ hàng tại một chợ gạo bán buôn ở ngoại ô Bangkok, Thái Lan. ASEAN có thể chuyển hướng các chính sách để giúp thúc đẩy sự đa dạng sản xuất trong khu vực. (Ảnh: EPA-EFE)

Công nhân đang dỡ hàng tại một chợ gạo bán buôn ở ngoại ô Bangkok, Thái Lan. ASEAN có thể chuyển hướng các chính sách để giúp thúc đẩy sự đa dạng sản xuất trong khu vực. (Ảnh: EPA-EFE)

Cái khó ló cái khôn

Trong khi thuế quan của Mỹ sẽ gây ra "đau đớn" trong ngắn hạn, đây lại là cơ hội để đưa ASEAN đến gần hơn với một thỏa thuận về hành động hợp tác có thể dẫn đến giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu và một thị trường ASEAN thống nhất hơn. Với tư cách là một khối, ASEAN có thể trở thành bên định giá và về lâu dài, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng với mức giá thấp hơn. Do đó, đề xuất của Malaysia về một phản ứng khu vực được phối hợp đối với thuế quan có thể đóng vai trò là tiền đề để ASEAN đàm phán từ vị thế sức mạnh tập thể.

Cần có cái nhìn “toàn cảnh” về mối quan hệ thương mại Mỹ-ASEAN để hiểu được những tác động dài hạn của thuế quan và để khối này có thể chủ động ngăn chặn việc phải chịu sự chi phối của tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng do địa chính trị gây ra.

Mặc dù Mỹ là một nhân tố quan trọng trong cán cân thương mại nông sản thực phẩm của khu vực nhưng vào năm 2022, ASEAN đã xuất khẩu 89,1%, đồng thời nhập khẩu tới 90,2% từ các quốc gia ngoài Mỹ.

Đậu nành, ngô và lúa mì là ba mặt hàng nhập khẩu có nhiều nguồn không phải từ Mỹ nếu ASEAN quyết định đa dạng hóa danh sách các nhà cung cấp. Nông dân Mỹ cũng có thể tăng cường nỗ lực bán cho Đông Nam Á những gì họ không thể bán cho Trung Quốc.

Do ASEAN vẫn là thị trường lớn nhất cho các thành viên - chiếm 21,6% kim ngạch xuất khẩu vào năm 2022 - các nước thành viên cũng có thể tăng cường an ninh lương thực trong khu vực bằng cách mua nhiều sản phẩm nông nghiệp hơn từ nhau.

Trước mối đe dọa về thuế quan, khối này nên xem xét lại các chính sách hiện tại của mình về việc trao đổi các mặt hàng nông sản. Để tăng cường an ninh lương thực, ASEAN có thể chuyển hướng sang các đối tác thương mại thực phẩm ổn định hơn. Mục đích không chỉ là đa dạng hóa các nguồn nhập khẩu chính mà còn mở rộng các điểm đến xuất khẩu. Trong khi các chính phủ ASEAN thường thiết lập định hướng chính sách cho các mặt hàng nông sản do lo ngại về an ninh lương thực, các bên tham gia trong ngành hiện phải xác định các thỏa thuận chiến lược xuất nhập khẩu hiệu quả nhất.

Đánh giá chính sách có thể bao gồm việc tăng năng lực sản xuất một số mặt hàng nhập khẩu chính như đậu nành, ngô và lúa mì. Điều này đòi hỏi phải thu hút các đối tác đối thoại như Hàn Quốc, Nhật Bản và Australia để tăng cường năng lực nghiên cứu và phát triển của ASEAN nhằm lai tạo các giống cây trồng mới, thích nghi với địa phương và năng suất cao. Chuyển hướng xuất khẩu và nhập khẩu để tăng thị phần của các thị trường hàng đầu khác ngoài Mỹ cũng là một lựa chọn khả thi khác.

Tuy nhiên, ASEAN phải bảo vệ chống lại các biện pháp bảo hộ – chẳng hạn như thuế 40% của Malaysia đối với gạo nhập khẩu – có thể cản trở thương mại giữa các thành viên ở những khu vực mà khối này có thặng dư. Do đó, có khả năng cân bằng lại thương mại gạo trong ASEAN để bảo vệ khu vực khỏi các sự kiện bên ngoài.

Các nước nhập khẩu thực phẩm như Singapore và Brunei cũng có thể thấy việc đầu tư vào các quốc gia Đông Nam Á khác như các nguồn thực phẩm trong tương lai và giúp ASEAN trở thành một khu vực sản xuất đa dạng hơn là chiến lược.

Khối này nên tập trung vào thế mạnh của mình, chẳng hạn như sản xuất hải sản, rau, trái cây nhiệt đới, dầu thực vật và gạo, đồng thời đạt được thỏa thuận khu vực để bù đắp cho sản lượng không đủ ở một số quốc gia thành viên ASEAN và tránh xa quan niệm sai lầm rằng các quốc gia riêng lẻ có thể đạt được khả năng tự cung tự cấp hoàn toàn.

------

(*) Paul Teng là Nghiên cứu viên cao cấp thỉnh giảng trong Chương trình Biến đổi khí hậu ở Đông Nam Á của Viện ISEAS – Yusof Ishak. Ông cũng là Cố vấn cao cấp của NIE International, Đại học Công nghệ Nanyang Singapore.

(Theo SCMP)

Hải Hà

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/asean-co-the-bien-ap-luc-thue-quan-ngan-han-thanh-loi-ich-dai-han-nhu-the-nao-313149.html
Zalo