Giá thực phẩm toàn cầu tăng mạnh
Chỉ số giá thực phẩm toàn cầu của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO) đã ở mức cao nhất trong hai năm gần đây do đà tăng giá của các loại ngũ cốc chính, thịt và các sản phẩm từ sữa.
Đây là dấu hiệu cho thấy cuộc chiến thuế quan của Tổng thống Donald Trump đang gây áp lực lên hoạt động thương mại thực phẩm toàn cầu.

Chỉ số giá thực phẩm toàn cầu của FAO trong tháng Tư tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 3-2023 do đà tăng giá của các loại ngũ cốc chính, thịt và các sản phẩm từ sữa. Ảnh: Ukragroconsult.com
Theo dữ liệu của FAO công bố hôm 2-5, chỉ số giá thực phẩm toàn cầu, theo dõi biến động giá của năm nhóm hàng hóa thực phẩm chính giao dịch trên toàn cầu đạt trung bình 128,3 điểm trong tháng Tư, tăng 1% so với tháng Ba và tăng 7,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ này đang ở mức cao nhất kể từ tháng 3-2023.
Cụ thể, chỉ số giá ngũ cốc tăng 1,2% so với tháng Ba. Giá lúa mì toàn cầu nhích nhẹ nhờ nguồn cung xuất khẩu giảm từ Nga. Giá gạo tăng 0,8% trong tháng Tư nhờ nhu cầu mạnh hơn với các giống gạo và nguồn cung gạo mới thu hoạch tại Việt Nam giảm do vụ thu hoạch vụ chính ở nước này đã bước vào giai đoạn cuối. Giá bắp cũng tăng do lượng tồn kho giảm tại Mỹ. Theo FAO, biến động tỷ giá và chính sách thuế quan mới của Mỹ cũng làm gia tăng bất ổn trên thị trường ngũ cốc.
Chỉ số giá thịt tăng 3,2% so với tháng Ba, với giá tất cả các loại thịt đều tăng dẫn đầu là thịt heo. Giá thịt bò cũng cao hơn, đặc biệt thịt bò Úc và Brazil nhờ nhu cầu nhập khẩu trên toàn cầu ổn định và nguồn cung xuất khẩu hạn chế.
Chỉ số giá bơ sữa tăng 2,4% trong tháng Tư so với tháng trước, cao hơn 22,9% so với một năm trước. Giá bơ quốc tế dẫn đầu xu hướng tăng, chạm mức cao kỷ lục do tồn kho tại châu Âu sụt giảm.
Ngược lại, chỉ số giá dầu thực vật giảm hàng tháng 2,3% nhưng vẫn còn cao hơn 20,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá dầu cọ giảm mạnh do sản lượng tăng tại các nước Đông Nam Á. Trong khi đó, giá dầu đậu nành và dầu hạt cải tăng nhờ nhu cầu nhập khẩu mạnh.
Chỉ số giá đường giảm 3,5% so với tháng Ba, chủ yếu do lo ngại về triển vọng kinh tế toàn cầu bất ổn, ảnh hưởng đến nhu cầu từ ngành đồ uống và chế biến thực phẩm, hai lĩnh vực chiếm phần lớn tiêu thụ đường toàn cầu.
Sản lượng đường lớn hơn dự kiến tại Brazil trong nửa cuối tháng Ba đã tạo thêm áp lực giảm giá. Hơn nữa, sự mất giá của đồng real Brazil so với đô la Mỹ và giá dầu thô quốc tế thấp hơn đã góp phần làm giảm giá đường thế giới. Khi giá dầu thô giảm, giá nhiên liệu cũng giảm theo làm giảm nhu cầu nhiên liệu sinh học ethanol vì nhiên liệu truyền thống rẻ hơn. Do đó, các nhà sản xuất mía đường sẽ tăng sản lượng đường thay vì ethanol làm nguồn cung đường tăng lên và kéo giá giảm xuống.
FAO cũng công bố báo cáo cập nhật thị trường ngũ cốc, với dự báo sản lượng sản lượng gạo toàn cầu trong niên vụ 2024-2025 tăng 1,5%, lên mức cao kỷ lục 543,6 triệu tấn chủ yếu nhờ diện tích canh tác mở rộng mạnh mẽ.
Sản lượng lúa mì toàn cầu trong năm 2025 dự kiến đạt 795 triệu tấn, tương đương năm trước. FAO dự đoán, sản lượng lúa mì đạt mức cao kỷ lục tại châu Á, nhờ các vụ mùa bội thu ở Ấn Độ và Pakistan cùng điều kiện cải thiện ở Nam Âu và Bắc Phi, cũng như sản lượng ổn định tại Canada và Nga. Tuy nhiên, thời tiết thiếu mưa ở Bắc Âu và Cận Đông,cùng lo ngại hạn hán tại Mỹ đang đè nặng lên triển vọng chung.
FDO dự báo, lượng tiêu thụ ngũ cốc toàn cầu trong niên vụ 2024-2025 đạt 2.870 triệu tấn, tăng 1% so với niên vụ trước nhờ nhu cầu thức ăn chăn nuôi tăng tại Trung Quốc và Nga, cùng tiêu thụ gạo tăng ở nhiều nước châu Phi.
Tồn kho ngũ cốc thế giới dự kiến giảm 1,9%, xuống 868,2 triệu tấn vào cuối năm 2025. FAO cũng hạ dự báo thương mại ngũ cốc toàn cầu trong niên vụ hiện tại xuống còn 478,6 triệu tấn, giảm 6,8% so với niên vụ trước và là mức thấp nhất kể từ mùa 2019-2020. Tuy nhiên, thương mại gạo quốc tế dự kiến tăng 1,2% để đạt mức cao kỷ lục 60,4 triệu tấn trong niên vụ 2024-2025.
Theo Fao.org, Bloomberg