Miền Bắc chuẩn bị bước vào 'mùa nồm' kéo dài hai tháng
Năm nay, mùa nồm được dự báo sẽ kéo dài từ tháng Hai cho tới hết tháng Tư. Để giảm thiểu tác động, các gia đình nên áp dụng những biện pháp chống nồm để bảo vệ sức khỏe và duy trì không gian sống khô ráo, sạch sẽ trong thời tiết ẩm ướt kéo dài.
Nồm ẩm là hiện tượng thời tiết đặc trưng ở miền Bắc Việt Nam, thường xảy ra vào cuối mùa đông và đầu mùa xuân, khi độ ẩm không khí tăng cao, gây ra hiện tượng ẩm ướt trên bề mặt sàn nhà và tường.
Ở nước ta, các đợt nồm ẩm thường kéo dài từ 3 đến 5 ngày, thậm chí có thời điểm kéo dài cả tuần và chỉ tạm thời chấm dứt khi gió mùa Đông Bắc tràn về. Tuy nhiên, khi gió mùa suy yếu, hiện tượng này lại tiếp diễn.
![Miền Bắc sắp đón thời tiết nồm ẩm kéo dài. (Ảnh minh họa)](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_07_310_51422989/36b90bcb3285dbdb8294.jpg)
Miền Bắc sắp đón thời tiết nồm ẩm kéo dài. (Ảnh minh họa)
Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, theo quy luật khí hậu, tháng Hai hàng năm vẫn là tháng của mùa Đông, do đó không khí lạnh vẫn sẽ tác động mạnh đến tình hình thời tiết của nước ta.
Từ nửa cuối tháng Hai trở đi, không khí lạnh khô thổi từ cực Bắc xuống lệch Đông, mang theo hơi ẩm từ biển vào đất liền. Trong khoảng thời gian này, miền Bắc thường xuyên có độ ẩm cao trên 90%, xuất hiện mưa phùn và sương mù, trời rét về đêm và sáng.
Hiện tượng nồm ẩm sẽ diễn ra phổ biến khắp khu vực miền Bắc, đặc biệt là tại Thủ đô Hà Nội do chịu ảnh hưởng kết hợp của nhiều yếu tố tự nhiên và nhân tạo.
Vị trí địa lý của Hà Nội vốn nằm ở đồng bằng sông Hồng với khí hậu ẩm ướt. Thêm vào đó, cơ cấu xây dựng đô thị của Hà Nội có nhiều nhà ở thấp tầng và hệ thống giao thông không thông thoáng.
Do vừa trải qua một mùa đông lạnh giá nên nhiệt độ mặt nền, sàn nhà của các công trình xây dựng chưa kịp ấm lên. Khi các cơn gió mang hơi nước thổi vào bề mặt nhà cửa sẽ tạo nên hiện tượng ngưng tụ mạnh mẽ và gây nồm ẩm trên sàn, tường và đồ vật trong nhà.
Thời tiết nồm ẩm gây nhiều cản trở cho cuộc sống và sinh hoạt hàng ngày, là môi trường phát triển lý tưởng của các loại nấm mốc ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người.
![Thời tiết nồm ẩm là môt trường lý tưởng để nấm mốc phát triển.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_07_310_51422989/cfd3f3a1caef23b17afe.jpg)
Thời tiết nồm ẩm là môt trường lý tưởng để nấm mốc phát triển.
Để phòng, tránh hiện tượng nồm ẩm trong mùa nồm sắp tới, các gia đình có thể thực hiện một số biện pháp như sau:
Giữ nhà cửa thông thoáng khi thời tiết khô ráo: Mở cửa sổ và cửa ra vào khi thời tiết khô ráo để không khí lưu thông, giảm độ ẩm trong nhà. Tuy nhiên, khi độ ẩm ngoài trời cao, nên đóng kín cửa để ngăn không khí ẩm xâm nhập.
Sử dụng thiết bị hút ẩm: Máy hút ẩm hoặc điều hòa không khí có chức năng hút ẩm có thể giúp duy trì độ ẩm trong nhà ở mức an toàn, ngăn ngừa ẩm mốc và bảo vệ sức khỏe.
Lau khô sàn nhà và bề mặt: Thường xuyên lau khô sàn nhà, tường và các bề mặt bằng khăn khô để giảm độ ẩm và ngăn chặn sự phát triển của nấm mốc.
Bảo quản đồ dùng đúng cách: Đối với các vật dụng dễ bị ẩm mốc như quần áo, sách vở, nên cất giữ trong tủ kín hoặc sử dụng túi hút ẩm để bảo vệ. Các dụng cụ như bát, đũa, thớt phải được rửa sạch và để khô hoàn toàn trước khi sử dụng lại, tránh việc để ẩm có thể gây ra sự phát triển của nấm mốc.
Hạn chế phơi đồ trong nhà: Việc phơi quần áo trong nhà có thể làm tăng độ ẩm không khí. Nếu cần thiết, nên sử dụng máy sấy hoặc phơi đồ ở nơi thoáng gió.
Bảo quản thức ăn cẩn thận trong mùa nồm: Phân loại thực phẩm khoa học, không để lẫn thực phẩm sống với thực phẩm đã chế biến, và không rã đông quá nhiều lần. Đối với thức ăn đã nấu chín, không nên để qua đêm ở nhiệt độ phòng vì điều kiện ẩm ướt sẽ tạo môi trường thuận lợi cho vi sinh vật phát triển. Nếu còn dư thừa, bạn chỉ nên bảo quản trong tủ lạnh tối đa 1 - 2 ngày.
Ngoài ra, việc theo dõi dự báo thời tiết thường xuyên sẽ giúp người dân chủ động trong việc phòng chống và giảm thiểu ảnh hưởng của hiện tượng nồm ẩm đến cuộc sống hàng ngày.