Chuyên gia lý giải nguyên nhân năm nay bệnh cúm mùa tăng
Chuyên gia bệnh truyền nhiễm nhận định do thời tiết năm nay lạnh hơn mọi năm nên nhiều người mắc bệnh cúm mùa và bệnh cũng dễ trở nặng hơn.
Liên quan đến dịch bệnh cúm mùa đang khiến người dân lo lắng, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi hội truyền nhiễm TP.HCM, nhận định bệnh cúm mùa năm nay không phải chủng mới, vẫn là cúm mùa kinh điển.
Tuy nhiên do thời tiết năm nay lạnh hơn mọi năm nên số người mắc bệnh nhiều hơn, bệnh cũng dễ trở nặng hơn.
“Nhấn mạnh là virus cúm không mạnh hơn, chỉ có thời tiết càng lạnh thì virus càng sống lâu ngoài môi trường. Vì thế người dân không nên quá hoang mang, thay vào đó cần chủ động phòng ngừa” - bác sĩ Khanh nói.
Theo BS Khanh, bệnh viêm hô hấp do nhiều virus gây ra, vì thế người dân có thể mắc cảm cúm hai đến ba đợt. Các bệnh liên quan đến viêm hô hấp có thể do virus cúm, cũng có thể do virus cảm lạnh, adeno, hợp bào gây nên. Trong số bốn virus này, chỉ virus cúm là có vaccine, những virus còn lại thì không.
![Nhiều người đến Viện Pasteur TP.HCM tiêm ngừa bệnh cúm mùa. Ảnh: THẢO PHƯƠNG](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_114_51437740/3c4fcf4ff4011d5f4410.jpg)
Nhiều người đến Viện Pasteur TP.HCM tiêm ngừa bệnh cúm mùa. Ảnh: THẢO PHƯƠNG
Để phòng ngừa, bác sĩ Khanh lưu ý người dân cần đeo khẩu trang và rửa tay khi cần. Cạnh đó cần ngủ đủ giấc, uống đủ nước, ăn đủ chất, tập thể dục, cẩn thận khi sinh hoạt bên ngoài. Nếu mắc bệnh thì không nên chủ quan mà phải biết theo dõi. Đặc biệt cần cẩn thận khi dùng thuốc kháng virus tamiflu.
Ngoài ra, bác sĩ Khanh khuyên cần tiêm ngừa cúm cho nhóm nguy cơ dễ bị nặng (trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, người trên 65 tuổi, phụ nữ mang thai, người có bệnh nền, người trẻ hay bệnh vặt). Vaccine cúm vẫn nên tiêm hàng năm cho nhóm nguy cơ cao, chứ không phải đợi khi số ca bệnh tăng hay nghe thông tin dịch bệnh mới tiêm.
“Khi mắc các bệnh viêm hô hấp, quan trọng nhất là phải theo dõi sức khỏe. Nếu không có biến chứng hô hấp, có thể điều trị tại nhà, bệnh sẽ tự hết. Nếu mắc các triệu chứng thở nhanh, thở mệt, kiệt sức mới phải đi bệnh viện” - bác sĩ Khanh khuyến cáo.
Để chủ động phòng chống cúm mùa, Sở Y tế TP.HCM khuyến cáo người dân cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất che bằng khăn vải hoặc khăn tay hoặc khăn giấy dùng một lần hoặc ống tay áo để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.
Đặc biệt, cần đeo khẩu trang trong khuôn viên bệnh viện, nơi tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng; thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay (nhất là sau khi ho, hắt hơi).
Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng, hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết. Nên tiêm vaccine phòng bệnh cúm mùa, thực hiện lối sống lành mạnh. Ăn thức ăn đủ chất dinh dưỡng, tăng cường vận động thể lực để nâng cao sức khỏe, ngăn ngừa nhiễm virus cúm.
Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi, không tự ý làm xét nghiệm và mua thuốc điều trị tại nhà mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được tư vấn, khám và xử trí kịp thời.