Những món ăn tệ nhất với người bệnh gout
Những ngày đầu năm, chế độ ăn uống thay đổi, mọi người có xu hướng tiêu thụ nhiều thịt đỏ và rượu bia. Điều này có thể làm tăng nguy cơ mắc và tái phát bệnh gout.
Gout là một dạng viêm khớp do sự tích tụ axit uric trong cơ thể, thường xảy ra khi một người có tình trạng tăng axit uric máu (hyperuricemia). Gout có thể do nhiều yếu tố gây ra, bao gồm di truyền và các bệnh lý nền.
Bên cạnh đó, chế độ ăn uống đóng vài trò quan trọng trong việc kiểm soát căn bệnh này. Tỷ lệ mắc gout thường cao hơn ở những người thường xuyên tiêu thụ nhiều thịt đỏ, thực phẩm chế biến sẵn, đường và các thực phẩm giàu purin.
![Bàn chân của một bệnh nhân mắc bệnh gout. Ảnh: BioCertica.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_119_51437587/1801613d5a73b32dea62.jpg)
Bàn chân của một bệnh nhân mắc bệnh gout. Ảnh: BioCertica.
Những thực phẩm cần tránh
Nếu bạn bị gout hoặc có nguy cơ cao mắc bệnh, việc điều chỉnh chế độ ăn uống là rất quan trọng, đặc biệt là trong dịp Tết chế độ ăn uống thay đổi.
Chia sẻ với Verywell Health, bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng Brittany Poulson, mọi người nên hạn chế ăn các thực phẩm giàu purin để giảm nguy cơ tích tụ axit uric trong cơ thể như các loại thực phẩm nhiều đường và trái cây giàu fructose, trái cây sấy...
Bên cạnh đó, đồ uống có đường như soda, nước tăng lực, nước thể thao và cà phê ngọt cũng nên cắt giảm đáng kể.
Ngoài ra, thực phẩm chế biến sẵn như bánh kẹo, bánh ngọt, bánh mì trắng, khoai tây chiên, kem và đồ ăn nhanh cũng có thể làm tăng nguy cơ gout cũng như các bệnh lý khác như tiểu đường type 2 và bệnh tim.
![Ăn nhiều các loại mứt, hoa quả sấy ngày Tết có thể tăng ngụy cơ tái phát cơn gout. Ảnh: Unsplash.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_119_51437587/b69cc1a0faee13b04aff.jpg)
Ăn nhiều các loại mứt, hoa quả sấy ngày Tết có thể tăng ngụy cơ tái phát cơn gout. Ảnh: Unsplash.
Thực phẩm chế biến sẵn, thịt đỏ và nội tạng là những nguồn cung cấp purin cao, làm gia tăng nguy cơ bùng phát gout. Các loại thực phẩm như thịt bò, bò rừng, nai, gan, tim, tuyến ức, lưỡi và thận nên được hạn chế, đồng thời các món ăn làm từ thịt như súp, nước sốt thịt và thịt chế biến sẵn như salami, pepperoni cũng có thể góp phần làm tăng nồng độ axit uric.
Không chỉ có thịt đỏ, một số loại cá và hải sản cũng chứa hàm lượng purin cao, cần hạn chế hoặc ăn dưới 170 g/ngày. Các loại cá béo như cá hồi và cá ngừ giàu omega-3 nhưng cũng chứa nhiều purin, cần bổ sung vừa phải.
Rượu cũng là một trong những tác nhân làm tăng nguy cơ mắc gout, đặc biệt là bia, rượu mạnh và rượu ngũ cốc. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng cả rượu vang, bia và rượu mạnh đều làm tăng nguy cơ tái phát gout, đặc biệt là khi tiêu thụ cùng thực phẩm giàu purin hoặc trong quá trình điều trị bệnh.
Ngoài ra, một số sản phẩm chứa men và chiết xuất từ men như nước tương, súp đóng hộp, đồ ăn đông lạnh và snack mặn cũng có thể làm tăng mức purin trong cơ thể, chỉ nên ăn trong mức hạn chế.
![Thịt gà cũng là thực phẩm chứa nhiều purin, có khả năng gây ra các cơn gout nếu ăn quá nhiều. Ảnh: Unsplash.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_10_119_51437587/ae76d84ae3040a5a5315.jpg)
Thịt gà cũng là thực phẩm chứa nhiều purin, có khả năng gây ra các cơn gout nếu ăn quá nhiều. Ảnh: Unsplash.
Những thực phẩm nên ăn
Nếu bạn bị gout, một số loại thực phẩm có thể giúp giảm axit uric và hạn chế các đợt bùng phát bệnh, đặc biệt trong dịp Tết, khi nguy cơ tái gout cao hơn gấp nhiều lần do chế độ ăn uống thay đổi.
Theo bà Brittany Poulson, vào ngày Tết, mọi người cần ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin C để kiểm soát axit uric trong máu. Một nghiên cứu cho thấy những người tiêu thụ trên 1.500 mg vitamin C/ngày có nguy cơ mắc gout thấp hơn 45%. Các nguồn cung cấp vitamin C tốt có thể kể đến là cam, bưởi, kiwi, dâu tây, ớt chuông, bông cải xanh và cà chua. Tuy nhiên, nếu bạn có nguy cơ bị sỏi thận, nên hạn chế bổ sung vitamin C liều cao.
Cà phê có thể làm giảm nguy cơ mắc gout, đặc biệt ở những người uống từ 4 cốc/ngày trở lên. Dù chưa có nghiên cứu về tác động của cà phê đối với các đợt bùng phát gout tái phát, một số bằng chứng cho thấy nó có thể giúp giảm axit uric.
Chế độ ăn ít purin là một lựa chọn hiệu quả để kiểm soát gout. Các thực phẩm ít purin gồm trái cây (đặc biệt là anh đào và cam quýt), sữa ít béo, protein thực vật (các loại hạt, đậu, đậu nành), trứng (vừa phải), ngũ cốc nguyên hạt và rau củ. Dù một số loại rau chứa purin cao, nhưng purin từ thực vật không làm tăng nguy cơ gout như purin từ động vật.
Sữa ít béo và các chế phẩm cũng có thể giúp giảm axit uric và hạn chế viêm do tinh thể urat. Nghiên cứu cho thấy tiêu thụ sữa ít béo có thể giúp ngăn ngừa gout tái phát.
Cuối cùng, người bệnh gout cũng cần uống đủ nước. Nước giúp cơ thể đào thải axit uric, giảm nguy cơ tái phát bệnh. Một nghiên cứu cho thấy uống đủ nước trong 24 giờ trước khi bị gout có thể làm giảm nguy cơ bùng phát bệnh đáng kể.