Mối nguy khi trái tim 'lỗi nhịp'

Những cơn chóng mặt, khó thở, nặng tức ngực, ngất... là dấu hiệu cảnh báo bệnh nguy hiểm, có thể đe dọa đến tính mạng nếu không được chẩn đoán, điều trị kịp thời.

Bác sĩ trò chuyện với bệnh nhân N.Đ.B khi ông dần ổn định sức khỏe sau ca can thiệp cấp cứu hôm mùng 3 tết. Ảnh: YÊN LAN

Bác sĩ trò chuyện với bệnh nhân N.Đ.B khi ông dần ổn định sức khỏe sau ca can thiệp cấp cứu hôm mùng 3 tết. Ảnh: YÊN LAN

Biến chứng nguy hiểm của nhồi máu cơ tim cấp

Với ông N.Đ.B (66 tuổi, ở xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa), tết Ất Tỵ vừa rồi thật khó quên, khi ông ngấp nghé bờ sinh - tử. Khoảng 9 giờ sáng mùng 3 tết, ông B đang ngồi uống nước trà và trò chuyện với anh em trong trang trại thì đột nhiên thấy xây xẩm mặt mũi, rụng rời tay chân; mồ hôi túa ra như tắm. Ông ráng tới nơi có cái võng, tính nằm nghỉ mệt nhưng đổ gục xuống. Ông nhanh chóng được đưa đi cấp cứu.

“Nghe con kể lại là tôi được chuyển từ Trung tâm Y tế huyện Sơn Hòa tới Bệnh viện Đa khoa Phú Yên, chớ lúc đó tôi không còn biết gì nữa”, ông B cho hay.

Theo bác sĩ Nguyễn Kỳ Đôn (Đơn nguyên Tim mạch can thiệp thuộc Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên), bệnh nhân B nhập viện trong tình trạng choáng tim, rối loạn nhịp, block nhĩ thất cấp III. Đây là những biến chứng nguy hiểm của nhồi máu cơ tim cấp.

Ê kíp can thiệp đã sử dụng thuốc vận mạch và tiến hành đặt máy tạo nhịp tạm thời (đưa điện cực vào buồng tim người bệnh để điện cực phát xung, tim sẽ co bóp theo xung điện đó) nhằm tái tạo khử cực tim và co bóp cơ tim, rồi khẩn trương can thiệp cấp cứu. Kết quả chụp mạch vành bằng thiết bị chụp mạch máu số hóa xóa nền sử dụng tia X (DSA) cho thấy bệnh nhân B bị tắc hoàn toàn động mạch vành phải.

Đây là tổn thương thủ phạm gây nhồi máu cơ tim cấp và dẫn đến những biến chứng nguy hiểm. Ê kíp can thiệp tiến hành nong và đặt stent, tái thông động mạch vành phải. Sau khi can thiệp, tần số nhịp xoang của bệnh nhân trở lại bình thường, huyết áp ổn định.

Trước đó, vào tháng 11/2024, ê kíp can thiệp Bệnh viện Đa khoa Phú Yên cũng đã can thiệp cấp cứu một trường hợp bị nhồi máu cơ tim cấp có biến chứng nguy hiểm. Bệnh nhân N.Đ (61 tuổi, ở Hòa Quang Nam, huyện Phú Hòa) được gia đình đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng huyết áp tụt, block nhĩ thất hoàn toàn, rối loạn nhịp tim nặng, choáng tim. Nhịp tim của bệnh nhân chỉ còn 30-40 nhịp mỗi phút. Theo các thống kê, với biến chứng nguy hiểm của nhồi máu cơ tim, nguy cơ tử vong trên 50%.

Ê kíp can thiệp lập tức được huy động đến Đơn nguyên Tim mạch can thiệp, tiến hành đặt máy tạo nhịp tạm thời và điều trị tái tưới máu cơ tim bằng kỹ thuật can thiệp mạch vành. Động mạch vành phải được tái thông. Sau khi can thiệp, tần số nhịp xoang của bệnh nhân nhanh chóng trở lại bình thường.

Theo BSCKI Lê Duy (Khoa Nội tim mạch - Lão học, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên), năm 2024, trong số các trường hợp nhồi máu cơ tim cấp được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Phú Yên cấp cứu, tỉ lệ bị rối loạn nhịp tim chiếm 10%. Đây là biến chứng nguy hiểm, bệnh nhân có nguy cơ tử vong nếu không được can thiệp cấp cứu kịp thời.

“Nhận diện” và điều trị rối loạn nhịp tim chậm

Theo y văn, nhịp tim bình thường của một người dao động từ 60-100 nhịp mỗi phút. Nếu nhịp tim dưới 60 nhịp mỗi phút thì có thể đã mắc bệnh rối loạn nhịp tim chậm.

BSCKI Nguyễn Duy Hiếu (Khoa Nội tim mạch - Lão học, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên) cho biết: Hiện có nhiều nguyên nhân dẫn đến bệnh lý này, có thể chia thành 2 nguyên nhân chính: Rối loạn nhịp tim chậm do hội chứng suy nút xoang và rối loạn nhịp tim chậm do rối loạn dẫn truyền nhĩ thất.

Nút xoang là nơi tạo ra nhịp tim bình thường, từ đó dẫn truyền đến toàn bộ tim, giúp tim co bóp. Nếu nút xoang suy yếu thì khả năng tạo nhịp không còn như trước, dẫn đến nhịp tim chậm.

Theo bác sĩ Nguyễn Duy Hiếu, hiện có nhiều phương pháp chẩn đoán rối loạn nhịp tim chậm. Những bác sĩ lâm sàng không chuyên sâu có thể sử dụng holter điện tim (thiết bị đo điện tim liên tục trong khoảng thời gian nhất định) trong 24 giờ, nếu nghi ngờ bệnh nhân bị rối loạn nhịp tim chậm thì đeo cho họ để theo dõi trong 48 giờ hoặc 72 giờ.

“Có thiết bị này, bác sĩ sẽ theo dõi nhịp tim của một người và biết được hoạt động của tim trong một vài ngày hoặc trong một tuần. Không chỉ giúp phát hiện những trường hợp bị rối loạn nhịp chậm, holter điện tim còn giúp thầy thuốc phát hiện các ca rối loạn nhịp nhanh hay những cơn rung nhĩ. Chuyên sâu hơn thì tiến hành thăm dò điện sinh lý. Qua ống thông, bác sĩ đưa các điện cực vô buồng tim để thăm dò chức năng các đường dẫn truyền của tim”, bác sĩ Nguyễn Duy Hiếu - người đã hoàn thành khóa đào tạo về đặt máy tạo nhịp tạm thời và đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn tại Bệnh viện Thống Nhất - cho biết.

Những dấu hiệu thường thấy của rối loạn nhịp tim chậm không đặc hiệu. Người bệnh cảm thấy chóng mặt, ngất... Có những trường hợp ngất trong 1-2 phút rồi tỉnh lại. Khi đi khám, đo điện tim thấy bình thường, bác sĩ có thể nghĩ đến cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua. Nếu không sử dụng holter điện tim thì sẽ bỏ sót rất nhiều ca rối loạn nhịp chậm. Nếu nhịp tim không hồi phục và người bệnh không được cấp cứu kịp thời, nguy cơ tử vong rất cao.

Bác sĩ Hiếu cho hay: Hầu như không có thuốc điều trị đặc hiệu những trường hợp rối loạn nhịp tim chậm. Đối với những ca được chẩn đoán rối loạn nhịp chậm và có triệu chứng cần cấp cứu thì phải đặt máy tạo nhịp tạm thời để ổn định nhịp tim và cứu sống bệnh nhân. Nếu không, nhịp tim chậm dẫn tới huyết động không ổn định, huyết áp tụt, ngưng tim.

Đặt máy tạo nhịp tạm thời là biện pháp cấp cứu bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim cấp có rối loạn nhịp chậm, đe dọa tử vong hay những ca ngộ độc thuốc dẫn tới nhịp tim chậm. Sau khi can thiệp cấp cứu, nhịp tim bệnh nhân trở lại bình thường, qua ống thông, bác sĩ sẽ rút các điện cực ra khỏi buồng tim người bệnh.

Đối với những người bệnh rối loạn nhịp tim chậm có triệu chứng không phục hồi được thì phải đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn để cải thiện chức năng tim, ngăn ngừa nguy cơ suy tim và nguy cơ tử vong.

Sắp tới, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên sẽ triển khai holter điện tim và tiến tới đặt máy tạo nhịp vĩnh viễn. Theo bác sĩ Hiếu, điều quan trọng là phát hiện kịp thời những trường hợp bị rối loạn nhịp tim chậm, không bỏ sót ca bệnh.

Điều quan trọng là phát hiện kịp thời những trường hợp bị rối loạn nhịp tim chậm, không bỏ sót ca bệnh.

BSCKI Nguyễn Duy Hiếu

(Khoa Nội tim mạch - Lão học, Bệnh viện Đa khoa Phú Yên)

YÊN LAN

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/95/325783/moi-nguy-khi-trai-tim--loi-nhip.html
Zalo