Luật Báo chí sửa đổi: Lần đầu tiên nêu mô hình Tổ hợp báo chí truyền thông tại Việt Nam
Theo tờ trình của Bộ TT&TT, cơ quan báo chí hoạt động theo mô hình Tổ hợp báo chí truyền thông được phép có một số cơ quan báo chí trực thuộc; được có cơ chế tài chính, lao động, tiền lương như doanh nghiệp; được phép có doanh nghiệp trực thuộc hoặc góp vốn tại doanh nghiệp.
Bộ TT&TT đang lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Báo chí sửa đổi với nhiều nội dung quan trọng, liên quan đến hoạt động của các cơ quan báo chí trong tình hình mới.
Lần đầu tiên có quy định về mô hình Tổ hợp báo chí truyền thông
Đáng chú ý, dự luật bổ sung quy định về mô hình Tổ hợp báo chí truyền thông. Theo đó, cơ quan báo chí hoạt động theo mô hình Tổ hợp báo chí truyền thông được phép có một số cơ quan báo chí trực thuộc; được có cơ chế tài chính, lao động, tiền lương như doanh nghiệp; được phép có doanh nghiệp trực thuộc hoặc góp vốn tại doanh nghiệp.
Chính phủ là cơ quan được giao quy định chi tiết về điều kiện, tiêu chí, thẩm quyền thành lập, mô hình hoạt động, cơ chế tài chính của tổ hợp báo chí truyền thông.
Theo quy định tại khoản 16 và 17, Điều 2 dự thảo luật thì Tổ hợp báo chí truyền thông là mô hình hoạt động của cơ quan báo chí có nhiều loại hình báo chí, có các cơ quan báo chí trực thuộc, doanh nghiệp trực thuộc, đáp ứng các điều kiện theo quy định của Chính phủ. Cạnh đó, cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện là tổ hợp báo chí truyền thông hoạt động nhiều loại hình, nhiều dịch vụ, có vai trò nòng cốt định hướng dư luận xã hội, được có cơ chế hoạt động đặc thù.
“Người đứng đầu Tổ hợp báo chí truyền thông là Tổng giám đốc” – dự luật nêu rõ.
![Theo Bộ TT&TT, việc bổ sung quy định Tổ hợp báo chí truyền thông là nhằm thúc đẩy sự phát triển của kinh tế báo chí. Ảnh: HOÀNG GIANG](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_114_51473718/74a0f0b1c1ff28a171ee.jpg)
Theo Bộ TT&TT, việc bổ sung quy định Tổ hợp báo chí truyền thông là nhằm thúc đẩy sự phát triển của kinh tế báo chí. Ảnh: HOÀNG GIANG
Theo cơ quan soạn thảo, việc bổ sung quy định này là nhằm thúc đẩy sự phát triển của kinh tế báo chí. Bởi từ lâu trên thế giới đã xuất hiện các tập đoàn, tổ hợp báo chí, truyền thông lớn, sở hữu nhiều tờ báo và kênh truyền hình khác nhau. Có thể kể đến như News Corps (Chủ sở hữu của những tờ báo lớn như Wall Street Journal, The Sun, The Times, v.v.), Comcast (Chủ sở hữu của đài truyền hình NBC, đài truyền hình Sky, các dịch vụ truyền thông và công nghệ thông tin khác), Hearst Communication Inc (Chủ sở hữu của báo San Francisco Chronical, báo Houston Chronical, Tạp chí Cosmopolitan, tạp chí Esquire, kênh truyền hình A+E…)
Doanh thu, lợi nhuận của các tập đoàn này rất lớn (doanh thu của News Corps vào năm 2022 là 10,39 tỉ USD, của Comcast là 121,4 tỉ USD và của Hearst là 12 tỉ USD). Tuy nhiên, đây là các tập đoàn báo chí, truyền thông của tư nhân.
Hay như Trung Quốc là quốc gia có thể chế chính trị, kinh tế, xã hội có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam, mô hình tập đoàn báo chí của Trung Quốc là kinh nghiệm quý báu để học tập, phát triển mô hình hoạt động báo chí của Việt Nam.
Tháng 02-1996 (5 năm trước khi Trung Quốc gia nhập WTO, tháng 12-2001), tập đoàn báo in được thành lập thí điểm đầu tiên ở Trung Quốc là tập đoàn báo in Quảng Châu, do Tổng cục Báo chí - Xuất bản và Ban Tuyên truyền Trung ương của Trung Quốc cấp phép. Hiện, Trung Quốc có khoảng trên 40 tập đoàn báo in được thành lập và hoạt động.
Ngoài ra, còn có khoảng hai chục tờ báo địa phương khác tự gọi là tập đoàn, do chính quyền địa phương và các cơ quan có liên quan cấp đăng ký kinh doanh (không cần sự phê chuẩn của Trung ương).
Trong những năm vừa qua, các tập đoàn báo chí của Trung Quốc như Tập đoàn báo in Quảng Châu, Tập đoàn Bắc Kinh nhật báo, Tập đoàn báo in Thẩm Quyến, Tập đoàn báo in Văn hội Tân dân... đều hoạt động và kinh doanh tốt, quán triệt nguyên tắc lấy nghề làm báo là chính, phục vụ Đảng và nhân dân, kết hợp hiệu quả xã hội và văn hóa, trong đó hiệu quả xã hội là hàng đầu, cạnh tranh với các tập đoàn truyền thông của thế giới.
Các tập đoàn báo chí của Trung Quốc đều thuộc sở hữu và sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chính phủ Trung Quốc. Thực hiện quyền chủ sở hữu, Đảng Cộng sản Trung Quốc và Chính phủ Trung Quốc thường thông qua chính sách chính bổ nhiệm hoặc chỉ định các cán bộ đại diện chủ sở hữu của mình tại những vị trí lãnh đạo cao nhất của tập đoàn, lãnh đạo các hoạt động và chiến lược phát triển của tập đoàn, chịu trách nhiệm trước cơ quan chủ quản.
Đơn vị sở hữu các tập đoàn báo chí là một trong những biện pháp có tính nguyên tắc nhằm chính thống hóa sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với báo chí, tránh sự chệch hướng của báo chí so với hệ tư tưởng chủ đạo…
![Cũng theo cơ quan soạn thảo, tính đến nay, chưa từng phổ biến mô hình tập đoàn báo chí tại Việt Nam. Ảnh: PLO](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_114_51473718/14689c79ad3744691d26.jpg)
Cũng theo cơ quan soạn thảo, tính đến nay, chưa từng phổ biến mô hình tập đoàn báo chí tại Việt Nam. Ảnh: PLO
Mô hình cơ quan báo chí hợp nhất cấp tỉnh
Ở Việt Nam, đã có Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) và Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) được tổ chức theo mô hình tổ hợp báo chí. Trong đó bao gồm một cơ quan báo chí chủ quản (VOV, VTV) có phát hành các sản phẩm báo chí (các kênh phát thanh VOV, Kênh truyền hình VTV) và các cơ quan báo chí con trực thuộc cơ quan báo chí chủ quản (Báo điện tử VOV, Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC, Thời báo VTV) và mỗi đơn vị được quản lý bởi tổng giám đốc và có tổng biên tập riêng, được cấp giấy phép hoạt động báo chí riêng.
Ngoài VOV và VTV, ở Việt Nam có Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) cũng được tổ chức theo mô hình tổ hợp. Tuy nhiên, TTXVN có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức được quy định tại Nghị định của Chính phủ, vừa sản xuất ra sản phẩm báo chí là các bản tin thông tấn vừa là cơ quan chủ quản của các cơ quan báo chí trực thuộc như báo điện tử Vietnam+, Báo Thể thao và Văn hóa, Báo Tin tức, Báo Việt Nam News...
Như vậy, VOV, VTV và TTXVN là các cơ quan báo chí quốc gia đặc thù và trực thuộc Chính phủ, thực hiện nhiệm vụ chính trị quan trọng của Đảng và Nhà nước.
Ở tại cấp địa phương đã hình thành mô hình cơ quan báo chí hợp nhất cấp tỉnh. Có thể kể đến như Trung tâm truyền thông tỉnh Quảng Ninh hoặc Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước, được hình thành trong quá trình quy hoạch sắp xếp các cơ quan báo chí cấp tỉnh với một báo chí (in + điện tử) và một đài PTTH. Cả hai cơ quan báo chí này hội tụ cả bốn loại hình báo chí khác nhau là báo in, báo hình, báo nói và báo điện tử.
“Đây là những mô hình đánh giá là có thể có triển vọng, nhiều tiềm năng trong tương lai, song trong quá trình hoạt động vẫn có những hạn chế cần tiếp tục hoàn thiện” – tờ trình của Bộ TT&TT nêu và chỉ ra những hạn chế này như mô hình mới, chưa có tiền lệ; hạ tầng kỹ thuật, cơ sở vật chất chưa đồng bộ, thiếu tập trung. Cạnh đó, đội ngũ phóng viên, biên tập viên còn chưa thích ứng và hoạt động đa dạng các loại hình, điều này đã gây ảnh hưởng đến quá trình sản xuất trên các hạ tầng và tối ưu hóa tổ chức, nhân sự.
Cũng theo cơ quan soạn thảo, tính đến nay, chưa từng phổ biến mô hình tập đoàn báo chí tại Việt Nam. Các cơ quan báo chí khác, ngoài ba cơ quan trên đều là các các cơ quan báo chí đơn lẻ, thường có 1-2 loại hình (in và điện tử), chưa tụ hợp dưới dạng các tổ hợp, tập đoàn lớn để có thể tận dụng được tiềm lực về nhân lực và vật lực thúc đẩy phát triển kinh tế báo chí. Từ đó để các cơ quan báo chí có nguồn thu lớn giúp cho việc tăng nguồn lực đầu tư vào các sản phẩm mới, thu hút bạn đọc nhiều hơn.
Cạnh đó, điểm c khoản 2 Điều 21 dự thảo cho phép cơ quan báo chí có nguồn thu từ hoạt động kinh doanh, dịch vụ và các đơn vị trực thuộc cơ quan báo chí, nghĩa là bước đầu cho phép hình thành mô hình Tổ hợp báo chí.
Tuy nhiên, Luật Báo chí chưa đưa ra quy định, điều kiện cụ thể đối với việc thành lập và cơ chế quản lý, hoạt động phù hợp để có thể phát triển mô hình Tổ hợp báo chí truyền thông. Nêu dẫn chứng, Bộ TT&TT cho hay Điều 14 Luật Báo chí 2016 quy định đối tượng được thành lập cơ quan báo chí chưa quy định rõ cơ quan báo chí có được phép trực thuộc một cơ quan báo chí khác, dẫn tới khó khăn trong việc triển khai mô hình Tổ hợp báo chí truyền thông.
Kết luận của Bộ Chính trị tại Thông báo 173/2005 của Trung ương về Chiến lược phát triển thông tin đến năm 2010, trong đó có nội dung “cho phép thành lập mô hình “tập đoàn báo chí, tổ hợp xuất bản”. Tuy nhiên, tên gọi cần được cân nhắc cho thích hợp. Trong quá trình thực hiện cần làm thí điểm, thực hiện từng bước, bảo đảm chất lượng và hiệu quả, không làm ồ ạt, tràn lan…
Nghị quyết 19/2017 của Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống và tổ chức quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, xác định mục tiêu tổng quát: “Đổi mới căn bản, toàn diện và đồng bộ hệ thống các đơn vị sự nghiệp công lập, bảo đảm tinh gọn, có cơ cấu hợp lý, có năng lực tự chủ, quản trị tiên tiến, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; giữ vai trò chủ đạo, then chốt trong thị trường dịch vụ sự nghiệp công”.
Từ thực tiễn đó, Bộ TT&TT nhìn nhận việc quy định Tổ hợp truyền thông báo chí là đơn vị sự nghiệp công lập, được vận dụng cơ chế tài chính, lao động tiền lương như doanh nghiệp theo quy định của pháp luật sẽ không chồng chéo với Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Doanh nghiệp.
Nghị định 60/2022 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Đài Truyền hình Việt Nam cũng quy định cơ quan này được vận dụng cơ chế tài chính, tiền lương như doanh nghiệp. Cùng đó, thực hiện quyền, trách nhiệm đại diện chủ sở hữu Nhà nước đối với các doanh nghiệp do Đài Truyền hình Việt Nam quyết định thành lập và đối với phần vốn góp tại các doanh nghiệp theo quy định.
Liên quan đến chính sách của Nhà nước về phát triển báo chí, tờ trình của Bộ TT&TT cho hay hiện chi ngân sách cho báo chí còn thấp (chi thường xuyên dưới 0,5%, chi đầu tư dưới 0,3%).
Một số cơ quan báo chí lớn chưa có đặt hàng từ ngân sách, cũng chỉ mong muốn nhà nước đặt hàng của Nhà nước được khoảng 30%, còn lại 70% tự bươn chải trên thị trường.
Nguồn thu từ quảng cáo báo chí sụt giảm, đặc biệt là báo in. Nguồn thu từ quảng cáo trực tuyến của các cơ quan báo chí chỉ còn lại khoảng 30%; 70% quảng cáo trực tuyến đã mất vào tay các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Youtube, Tiktok...
Nhiều tờ báo thực hiện quảng cáo cho sản phẩm, dịch vụ do các mạng lưới quảng cáo xuyên biên giới cung cấp, làm cho chi phí quảng cáo tiếp tục lại đổ vào các nền tảng này, doanh thu báo chí cũng vì vậy mà ngày càng eo hẹp dần. Thêm nữa, các trang tin, trang mạng xã hội cũng thu hút doanh thu quảng cáo khiến “miếng bánh” kinh tế cho các cơ quan báo chí ngày một nhỏ đi.
“Nhà nước cần ưu tiên nguồn lực cho báo chí thực hiện các nhiệm vụ thông tin tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin thiết yếu, thông tin đối ngoại và truyền thông chính sách” – Bộ TT&TT nhấn mạnh.