Lần đầu tiên BV hữu nghị Việt Nam-Cuba Đồng Hới ứng dụng keo dán sinh học trong phẫu thuật mắt
Các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới (Quảng Bình) đã thực hiện thành công ca phẫu thuật mộng thịt ghép kết mạc tự thân đầu tiên bằng keo dán sinh học.
![Các bác sĩ đã thực hiện thành công ca phẫu thuật mộng thịt ghép kết mạc tự thân đầu tiên bằng keo dán sinh học.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_94_51474038/da8cff95cedb27857eca.jpg)
Các bác sĩ đã thực hiện thành công ca phẫu thuật mộng thịt ghép kết mạc tự thân đầu tiên bằng keo dán sinh học.
Ngày 14/2/2025, khoa Mắt phối hợp với khoa Sinh hóa - Huyết học - Truyền máu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới (Quảng Bình) đã thực hiện thành công ca phẫu thuật mộng thịt ghép kết mạc tự thân đầu tiên bằng keo dán sinh học fibrin do chính bệnh viện nghiên cứu và sản xuất. Thành công này giúp bệnh viện trở thành đơn vị thứ tư trong cả nước tự sản xuất và ứng dụng keo dán fibrin trong phẫu thuật mắt, mở ra một bước tiến mới trong điều trị nhãn khoa.
Mộng thịt là một bệnh lý phổ biến ở mắt, thường gặp ở những người làm việc ngoài trời trong điều kiện gió bụi bẩn, nắng gắt. Trước đây, phương pháp điều trị chủ yếu là phẫu thuật cắt bỏ mộng thịt và ghép kết mạc tự thân, sử dụng chỉ khâu để cố định mảnh ghép. Tuy nhiên, phương pháp này có nhược điểm là gây cảm giác cộm xốn, kích thích mắt và có nguy cơ viêm nhiễm, chậm hồi phục.
![Mộng thịt là một bệnh lý phổ biến ở mắt. Trước đây, phương pháp điều trị chủ yếu là phẫu thuật cắt bỏ mộng thịt và ghép kết mạc tự thân, sử dụng chỉ khâu để cố định mảnh ghép.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_94_51474038/1a5032490307ea59b316.jpg)
Mộng thịt là một bệnh lý phổ biến ở mắt. Trước đây, phương pháp điều trị chủ yếu là phẫu thuật cắt bỏ mộng thịt và ghép kết mạc tự thân, sử dụng chỉ khâu để cố định mảnh ghép.
Nhằm khắc phục những hạn chế trên, các bác sĩ tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới đã nghiên cứu và sản xuất thành công keo dán sinh học fibrin từ máu tự thân của bệnh nhân. Keo fibrin có tác dụng cố định mảnh ghép một cách tự nhiên mà không cần dùng chỉ khâu, giúp giảm đau, hạn chế biến chứng và rút ngắn thời gian hồi phục.
Bác sĩ CKII Trần Ánh Dương, Trưởng khoa Mắt, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba, người trực tiếp thực hiện ca phẫu thuật đầu tiên với phương pháp này, chia sẻ: “Việc ứng dụng keo dán sinh học fibrin giúp bệnh nhân không còn cảm giác khó chịu do chỉ khâu, giảm nguy cơ viêm nhiễm và giúp mắt hồi phục nhanh hơn. Đặc biệt, keo fibrin được tách chiết từ chính máu của bệnh nhân nên đảm bảo tính an toàn cao, không gây phản ứng đào thải hay dị ứng.”
Ca phẫu thuật đầu tiên tại BV hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới diễn ra vào sáng nay (14/2), kéo dài khoảng 20 phút. Bệnh nhân đầu tiên được áp dụng phương pháp này là ông Nguyễn Thành N. (52 tuổi, Đồng Hới, Quảng Bình), người bị mộng thịt nhiều năm và từng phẫu thuật bằng chỉ khâu trước đó.
![Keo sinh học fibrin được tách chiết từ chính máu của bệnh nhân nên đảm bảo tính an toàn cao, không gây phản ứng đào thải hay dị ứng.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_94_51474038/ebeec1f7f0b919e740a8.jpg)
Keo sinh học fibrin được tách chiết từ chính máu của bệnh nhân nên đảm bảo tính an toàn cao, không gây phản ứng đào thải hay dị ứng.
Bệnh nhân N. chia sẻ: “Tôi từng phẫu thuật mộng thịt mắt phải cách đây vài năm, khi đó khâu chỉ rất đau và mắt bị cộm suốt một thời gian dài. Lần này, sau khi được phẫu thuật mắt trái bằng keo dán, tôi thấy mắt êm hơn hẳn, không bị cộm như trước và hồi phục rất nhanh.”
Theo BSCKII Trần Ánh Dương, phương pháp sử dụng keo dán fibrin có nhiều ưu điểm vượt trội:
Giảm cảm giác khó chịu sau phẫu thuật, không còn chỉ khâu, bệnh nhân không bị cộm, xốn hay đau đớn.
Tăng tốc độ hồi phục: Mảnh ghép kết mạc tự thân bám dính tốt hơn, nhanh lành hơn.
Giảm nguy cơ biến chứng: Hạn chế nhiễm trùng, viêm kết mạc sau phẫu thuật.
Thời gian phẫu thuật ngắn hơn: Giúp bệnh nhân tiết kiệm thời gian nằm viện và phục hồi nhanh hơn.
Việc tự sản xuất và ứng dụng keo dán fibrin đánh dấu bước tiến quan trọng trong điều trị bệnh lý mắt tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới. Với thành công này, bệnh viện đã trở thành đơn vị thứ tư trong cả nước tự sản xuất keo dán fibrin.
Bác sĩ Trần Ánh Dương cho biết thêm: “Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu và cải tiến công nghệ này để ứng dụng rộng rãi hơn trong các phẫu thuật mắt khác, không chỉ dừng lại ở mộng thịt ghép kết mạc. Nếu phương pháp này được triển khai rộng rãi, sẽ góp phần nâng cao chất lượng điều trị, giúp bệnh nhân có trải nghiệm tốt hơn và rút ngắn thời gian hồi phục.”
Trong thời gian tới, bệnh viện sẽ tiếp tục triển khai thêm nhiều ca phẫu thuật bằng keo dán fibrin và mở rộng nghiên cứu ứng dụng trong các lĩnh vực khác của nhãn khoa. Thành công này không chỉ nâng cao chất lượng dịch vụ y tế tại địa phương mà còn tạo tiền đề để nhân rộng mô hình ở nhiều địa phương khác, mang lại lợi ích lớn cho bệnh nhân.