Những điều cần biết về bệnh viêm màng não do não mô cầu và cách dự phòng
Bệnh viêm màng não do não mô cầu là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính nhóm B, do vi khuẩn não mô cầu Neisseria meningitidis còn gọi là Meningococcus gây ra. Vi khuẩn gây viêm màng não mô cầu thường cư trú ở vùng mũi, hầu, họng.
![Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh giám sát tại gia đình có ca bệnh viêm màng cầu não do não mô cầu tại xã Cổ Linh, huyện Pác Nặm](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_410_51479737/a7c390bda2f34bad12e2.jpg)
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh giám sát tại gia đình có ca bệnh viêm màng cầu não do não mô cầu tại xã Cổ Linh, huyện Pác Nặm
Viêm màng não mô cầu khó phát hiện, nhất là trong giai đoạn sớm bởi vì triệu chứng của bệnh giống như những triệu chứng viêm màng não siêu vi thông thường khác. Bệnh viêm màng não mô cầu tỷ lệ tử vong rất cao, những bệnh nhân sống sót để lại di chứng nặng nề do tổn thương não, tổn thương các cơ quan nội tạng như thận, các giác quan như thị giác, thính giác và ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, tâm sinh lí bệnh nhân.
Theo thống kê của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, tỷ lệ mắc bệnh viêm màng não mô cầu ở Việt Nam lên đến khoảng 2,3/100.000 dân. Đây là một trong 6 căn bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ tử vong cao nhất nước, lên đến 0,03/100.000 dân.
Bệnh não mô cầu có các thể lâm sàng: viêm màng não mủ, nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn, viêm khớp, viêm màng ngoài tim, ... trong đó viêm màng não mủ và nhiễm khuẩn huyết là thường gặp hơn.
Triệu chứng bệnh gồm: Sốt cao 39-40 độ C, đau đầu dữ dội, buồn nôn và nôn, cổ cứng, thường có ban xuất huyết hình sao hoặc có thể có mụn nước. Bệnh nhân thường lơ mơ hoặc hôn mê. Có trường hợp biểu hiện mệt lả đột ngột, xuất hiện mảng xuất huyết và sốc.
Ổ chứa của vi khuẩn não mô cầu trong tự nhiên là người. Thời gian ủ bệnh từ 2 - 10 ngày, thông thường từ 3 - 4 ngày. Thời kỳ lây truyền của bệnh tùy thuộc vào thời gian tồn tại của vi khuẩn não mô cầu ở mũi, họng của người nhiễm khuẩn. Đối với người bệnh, khả năng lây truyền có thể từ vài ngày trước khi khởi phát bệnh cho đến 24 giờ sau khi được điều trị bằng kháng sinh đặc hiệu.
Bệnh lây truyền qua đường hô hấp, chủ yếu qua việc tiếp xúc trực tiếp với nguồn bệnh do hít phải dịch tiết mũi, hầu, họng bắn ra từ người mang vi khuẩn (người bệnh và người lành mang trùng). Lây truyền qua đồ vật ít khi xảy ra.
Bệnh thường xảy ra ở nơi tập trung đông người (nhà trẻ, trường học, ký túc xá, doanh trại, ...), người bị suy giảm miễn dịch hoặc đồng nhiễm khuẩn đường hô hấp. Tại nước ta, bệnh lưu hành và được ghi nhận rải rác tại nhiều địa phương, hay gặp vào mùa đông - xuân. Bệnh thường để lại di chứng nặng nề như chậm phát triển tinh thần, điếc, liệt với tỷ lệ từ 10-20%. Tỷ lệ tử vong có thể từ 8 - 15%.
Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh viêm màng não mô cầu: Ai cũng có thể mắc bệnh viêm não mô cầu tuy nhiên người dưới 30 tuổi đặc biệt là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Bệnh rất nguy hiểm, diễn tiến của bệnh rất nhanh, có thể gây tử vong.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_410_51479737/1aed209312ddfb83a2cc.jpg)
Mới đây (ngày 10/2/2025), Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, thông báo tại Trung đoàn 12, Sư đoàn 3, Quân khu 1, vừa ghi nhận Hạ sĩ N.V.N, 24 tuổi, quê Bắc Ninh, nhập ngũ đầu năm 2024, được xác định quân nhân này tử vong tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 do sốc nhiễm khuẩn não mô cầu thể tối cấp.
Ngay sau khi Hạ sĩ N. tử vong, để bảo đảm khách quan, các cơ quan bảo vệ pháp luật đã vào cuộc, trưng cầu giám định pháp y để làm rõ nguyên nhân tử vong và tiến hành các thủ tục theo quy định của pháp luật. Bộ Tư lệnh Quân khu 1 đã cử đoàn công tác trực tiếp về gặp gia đình, địa phương thông báo vụ việc, động viên, giúp đỡ gia đình thực hiện công tác chính sách, tổ chức tang lễ cho quân nhân N. theo đúng quy định. Bên cạnh đó, Viện Y học dự phòng quân đội đã tổ chức phun khử khuẩn, hướng dẫn phương pháp phòng, chống dịch viêm não mô cầu cho cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 3 và tổ chức lấy mẫu xét nghiệm, cách ly theo dõi đối với 07 quân nhân của đơn vị đã tiếp xúc trực tiếp và bác sĩ điều trị cho quân nhân N. tại Bệnh viện Quân y 110.
Còn trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, năm 2024 đã ghi nhận 02 ca mắc bệnh viêm màng não do não mô cầu và 02 trường hợp trong cùng một gia đình tử vong nghi do viêm não mô cầu. Trong đầu tháng 02/2025, tại huyện Pác Nặm, qua kết quả xét nghiệm ngày 11/2/2025 của Bệnh viện Nhi Trung ương, một bệnh nhân sinh năm 2018, ở thôn Lủng Phặc, xã Cổ Linh, đã được chẩn đoán dương tính với Neisseria menigtidis (vi khuẩn não mô cầu), hiện bệnh nhân này đang được theo dõi, điều trị tích cực tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Để chủ độngphòng chống bệnh viêm màng não do não mô cầu, người dân cần thực hiện các biện pháp sau:
1. Chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ.
2. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn thông thường.
3. Thực hiện vệ sinh nơi ở, thông thoáng khí nhà, phòng ở và nơi làm việc.
4. Chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh não mô cầu.
5. Khi phát hiện dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời. Đồng thời cần thông báo cho cơ quan y tế địa phương để triển khai các biện pháp dự phòng lây nhiễm cho người xung quanh./.