Kinh doanh ngân hàng 2025: Kỳ vọng nhiều gam màu sáng
Năm 2025 được dự báo kinh doanh ngân hàng sẽ gặp không ít thách thức trước những biến động kinh tế và địa chính trị toàn cầu tiếp tục gây áp lực lên lợi nhuận và mục tiêu phát triển bền vững.
Thách thức không nhỏ
Trong nước, kinh tế Việt Nam có nhiều điểm sáng và triển vọng tăng trưởng cao, nhưng vẫn hiện diện những thách thức ở thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp và xử lý nợ xấu. Với thị trường bất động sản, mặc dù có sự phục hồi nhẹ, nhưng chưa thực sự bền vững và gặp khó khăn lớn từ các vấn đề pháp lý cũng như sự thiếu hụt nguồn cung. Các ngân hàng sẽ phải đối mặt với rủi ro cao nếu không cẩn trọng trong việc cho vay vào các lĩnh vực này. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng không ổn định, khi mà nhiều công ty gặp khó khăn trong việc phát hành trái phiếu và quản lý nợ. Khi thị trường vốn vẫn còn hạn chế, áp lực cung ứng vốn của nền kinh tế lên ngành Ngân hàng càng lớn.
Ngoài ra, nợ xấu vẫn là vấn đề nan giải đối với các ngân hàng. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu và trong nước chưa hoàn toàn ổn định, kinh doanh khó khăn, khả năng trả nợ của các doanh nghiệp và hộ gia đình có thể bị ảnh hưởng, dẫn đến tỷ lệ nợ xấu tăng cao. Bên cạnh đó, việc xử lý nợ xấu sẽ gặp thách thức không nhỏ do hành lang pháp lý chưa hoàn thiện. Chủ tịch HĐQT VIB Đặng Khắc Vỹ cho biết, hiện việc xử lý tài sản đảm bảo để xử lý nợ xấu tiếp tục gặp khó khăn vướng mắc, khi Nghị quyết 42 chưa được luật hóa, gây rủi ro rất lớn cho ngành Ngân hàng.
Nhóm tác giả DTSVN - Giải pháp chuyển đổi số ngành tài chính - ngân hàng chỉ ra thêm một thách thức khác mà ngành Ngân hàng sẽ phải đối mặt trong năm 2025 là vấn đề tiền gửi và doanh thu. Mặc dù lãi suất dự báo sẽ giảm, nhưng chi phí tài trợ của các ngân hàng có thể không giảm theo tỷ lệ tương ứng. Các chuyên gia trong Ngành dự báo chi phí tiền gửi vẫn sẽ ở mức cao so với mức trung bình của 5 năm gần đây. Điều này sẽ tạo áp lực lên biên độ lãi ròng khiến ngân hàng khó khăn hơn trong việc duy trì lợi nhuận từ hoạt động cho vay. Ngoài ra, nhu cầu vay vốn cũng có thể thay đổi, với những ảnh hưởng khác nhau đối với các loại vay khác nhau.
![Xu hướng tăng trưởng tín dụng năm giúp ngân hàng gia tăng doanh thu và lợi nhuận](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_14_59_51474006/5da718b129ffc0a199ee.jpg)
Xu hướng tăng trưởng tín dụng năm giúp ngân hàng gia tăng doanh thu và lợi nhuận
Kỳ vọng nhiều cơ hội kinh doanh
Mặc dù dự báo nhiều thách thức nhưng theo đánh giá của giới chuyên môn các ngân hàng vẫn có nhiều cơ hội mở rộng hoạt động, gia tăng doanh thu trong năm 2025.
Các chuyên gia VinaCapital phân tích, dự báo tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ năm nay sẽ chậm lại nhưng bù lại tăng trưởng của các yếu tố trong nước như đầu tư hạ tầng, bất động sản và tiêu dùng sẽ cải thiện. Các ngân hàng sẽ là bên hưởng lợi từ sự chuyển dịch sang tăng trưởng GDP nhờ vào các yếu tố nội tại trên. Bởi các ngân hàng Việt Nam tài trợ gần như tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế trong nước. Đặc biệt quyết tâm Chính phủ hỗ trợ tăng trưởng GDP đạt mục tiêu 8% thông qua đẩy mạnh đầu tư công, nhờ đó kỳ vọng sẽ mở rộng thêm cơ hội cho vay cho các ngân hàng.
Thực tế cho thấy, tăng trưởng tín dụng có tín hiệu khả quan ngay từ đầu năm 2025. Đến ngày 3/2/2025, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt 15,65 triệu tỷ đồng, tăng 0,19% so với năm 2024, trong khi cùng kỳ năm 2024, giảm 0,6%. Theo các chuyên gia, xu hướng tăng trưởng tín dụng năm 2025 được dự báo tiếp tục tích cực nhờ vào các yếu tố hỗ trợ mạnh mẽ, giúp ngân hàng gia tăng doanh thu và lợi nhuận. Đó là các giải pháp của ngành Ngân hàng duy trì lãi suất thấp để kích thích nhu cầu tín dụng, hỗ trợ phục hồi kinh tế hậu đại dịch và biến động toàn cầu. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ tiếp cận nguồn vốn dễ dàng, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, đặc biệt là tín dụng tiêu dùng trong các lĩnh vực như nhà ở, xe cộ...
Sự phục hồi của thị trường bất động sản và bán lẻ tạo ra nhu cầu vốn lớn cho xây dựng, phát triển khu đô thị, công nghiệp, và các dự án bất động sản. Các doanh nghiệp bán lẻ, đặc biệt là trong ngành FMCG và bán lẻ công nghệ cũng cần nguồn vốn lớn để mở rộng quy mô, cải thiện hệ thống phân phối và ứng dụng công nghệ. Các dự án giao thông, năng lượng, và logistics đang tạo ra sức hút mạnh mẽ với dòng vốn đầu tư từ cả trong và ngoài nước. Phát triển hạ tầng sẽ không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn tạo ra nhu cầu tín dụng cho nhiều ngành nghề khác.
Thực tế đây đang là lĩnh vực đang được các ngân hàng hướng tới. Theo chia sẻ của ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc OCB, trong chiến lược kinh doanh, ngân hàng này lựa chọn hướng đến những ngành là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế với tốc độ tăng trưởng cao và tiềm năng mở rộng như: năng lượng, FMCG, logistic, bất động sản nhà ở… “Trong năm 2025, OCB vẫn tiếp tục đẩy mạnh, tập trung tài trợ cho vay các lĩnh vực xanh, ít tiêu tốn năng lượng, thân thiện với môi trường, bên cạnh cho vay tệp khách hàng SMEs và các doanh nghiệp có quản lý là nữ giới”, ông Hải thông tin thêm.
Cơ hội thuận lợi nữa theo nhận định của ông Trần Hoài Nam, Phó Tổng giám đốc HDBank, các bộ luật quan trọng liên quan đến nhiều lĩnh vực kinh tế đã được sửa đổi, bổ sung và đang dần đi vào thực tiễn, tạo nên môi trường pháp lý minh bạch, ổn định hơn. Cùng với triển vọng phục hồi của thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, tăng trưởng tiêu dùng và khả năng nâng hạng thị trường chứng khoán hứa hẹn thu hút dòng vốn quốc tế, gia tăng động lực phát triển kinh tế. Một yếu tố đáng chú ý khác theo lãnh đạo HDBank là sự chuyển dịch vốn đầu tư toàn cầu về Việt Nam, mở ra cơ hội lớn để mở rộng quy mô hoạt động và thúc đẩy hợp tác quốc tế. Các ngân hàng sẽ có thể tận dụng xu hướng này để mở rộng mạng lưới hoạt động, cải thiện dịch vụ và thu hút thêm khách hàng trong và ngoài nước. “Công nghệ và số hóa được dự báo sẽ tiếp tục bùng nổ trong năm 2025, đặc biệt với việc thực thi các yếu tố ESG và chuyển đổi xanh. AI và Big Data sẽ là yếu tố then chốt quyết định sự khác biệt giúp các ngân hàng cung cấp dịch vụ đa dạng và tiện ích vượt trội”, ông Trần Hoài Nam nhận định.
Mặc dù nền kinh tế Việt Nam có những tín hiệu tích cực, nhưng các chuyên gia lưu ý, ngành Ngân hàng cũng cần phải cẩn trọng với chất lượng tài sản và các vấn đề liên quan đến quản lý nợ xấu, đặc biệt trong bối cảnh không chắc chắn của nền kinh tế toàn cầu và thị trường bất động sản chưa thực sự khởi sắc. Trong bất kỳ bối cảnh nào, ông Trần Hoài Nam nhấn mạnh, quản trị rủi ro và tuân thủ luôn là “chìa khóa” để các ngân hàng phát triển an toàn và bền vững.
Có thể thấy năm 2025 sẽ đối diện với không ít thách thức từ biến động kinh tế toàn cầu, nhưng có thể thấy ngành Ngân hàng Việt Nam vẫn có nhiều cơ hội để phát triển. Đặc biệt, với sự phục hồi của các ngành quan trọng như bất động sản, tiêu dùng, cơ sở hạ tầng, cùng với xu hướng số hóa và chuyển đổi xanh, các ngân hàng có thể tận dụng những cơ hội này để mở rộng quy mô và nâng cao hiệu quả hoạt động.