Kiều bào hiến kế để hàng Việt 'cất cánh'

Tại hội nghị tổng kết 5 năm triển khai Đề án 1797, các đại biểu cho rằng kiều bào không chỉ là lực lượng tiêu thụ mà còn là những nhà tư vấn, nhà phân phối hiệu quả, giúp hàng Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và xây dựng uy tín trên thị trường toàn cầu.

Kiều bào là lực lượng tiêu thụ và nhà phân phối

Sáng 27/4, tại TP. Nha Trang, Bộ Ngoại giao và UBND tỉnh Khánh Hòa phối hợp tổ chức hội nghị tổng kết 5 năm triển khai Đề án “Huy động người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài" (Đề án 1797).

Các đại biểu tham gia hội nghị.

Các đại biểu tham gia hội nghị.

Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện đề án, ông Nguyễn Trung Kiên - Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, nhấn mạnh: Đề án 1797 đã tạo ra một mạng lưới kết nối hiệu quả giữa doanh nghiệp trong nước, cơ quan quản lý và kiều bào. Nhiều mặt hàng nông sản chủ lực và sản phẩm công nghiệp Việt Nam đã được giới thiệu và phân phối thành công tại các thị trường trọng điểm như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc, thậm chí thâm nhập vào các hệ thống siêu thị và sàn thương mại điện tử lớn tại nhiều quốc gia.

Bà Lê Thị Thu Hằng - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao - phát biểu tại hội nghị.

Bà Lê Thị Thu Hằng - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao - phát biểu tại hội nghị.

Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam cũng đã tăng trưởng ấn tượng, từ 516,96 tỷ USD năm 2020 lên 786,29 tỷ USD vào cuối năm 2024, trong đó có sự đóng góp không nhỏ của cộng đồng người Việt ở nước ngoài.

"Kiều bào không chỉ là lực lượng tiêu thụ mà còn là những nhà tư vấn, nhà phân phối hiệu quả, giúp hàng Việt Nam đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và xây dựng uy tín trên thị trường toàn cầu", ông Kiên khẳng định.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh, kết quả triển khai Đề án 1797 không chỉ thúc đẩy mạnh mẽ xuất khẩu, một trong những động lực tăng trưởng chủ lực của nền kinh tế mà còn góp phần truyền tải hình ảnh, văn hóa, bản sắc của dân tộc tới đông đảo bạn bè quốc tế.

"5 năm triển khai đề án trùng với 5 năm đất nước đối mặt với nhiều thách thức lớn như đại dịch COVID-19 và những biến động phức tạp của tình hình thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn giữ vững đà tăng trưởng kinh tế, khẳng định vị thế trên trường quốc tế", bà Hằng nói.

Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng đề nghị các chuyên gia, trí thức, doanh nhân kiều bào đóng góp các giải pháp nâng cao hiệu quả đề án và phản ánh thực chất những hạn chế, điểm nghẽn để có những điều chỉnh phù hợp, không chỉ thúc đẩy kinh tế mà còn hoàn thiện thể chế trong nước.

Tăng cường hoạt động quảng bá hàng Việt ở nước ngòai

Tại hội nghị, các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp như: Ứng dụng công nghệ trong logistics, học hỏi các nước về tự động hóa và trí tuệ nhân tạo; phát triển hệ thống cửa hàng tiện lợi và mô hình phân phối đa kênh; quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc để đưa hàng Việt ra nước ngoài.

Các kiều bào thảo luận, đề xuất giải pháp thúc đẩy xuất khẩu và phát triển kênh phân phối hàng Việt Nam ra nước ngoài.

Các kiều bào thảo luận, đề xuất giải pháp thúc đẩy xuất khẩu và phát triển kênh phân phối hàng Việt Nam ra nước ngoài.

Bà Lê Thương - Phó Chủ tịch Hiệp hội xúc tiến hợp tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản - kiến nghị cần xây dựng hệ thống sinh thái kết nối giữa doanh nghiệp trong nước và kiều bào để thúc đẩy xuất khẩu hàng Việt cũng như phát triển đa dạng kênh phân phối, khẳng định uy tín thương hiệu. Đặc biệt, tăng cường hơn nữa hoạt động quảng bá sản phẩm tại thị trường nước ngoài.

"Muốn nhập khẩu hàng hóa và bất kỳ một thị trường nào thì cũng cần có sự quảng bá nhưng thực tế mỗi hội nghị xúc tiến thì các đại biểu chỉ sang thời gian ngắn nên sản phẩm của mình rất khó để lại ấn tượng", bà Thương cho hay.

Thanh Thanh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/kieu-bao-hien-ke-de-hang-viet-cat-canh-post1737606.tpo
Zalo