Hiệu quả quản lý thuế khi đẩy mạnh chuyển đổi số
Chuyển đổi số là giải pháp cần thiết để tối ưu hóa các quy trình quản lý, tăng cường tính minh bạch và cải thiện sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Thời gian qua, công tác chuyển đổi số được ngành Thuế tỉnh đẩy mạnh thông qua tăng cường cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa quản lý thuế.
Một trong những dấu ấn nổi bật trong hành trình hiện đại hóa ngành thuế chính là việc triển khai hóa đơn điện tử (HĐĐT). Thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ phận Một cửa - Chi cục Thuế khu vực XV tại tỉnh (Cục Thuế tỉnh trước đây) đã áp dụng đồng bộ các giải pháp số hóa trong quản lý thuế, đặc biệt là hệ thống quản lý HĐĐT. Theo đó, toàn bộ các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai đã thực hiện áp dụng HĐĐT trong tất cả các giao dịch phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh, mua bán, cung cấp hàng hóa, dịch vụ giúp giảm thiểu thủ tục hành chính, mà còn góp phần tạo môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng. Tính đến nay, toàn tỉnh có 8.286 người nộp thuế đã áp dụng HĐĐT, trong đó bao gồm 7.605 doanh nghiệp và 681 hộ kinh doanh, cá nhân.


Hỗ trợ các cửa hàng xăng dầu tự động kết nối dữ liệu cột bơm và xuất hóa đơn bán lẻ.
Đáng chú ý, nhằm đáp ứng yêu cầu sử dụng hóa đơn trong các mô hình kinh doanh bán lẻ trực tiếp đến người tiêu dùng, ngành Thuế đã triển khai giải pháp HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền đối với các cơ sở thuộc các nhóm ngành như ăn uống, nhà hàng, khách sạn, vui chơi giải trí, xăng dầu, vàng bạc... Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế và UBND tỉnh theo Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 11/4/2023, cơ quan thuế địa phương đã đẩy mạnh triển khai giải pháp này. Đến nay, toàn tỉnh có 798 doanh nghiệp, tổ chức và hộ kinh doanh đang áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền.
Bên cạnh đó, ngành Thuế cũng tập trung triển khai việc áp dụng HĐĐT theo từng lần bán hàng đối với các cửa hàng xăng dầu theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã có 277 cửa hàng xăng dầu trên địa bàn tỉnh thực hiện giải pháp phát hành HĐĐT theo từng lần bán hàng, kết nối trực tiếp với hệ thống cơ quan thuế.
Không chỉ dừng lại ở HĐĐT, ngành Thuế tỉnh còn triển khai đồng bộ các giải pháp hiện đại hóa ở tất cả các khâu: từ kê khai, nộp thuế, hoàn thuế đến thanh toán điện tử. Trong quý I/2025, tỷ lệ doanh nghiệp nộp hồ sơ khai thuế điện tử đạt 99,38%, với 17.923 lượt hồ sơ. Số tiền nộp thuế qua phương thức điện tử đạt 3.167 tỷ đồng, chiếm 99,26% tổng thu NSNN. Việc hoàn thuế điện tử cũng đạt tỷ lệ 100%, với 13 hồ sơ được giải quyết, tổng số tiền hoàn lên tới gần 50 tỷ đồng.
Một điểm sáng khác là sự gia tăng mạnh mẽ của người dân sử dụng ứng dụng eTax-Mobile. Riêng trong quý I/2025, đã có 4.560 người nộp thuế sử dụng ứng dụng này với số tiền nộp gần 26 tỷ đồng. Kể từ khi triển khai đến nay, số người dùng đã lên đến 19.719, với tổng số tiền thuế nộp đạt hơn 54,6 tỷ đồng. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy người dân ngày càng chủ động tiếp cận và ứng dụng công nghệ trong thực hiện nghĩa vụ thuế. Đối với các dịch vụ công thiết yếu như kê khai lệ phí trước bạ phương tiện, chuyển đổi số cũng đang phát huy hiệu quả rõ rệt. Toàn tỉnh đã tiếp nhận hơn 57.000 tờ khai lệ phí trước bạ ô tô, xe máy qua phương thức điện tử. Riêng quý I/2025, có 9.010 tờ khai được nộp trực tuyến, giúp người dân tiết kiệm thời gian và chi phí đáng kể. Đáng ghi nhận, hình thức thanh toán điện tử trong lĩnh vực lệ phí trước bạ ngày càng phổ biến. Trong 3 tháng đầu năm, đã có hơn 21.000 giao dịch nộp lệ phí ô tô, xe máy được thực hiện thông qua Cổng Dịch vụ công quốc gia hoặc qua các kênh ngân hàng điện tử Internet banking, Mobile banking, với tổng số tiền gần 96 tỷ đồng. Tính đến thời điểm hiện tại, số giao dịch thanh toán điện tử lên đến 133.033 lượt, đóng góp hơn 675 tỷ đồng vào ngân sách...