Giới tài chính thở phào khi Tổng thống Trump ngừng gây sức ép lên Fed và IMF
Các nhà hoạch định chính sách toàn cầu tụ họp tại Washington tuần này đã thở phào nhẹ nhõm rằng trật tự kinh tế lấy Mỹ làm trung tâm đã tồn tại trong 80 năm qua vẫn còn giữ được, trước cách tiếp cận 'hướng nội' của Tổng thống Trump.
Các cuộc họp mùa xuân của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) trong tuần này chủ yếu bàn về các cuộc đàm phán thương mại với một số tuyên bố hạ nhiệt căng thẳng từ Washington về mối quan hệ với Trung Quốc.
Nhưng họ vẫn chưa có lời giải cho một số câu hỏi sâu sắc hơn sau các cuộc "tấn công" của Tổng thống Trump vào các tổ chức tài chính quốc tế và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Chẳng hạn, liệu chúng ta vẫn có thể tin tưởng vào đồng đô la Mỹ như một nơi trú ẩn an toàn của thế giới và vào hai định chế tài chính quốc tế đã hỗ trợ hệ thống kinh tế toàn cầu kể từ khi Thế chiến thứ hai kết thúc hay không?

Logo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Ảnh: AFP
Các cuộc trao đổi giữa hàng chục nhà hoạch định chính sách từ khắp nơi trên thế giới ghi nhận sự thở phào nhẹ nhõm chung khi Tổng thống Trump giảm bớt các mối đe dọa sa thải Chủ tịch Fed Jerome Powell, người bảo vệ vị thế quốc tế của đồng đô la Mỹ, người mà trước đó ông chủ Nhà Trắng đã chỉ trích là "kẻ thất bại lớn".
Tia hy vọng cũng xuất hiện trong lời kêu gọi của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent về việc định hình lại IMF và WB theo các ưu tiên của Tổng thống Trump, bởi nó ngụ ý rằng Mỹ sẽ không rút khỏi hai định chế tài chính mà Washington đã hỗ trợ thiết lập tại hội nghị Bretton Woods năm 1944.
"Tuần này là một tuần nhẹ nhõm thận trọng", Thống đốc Ngân hàng Trung ương Áo Robert Holzmann cho biết. "Đã có một sự thay đổi (trong lập trường của chính quyền Mỹ) nhưng tôi lo rằng đây có thể không phải là lần cuối cùng. Tôi vẫn giữ nguyên quan điểm thận trọng của mình".
Việc chính trị hóa Fed và ở mức độ thấp hơn là việc xoáy sâu vào Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới gần như là quá sức chịu đựng đối với hầu hết các quan chức ngân hàng.
Mối quan ngại cốt lõi của các nhà hoạch định chính sách là hiện không có giải pháp thay thế nào cho Mỹ với tư cách là một bá chủ tài chính thế giới - một tình huống mà các nhà kinh tế gọi là Bẫy Kindleberger theo tên của nhà sử học kinh tế quá cố Charles Kindleberger.
Mặc dù, đồng euro, một loại tiền tệ dự trữ thứ hai thế giới, đang trở nên phổ biến trong bối cảnh Liên minh châu Âu mới tìm thấy vị thế là một vùng đất tương đối ổn định.
Nhưng nhiều nhà hoạch định chính sách đã kiên quyết khẳng định với Reuters đồng tiền chung châu Âu vẫn chưa sẵn sàng để soán ngôi đồng đô la Mỹ và cùng lắm chỉ có thể hy vọng tăng thêm một chút vào 20% thị phần dự trữ của thế giới.
Trong số 20 nước thành viên của Eurozone, chỉ có Đức có xếp hạng tín dụng và quy mô đạt yêu cầu của các nhà đầu tư về một nơi trú ẩn an toàn. Một số thành viên khác đang mắc nợ rất nhiều và dễ gặp phải những cơn bất ổn chính trị và tài chính - gần đây nhất là ở Pháp vào năm ngoái - làm khơi lại những câu hỏi bấy lâu nay về khả năng tồn tại lâu dài của khu vực này.
Trong khi đó, vai trò của đồng yên Nhật Bản hiện chưa quá lớn còn đồng nhân dân tệ được kiểm soát chặt chẽ của Trung Quốc đang ở vị thế không tốt, điều này đồng nghĩa rằng không còn lựa chọn nào khác ngoài hệ thống đô la Mỹ mà Fed và hai định chế IMF và WB thúc đẩy, theo Reuters.
Trên thực tế, IMF và WB khó có thể tồn tại nếu Mỹ - "cổ đông" lớn nhất của họ - rút lui, Reuters dẫn lời các quan chức tài chính cho biết.
"Mỹ thực sự quan trọng đối với các tổ chức đa phương", Bộ trưởng Tài chính Ba Lan Andrzej Domanski nói với Reuters. "Chúng tôi rất vui vì họ vẫn ở lại".
Tuy nhiên, một số nhà quan sát cho rằng sự hỗn loạn của thị trường tài chính trong vài tuần qua, khiến trái phiếu, cổ phiếu và tiền tệ của Mỹ bị bán tháo mạnh, có thể là một cú hích khiến chính quyền Tổng thống Trump phải thay đổi chiến lược.
"Khi Tổng thống Trump nói về việc sa thải ông Powell (Chủ tịch Fed - BTV), thực tế là thị trường phản ứng rất mạnh với điều đó đã trở thành một vấn đề mang tính kỷ luật, nó nhắc nhở chính quyền Mỹ rằng nếu vượt qua ranh giới đó, nó có thể dẫn đến một số hậu quả rất nghiêm trọng", ông Nathan Sheets, nhà kinh tế trưởng toàn cầu tại Citigroup, nhận định.