Vàng neo quanh mốc 120 triệu đồng/lượng sau tuần biến động mạnh

Giá vàng đã có thời điểm lập đỉnh lịch sử gần 3.500 USD/ounce nhưng cũng nhanh chóng bốc hơi' gần 200 USD sau thông tin Mỹ và Trung Quốc có dấu hiệu nhượng bộ thuế quan. Tuy vậy, giá vàng trong nước vẫn neo cao.

Vàng thế giới giảm, USD phục hồi

Vàng thế giới trải qua tuần biến động mạnh. Giá vàng đã có thời điểm lập đỉnh lịch sử gần 3.500 USD/ounce vào đầu tuần do các nhà đầu tư lo ngại gia tăng căng thẳng trong thương mại Mỹ - Trung cùng những dòng công khai chỉ trích Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell "quá chậm trễ" trong điều hành chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Tuy vậy, giá vàng nhanh chóng "bốc hơi" gần 200 USD sau thông tin Mỹ và Trung Quốc có dấu hiệu nhượng bộ thuế quan.Tổng thống Trump tái khẳng định rằng các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc vẫn đang diễn ra bất chấp sự phủ nhận từ phía quốc gia này. Theo thông tin mới đây từ hãng tin Reuters, Trung Quốc đã lặng lẽ miễn thuế cho một số mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ vốn nằm trong danh sách bị áp mức 125% và yêu cầu các doanh nghiệp báo cáo những hàng hóa thiết yếu cần được miễn thuế. Các tín hiệu sự tan băng trong tranh chấp thương mại cùng việc Tổng thống Trump giảm bớt bình luận của mình về sự độc lập của Fed đã làm giảm sức hấp dẫn của kênh đầu tư trú ẩn an toàn như vàng.

Dù xác lập kỷ lục giá mới, tính chung cả tuần, vàng đã điều chỉnh giảm sau hai tuần tăng liên tiếp. Tuy vậy, với mức giá đóng cửa tuần qua (3.320 USD/ounce), vàng vẫn tăng khoảng 30% đầu năm đến nay. Theo các chuyên gia, vàng đã vượt S&P 500 trở thành một trong những kênh cất giữ tài sản có lời nhất kể từ đầu 2023.

Trái với diễn biến trên thị trường vàng thế giới, chỉ số Dollar Index (DXY) phục hồi trở lại trên ngưỡng 99,5 điểm sau những phiên bán tháo kéo đồng USD xuống vùng đáy 3 năm (quanh mức 98 điểm). Kỳ vọng giảm leo thang thương mại và phát biểu mềm mỏng từ chính quyền Trump, khẳng định không có ý định sa thải Chủ tịch Fed Jerome Powell đã giúp hạ nhiệt thị trường vàng và đưa đồng USD phục hồi trở lại.

Tỷ giá USD/VND cũng tăng theo sự phục hồi của USD. Lần đầu tiên, tỷ giá USD bán ra tại các ngân hàng thương mại đã chạm mốc 26.200 VND/USD. Từ đầu năm, dù chỉ số DXY đã giảm sâu, đồng VND vẫn giảm so với đồng USD. Theo đánh giá của chuyên gia từ S&I Ratings, trong bối cảnh dự trữ ngoại hối đã về mức thấp (khoảng 2,4 tháng nhập khẩu), NHNN sẽ khó có thể can thiệp mạnh vào việc ổn định tỷ giá. Diễn biến của tỷ giá và lãi suất sẽ cần được theo dõi chặt chẽ trong thời gian tới dưới sự ảnh hưởng từ các động thái của Chính phủ Mỹ.

Vàng trong nước nới rộng khoảng cách với thế giới

Đối với thị trường vàng tại thị trường, vàng miếng SJC cũng rất nhanh chóng hấp thụ sức nóng khi vàng thế giới lập đỉnh giá mới nhưng hiện chưa hạ bớt nhiệt. Có thời điểm, giá vàng miếng SJC niêm yết tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn (SJC) và các hãng kinh doanh vàng vọt lên 122 triệu đồng/lượng (mua vào) và 124 triệu đồng/lượng (bán ra) do tâm lý của nhà đầu tư trước diễn biến bất ngờ trên thị trường quốc tế. Sau đó, giá vàng giảm sốc 5 triệu đồng/lượng chỉ sau một ngày. Hiện giá vàng miếng bán ra đang giằng co quanh mốc 120 triệu đồng/lượng.

Khép lại tuần qua, vàng miếng SJC đóng cửa ở mức 119 triệu đồng/lượng (mua vào) và 121 triệu đồng/lượng (bán ra), vẫn cao hơn tới 7 triệu đồng/lượng so với cuối tuần trước bất chấp vàng thế giới đã điều chỉnh sâu. Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế qua đó nới rộng hơn trước biến động của thị trường thế giới.

Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới nới rộng gần đây - Nguồn: S&I Ratings

Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và thế giới nới rộng gần đây - Nguồn: S&I Ratings

Theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan theo dõi sát tình hình và diễn biến thị trường tài chính, tiền tệ, ngoại hối, thị trường vàng trong nước và quốc tế để khẩn trương thực hiện ngay các giải pháp theo quy định để ổn định thị trường vàng. Đồng thời, tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định, không để xảy ra việc trục lợi, thao túng, làm giá, đầu cơ... trên thị trường vàng theo đúng ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ tại văn bản số 1483/VPCP-KTTH ngày 04/4/2025; chủ động thực hiện ngay các biện pháp thông tin truyền thông để ổn định tâm lý xã hội.

Trong tuần qua, ngân hàng Nhà nước chi nhánh khu vực 2 yêu cầu các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng được phép hoạt động kinh doah mua bán vàng miếng ở TP. Hồ Chí Minh có biện pháp quản lý, giám sát, nghiêm cấm các hình thức biến tướng như đầu cơ, làm giá, trục lợi, các điểm kinh doanh niêm yết giá vàng công khai minh bạch cho người dân nắm rõ khi giao dịch.

Cuối năm 2024, tại Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV ban hành tháng 11/2024, Quốc hội chỉ đạo nâng cao vai trò quản lý và điều tiết thị trường vàng của Nhà nước theo đúng quy định; không để biến động giá vàng ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô. Chậm nhất tháng 6/2025, cần tiến hành tổng kết, nghiên cứu và đề xuất sửa đổi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

Tuần tới, một loạt dữ liệu kinh tế quan trọng sẽ được công bố, trong bối cảnh tâm lý thị trường vẫn nhạy cảm sau những biến động mạnh vừa qua. Tại Mỹ, tâm điểm chú ý của giới đầu tư sẽ là báo cáo ước tính đầu tiên về GDP quý I/2025, với dự báo tăng trưởng chỉ đạt 0,4% – mức thấp nhất kể từ quý II/2022. Con số này nếu đúng như dự báo có thể cho sự suy yếu của chi tiêu tiêu dùng cùng tác động từ việc nhập khẩu tăng vọt trước làn sóng áp thuế. Cùng với đó, chỉ số PCE tháng 3, thước đo lạm phát ưa thích của Fed, được kỳ vọng giảm tốc rõ rệt. Báo cáo việc làm tháng 4 cũng sẽ được công bố, với số lượng việc làm mới dự báo giảm đáng kể so với tháng trước, cho thấy dấu hiệu chững lại của thị trường lao động. Ngoài ra, mùa báo cáo lợi nhuận quý I của các doanh nghiệp Mỹ sẽ bước vào giai đoạn cao điểm với các báo cáo tài chính của các “ông lớn” như Apple, Microsoft, Amazon và Meta.

Tại châu Âu, các số liệu sơ bộ về GDP quý I và lạm phát tháng 4 cũng sẽ vai trò quan trọng trong việc định hướng chính sách tiền tệ sắp tới của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Trung Quốc sẽ công bố loạt chỉ số PMI sản xuất tháng 4 – chỉ dấu quan trọng để đánh giá tác động thực tế từ các biện pháp áp thuế mới. Tại Úc, báo cáo CPI quý I cũng có thể gợi mở kỳ vọng về lộ trình lãi suất của Ngân hàng Trung ương Úc trong thời gian tới. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) sẽ có cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ với dự báo đang nghiêng về khả năng giữ nguyên lãi suất.

Tùng Linh

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/vang-neo-quanh-moc-120-trieu-dongluong-sau-tuan-bien-dong-manh-d274074.html
Zalo