Khu vực thượng nguồn vẫn sẽ là điểm nhấn của ngành Dầu khí năm 2025
Theo nhận định của các công ty chứng khoán về triển vọng của lĩnh vực dầu khí, đầu tư thượng nguồn toàn cầu nói chung, cũng như trong nước nói riêng năm 2025 nhiều khả năng vẫn sẽ duy trì ở mức cao, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp dịch vụ thượng nguồn, nổi bật như PVS, PVD.
Báo cáo phân tích của Công ty CP Chứng khoán Dầu khí (PSI) dẫn những nhận định tích cực cho khu vực thượng nguồn ngành Dầu khí. Trong đó, S&P Global dự báo vốn đầu tư toàn cầu cho phân khúc thượng nguồn ngành dầu khí sẽ phục hồi với tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) 4% trong giai đoạn 2023 – 2027. Trung Đông dự kiến là khu vực dẫn dắt hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí (E&P) toàn cầu. Theo sau sẽ là các quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á.

PSI tổng hợp
Tại khu vực Đông Nam Á, mức giá hòa vốn của các dự án khai thác dầu ở khoảng 50 – 60 USD/thùng, do đó theo PSI ngay cả khi không tăng, giá dầu Brent sẽ vẫn cao hơn nhiều so với mức giá hòa vốn sản xuất, từ đó thúc đẩy đầu tư các dịch vụ E&P.
S&P Global dự báo trong giai đoạn 2025 – 2026, nhu cầu cho các giàn khoan tự nâng toàn cầu sẽ được cải thiện tích cực bởi tình trạng dư thừa nguồn cung sẽ giảm bớt. Tại Đông Nam Á, thị trường giàn khoan tự nâng (JU) được kỳ vọng sẽ duy trì lạc quan.

Lễ khởi công giàn CPP Dự án Lô B vào năm 2024 với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính
Tại Việt Nam, dự án Lô B được coi là động lực chính của ngành Dầu khí. Hiện tại dự án chỉ còn vướng mắc ở khâu hạ nguồn (Hợp đồng mua bán điện (PPA) cho nhà máy điện Ô Môn 1, 2, 3, 4 và Hợp đồng mua bán khí (GSA) cho 3 nhà máy điện 2, 3, 4) để có FID. Tuy nhiên việc đã chính thức khởi công xây dựng các gói thầu EPCI 1 và EPCI 2 thuộc khâu thượng nguồn, PSI kỳ vọng FID đối với đại dự án sẽ sớm được chính thức thông qua. Theo đó các doanh nghiệp dầu khí thượng nguồn trong nước như PVS, PVD sẽ hưởng lợi từ nguồn công việc lớn từ dự án.
Theo Công ty CP Chứng khoán VNDIRECT, sau 5 năm liên tiếp tăng trưởng, dự báo về đầu tư thượng nguồn dầu khí vào năm 2025 cho thấy xu hướng ổn định, với các dự báo khác nhau từ các tổ chức uy tín trong ngành. Nhìn chung đầu tư thượng nguồn toàn cầu trong năm 2025 nhiều khả năng vẫn sẽ duy trì ở mức cao, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp dịch vụ thượng nguồn trong năm 2025.
Tại Việt Nam, các buổi lễ khởi công chế tạo cho các dự án thượng nguồn trọng điểm tại Việt Nam như Lô B và Lạc Đà Vàng trong nửa cuối năm 2024 là tín hiệu cho việc giai đoạn mua sắm và chế tạo – một trong những giai đoạn cao điểm của dự án chỉ mới bắt đầu, đồng nghĩa việc dòng doanh thu lớn đến từ các dự án này sẽ bắt đầu đóng góp vào kết quả kinh doanh của các nhà thầu EPCI trong thời gian tới.
Theo VNDIRECT, Tổng công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC, mã chứng khoán: PVS) nhìn chung sẽ là doanh nghiệp được hưởng lợi lớn nhất từ xu hướng này với việc tham gia vào hầu hết các gói thầu chính tại dự án Lô B và Lac Đà Vàng với tư cách là tổng thầu, tiếp theo là một số nhà thầu phụ như PVB với tư cách là nhà thầu thi công bọc ống.

Thị trường giàn khoan tự nâng sôi động mang đến triển vọng tích cực cho các nhà thầu khoan như PVD - Ảnh: Giàn khoan PV DRILLING VI
Về lĩnh vực dịch vụ khoan dầu khí, trong trung hạn thị trường giàn khoan tự nâng (JU) tại khu vực Đông Nam Á được đánh giá vẫn duy trì ổn định. VNDIRECT dự báo, giá dầu trung bình vẫn sẽ duy trì trên mức 70 USD/thùng trong năm 2025, đây vẫn là mức giá thuận lợi để triển khai các hoạt động E&P.
Theo S&P Global, nhu cầu giàn JU ở Đông Nam Á sẽ tăng từ 33,5 đơn vị vào năm 2024 lên 37/38 đơn vị vào năm 2025-2026, được thúc đẩy bởi nhu cầu ngày càng tăng từ các công ty dầu quốc gia trong khu vực. Trong khi đó, triển vọng nguồn cung JU vẫn còn khiêm tốn khi các giàn khoan đóng mới vào năm 2024-2026 ở mức thấp lịch sử, chỉ tương đương khoảng 2,8% tổng đội giàn JU toàn cầu. Mức giá thuê giàn khoan JU tại khu vực Đông Nam Á cũng sẽ ở mức hợp lý, trung bình trên 100.000 USD/ngày.
Cùng với đó, việc thúc đẩy đầu tư ở lĩnh vực thượng nguồn trong nước với các dự án lớn nêu trên trong những năm tới sẽ thúc đẩy các dịch vụ khoan thăm dò ngày càng sôi động trong giai đoạn 2025 – 2026, điều này tạo thuận lợi cho hoạt động của các nhà thầu khoan như Tổng công ty CP Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (PV Drilling, mã chứng khoán: PVD).