Lợi nhuận ngân hàng tăng tốc, triển vọng 2025 thêm lạc quan
Năm 2024, các cổ phiếu ngành ngân hàng tiếp tục giữ vai trò quan trọng trên thị trường chứng khoán. Quý IV/2024 chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ với mức tăng trưởng tín dụng 18%, song song là sự cải thiện chất lượng tài sản, tạo nền tảng cho triển vọng tích cực trong năm 2025.
Ngân hàng dẫn dắt thị trường trái phiếu, phát hành kỳ hạn dài tiếp tục sôi động Lãi suất tiết kiệm ngày 18/2: Gửi ngân hàng nào và điều kiện gì để có lãi suất cao?
Các cổ phiếu ngành ngân hàng vẫn là tâm điểm đáng chú ý trên thị trường chứng khoán năm 2024, đồng thời là một trong những lĩnh vực có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế. Diễn biến của ngành này phản ánh rõ ràng xu hướng dòng tiền cũng như tâm lý của nhà đầu tư.
Tuy nhiên, báo cáo kết quả kinh doanh quý IV/2024 cho thấy sự phân hóa mạnh mẽ trong ngành. Một số ngân hàng ghi nhận lợi nhuận tích cực, trong khi một số khác đối mặt với thách thức lớn liên quan đến nợ xấu và tăng trưởng tín dụng. Bối cảnh này diễn ra trong môi trường chính sách tiền tệ biến động và lãi suất không ngừng thay đổi, đặt nhóm cổ phiếu ngân hàng trước cả cơ hội lẫn thách thức.
Lợi nhuận ngân hàng tăng trưởng ấn tượng
Theo đánh giá của ông Đỗ Thanh Tùng – Trưởng phòng cao cấp Trung tâm Phân tích, Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), bức tranh toàn cảnh về lợi nhuận của ngành ngân hàng trong quý IV cũng như cả năm 2024 cho thấy nhiều điểm đáng chú ý.
Trước hết, trong quý IV/2024, lợi nhuận trước thuế của toàn ngành ngân hàng tăng trưởng ấn tượng ở mức khoảng 22%. Tổng thu nhập hoạt động tăng 16%, chủ yếu nhờ hai yếu tố chính. Thứ nhất, thu nhập lãi thuần tiếp tục được thúc đẩy nhờ tăng trưởng mạnh của tài sản sinh lãi. Trên thực tế, tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng trong quý này đã có bước bứt phá rõ rệt so với các quý trước và cùng kỳ năm 2023, đạt mức khoảng 18,1% đối với 27 ngân hàng niêm yết.

Lãi suất tiền gửi trong 3 năm trở lại đây.
Bên cạnh động lực từ thu nhập lãi thuần và tăng trưởng tín dụng, một yếu tố quan trọng khác trong kết quả kinh doanh quý IV là thu nhập từ các khoản nợ xấu ngoại bảng mà các ngân hàng đã xử lý trước đây. Về cơ bản, những khoản nợ xấu này từng được đưa ra khỏi bảng cân đối kế toán sau khi đã trích lập đủ dự phòng. Khi ngân hàng thu hồi được tài sản đảm bảo của những khoản nợ này, họ sẽ ghi nhận lại phần thu nhập tương ứng. Đây không chỉ là một động lực giúp cải thiện lợi nhuận mà còn phản ánh sự phục hồi của thị trường bất động sản cũng như chất lượng tài sản của toàn ngành ngân hàng.
Xét trên toàn năm 2024, lợi nhuận trước thuế của ngành ngân hàng tăng trưởng tích cực so với năm 2023, chủ yếu nhờ các động lực xuyên suốt như tăng trưởng tín dụng ổn định ở mức khoảng 15%/năm. Hơn nữa, nguồn thu từ xử lý nợ xấu cũng đóng vai trò hỗ trợ. Bên cạnh đó, các ngân hàng đã có những cải thiện đáng kể trong việc kiểm soát chi phí hoạt động và chi phí tín dụng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận bền vững.
Theo chuyên gia từ VDSC, tỷ lệ nợ xấu của ngành ngân hàng hình thành mới cũng giảm tương ứng, trong khi các ngân hàng vẫn duy trì mức trích lập dự phòng tín dụng hợp lý. Điều này giúp tăng cường mức độ bao phủ nợ xấu của toàn ngành trong quý IV và tiếp tục xu hướng cải thiện từ các quý trước.
Một số điểm nổi bật trong kết quả kinh doanh quý IV cho thấy ngành ngân hàng có những chuyển biến tích cực. Đầu tiên là mức tăng trưởng tín dụng trên 18%, cao nhất kể từ năm 2018 đến nay. So với năm 2022 và 2023 – giai đoạn ngành ngân hàng chịu nhiều tác động tiêu cực từ yếu tố vĩ mô trong nước và quốc tế – tăng trưởng tín dụng trong năm 2024 cho thấy sự ổn định hơn.
Ngoài ra, biên lãi ròng (NIM) của các ngân hàng trong quý IV/2024 cũng có sự nhích nhẹ, mặc dù không quá đáng kể. Điều này phần nào phản ánh khả năng kiểm soát chi phí vốn, khi nhiều ngân hàng vẫn duy trì mức chi phí huy động ổn định, chỉ tăng nhẹ khoảng 10 điểm cơ bản so với các quý trước.
Đặc biệt, một số ngân hàng tư nhân đã có khả năng tăng lãi suất đầu ra nhờ hoàn nhập các khoản thu nhập lãi trước đây bị loại trừ do nợ xấu gia tăng. Khi một khoản nợ xấu được xử lý và trở về trạng thái nợ đủ tiêu chuẩn, ngân hàng có thể ghi nhận lại phần thu nhập lãi này, giúp cải thiện lợi suất tài sản của toàn ngành so với quý III/2024 và kéo theo sự mở rộng nhẹ của NIM.
Về chất lượng tài sản, xu hướng cải thiện được ghi nhận trên diện rộng tại hầu hết các ngân hàng. Quy mô nợ xấu hình thành mới trong quý IV giảm mạnh, tiếp nối xu hướng từ quý III và đạt mức thấp nhất kể từ quý I/2022. Đây là một tín hiệu tích cực, bởi quý I/2022 là thời điểm thị trường chưa chịu tác động từ các yếu tố tiêu cực vĩ mô. Như vậy, diễn biến nợ xấu trong quý IV/2024 cho thấy tình hình đang tốt hơn so với giai đoạn mà ngành ngân hàng bắt đầu chịu áp lực từ các biến động kinh tế.
P/E hấp dẫn cho đầu tư
Đồng quan điểm, ông Huỳnh Hữu Phước – Giám đốc Chi nhánh Cần Thơ của VDSC cho rằng, sau khi nhìn lại kết quả kinh doanh quý IV/2024 của các ngân hàng, có thể thấy rằng, tăng trưởng vẫn duy trì ở mức tích cực. Triển vọng năm 2025 cũng được đánh giá sáng sủa hơn khi quy mô nợ xấu có xu hướng thu hẹp dần, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh ngân hàng.

Khi kết quả kinh doanh của nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục khả quan trong quý IV và cả năm 2024, điều này đã tác động đáng kể đến mặt bằng định giá chung của thị trường. Hiện tại, hệ số P/E của thị trường dao động quanh mức 12,4 – 12,5 lần, một mức định giá khá hấp dẫn khi so sánh với suất sinh lời dự kiến khoảng 8 – 8,3%.
Chuyên gia từ VDSC cho rằng, xét về định giá, nhóm ngân hàng tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc xác lập mặt bằng chung của thị trường. Với mức P/E quanh 12,4 lần hiện tại, đây có thể coi là vùng định giá hấp dẫn, mở ra cơ hội cho nhà đầu tư cân nhắc trong giai đoạn hiện tại.
Trong khi đó, lãi suất hiện tại chỉ xoay quanh mức 6%, cho thấy cổ phiếu ngân hàng đang đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành mặt bằng định giá chung. Điều này càng trở nên rõ ràng hơn khi xét đến tỷ trọng của nhóm ngân hàng trong tổng vốn hóa thị trường, chiếm khoảng 35 – 40%. Vì vậy, diễn biến của cổ phiếu ngân hàng có ảnh hưởng không nhỏ đến toàn bộ thị trường chứng khoán.
Bên cạnh đó, nếu quan sát diễn biến thị trường trong hơn một tháng qua, có thể nhận thấy sự thay đổi trong khẩu vị rủi ro của nhà đầu tư. Dữ liệu từ danh mục Smart Portfolio (danh mục đầu tư thông minh) của VDSC, bao gồm 3 chiến lược đầu tư: thận trọng, cân bằng và tăng trưởng, cho thấy trong suốt năm 2024, danh mục thận trọng và cân bằng thường có hiệu suất tốt hơn danh mục tăng trưởng.
Tuy nhiên, bước sang tháng 1/2025, danh mục tăng trưởng bắt đầu ghi nhận hiệu suất cao hơn hai danh mục còn lại. Điều này hàm ý rằng tâm lý thị trường đang có sự chuyển biến rõ nét – nhà đầu tư sẵn sàng trả mức giá cao hơn để đặt kỳ vọng vào triển vọng tăng trưởng của doanh nghiệp trong tương lai, đồng thời chấp nhận mức rủi ro cao hơn để đổi lấy lợi nhuận tiềm năng.
Xu hướng này có thể quan sát rõ hơn trong nhóm cổ phiếu ngân hàng. Những ngân hàng có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng thường có giá cổ phiếu đi trước xu hướng chung. Điều này cũng phản ánh khẩu vị chung của thị trường – khi có niềm tin vào tiềm năng tăng trưởng, dòng tiền sẽ dịch chuyển mạnh hơn vào những cổ phiếu có triển vọng./.